Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

031-KHÁCH SẠN LÂU ĐỜI NHẤT và...

---------
          Giải quyết nhu cầu ăn đã làm rối trí cho con người, lại còn nhiều thứ khác như ở, mặc,... nữa. Từ rất xa xưa, người ta đã phải đi xa nhà để buôn bán, hành hương, thăm người thân, chữa bệnh, học hành, giải trí,... 
         Ở châu Âu dưới thời đế quốc La Mã, quán trọ và khách sạn bắt đầu cung cấp các dịch vụ liên quan. Vì dân La Mã đã đi đây đó để buôn bán, du lịch...
         Khi xe ngựa chở khách gia tăng, khách du lịch người Anh ở trong các quán trọ, chính là nhà của tư nhân. Nơi đây giải quyết nhu cầu ở và ăn. Giai đoạn Phục hưng đánh dấu một thời đại mới cho ngành này với việc khách sạn HENRY VIII mở cửa vào năm 1788, cung cấp 60 giường cho khách, ở nước Anh.
         @ Khách sạn cổ nhất 
        Châu Á, có người cho rằng khách sạn lâu đời nhất là HOSHI RYOKAN ở Nhật Bản. Thành lập năm 718, trải qua 46 thế hệ trong cùng một gia đình hoạt động liên tục đến nay. 
H1 : Có 100 phòng theo phong cách Nhật Bản dành cho khách    
  
         @ Khách sạn với phòng nhỏ nhất chăng ?
       -Khách sạn hình viên thuốc con nhộng: khoảng không gian dành cho khách lỡ đường làm chỗ ngủ là những khối chữ nhật : 2m x 1m x 1,25m bằng plastic hay sợi thủy tinh. Tiện nghi có thể gồm : 1 TV,1 đầu nối mạng không dây, đèn điện, đồng hồ báo thức, radio, quạt, máy điều hòa,...Hành lí thường được cất giữ ở nơi khác. Lưu ý là khách không được ăn hay hút thuốc trong "phòng". 

H2 : Gồm 2 tầng, có chỗ tựa bước chân lên tầng trên

         Loại khách sạn này mở cửa đầu tiên vào tháng Hai năm 1979 ở OSAKA, ban đầu được thiết kế nhằm giúp những người lỡ chuyến tàu cuối cùng trong ngày, hay những người say xỉn khó thể tìm tuyến đường về nhà chính xác. Còn gọi là khách sạn 9 tiếng đồng hồ : 1 tiếng tắm táp, 7 tiếng ngủ nghỉ, 1 tiếng chuẩn bị hành lí trước khi trả phòng. Được cho là giá rẻ ở Nhật : từ 25 đến 50 USD/ đêm.
         Mỗi tầng có máy bán thức ăn, uống (thuốc lá, bia, nước trái cây,...), nhà tắm, toalet chung. Đôi khi có phòng sinh hoạt với bàn, ghế, TV,... Hiện nay bạn có thể lấy phòng và trả phòng trong bao lâu tùy ý.  


H3 : Tiện nghi : TV, đèn, đồng hồ báo thức, radio, quạt, nệm,...

H4 : Có nơi chung cho nam- nữ, có nơi tách riêng

         Ngày nay đến với những khách sạn loại này, có lẽ lại là những giây phút trải nghiệm dành cho khách du lịch, nhất là nhóm du lịch ba lô chăng ? Ngoài ra còn là chỗ trọ hàng tháng dành cho dân thất nghiệp nữa.
        Bạn có nghĩ là một ngày nào đó sẽ đến Nhật Bản để tìm đến một trong hai loại khách sạn : cổ nhất và mini nhất kể trên không ? 

H5 : Từ phía cửa ra vào nhìn vô bên trong

H6 : Tay ai kéo cửa 

H7 : Nhìn ngược về phía cánh cửa ra vào đã đóng
H 8 : Đêm về, nhớ nhà chăng ?

         @ Món thêm
         Có cần ở khách sạn nào đâu mà người ta cũng đi tới những nơi cách xa quê hương hàng nửa vòng Trái đất ! Lại bằng xe đạp nữa chứ. Ảnh dưới đây đáp ứng nguyện vọng của những ai thích khách sạn ngàn sao hơn ở trong tù túng...tiện nghi
H9 : MALAYSIA : Tây balô dựng lều ở Kuala Lumpur
 -
H10 : SINGAPORE : Sao Ta balô đã sáng tạo như thế này chưa nhỉ? Hay có mà chưa nói ra?

H11 : ẤN ĐỘ : Tây balô hạ trại ở Goa, bên bờ biển Arabian 

---------
H1 : opentravel.com-H2: www.odyssei.com -H3 : sonic.net -H4 : dare.co.uk -
H5 : www.hotelsbycity - H6 : corbisimages.com -    H7 : www.flickr.com - H8 : www.trippytraveller
H9 - H10 - H11 : www.freewebs.com 
 www.searchandgo.com  - www.ehow.com  - opentravel.com/
---------

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

030-'' Made in JAPAN '' : từ THƯỢNG VÀNG tới...

---------
           @ Từ những phát minh nổi tiếng thế giới
         Người Nhật phát huy sáng kiến cá nhân để làm lợi cho sự thăng tiến của chính mình, cho công ti, cho đất nước. Thế nên không lạ gì danh sách những phát minh của họ ngày càng nhiều thêm.
          Có thể kể sơ qua những phát minh hái ra tiền, hay là cái rất riêng của Nhật trong một số lãnh vực thông dụng như  :
         -Nghệ thuật : Karaôkê,...
         -Võ thuật : Aikido, Judo, Karate,..
         -Y học : Vitamin đầu tiên (B1),...
         -Đời sống : Mì ăn liền, bột ngọt,...
        -Kĩ thuật : Nồi cơm điện, máy walkman, máy tính tay bỏ túi, máy discman,  thẻ nhớ flash, video cassette, đồng hồ đeo tay quartz, tàu cao tốc,...  

Tàu cao tốc Shinkansen với hoa anh đào và núi Phú Sĩ.

         @...đến những sáng kiến độc đáo khác người 
          Rất dễ thương và ngộ nghĩnh là những hình ảnh sau đây:

-Dù đi mưa hình ống : Thế là chắc ăn trong cơn mưa nho nhỏ. Nếu mưa lớn có kèm theo gió to thì sao đây ?
Không cần anh đưa- em- về- dưới- mưa (ăn theo thơ NTN).
-Không sợ phồng lưỡi : Phải ăn nhanh lên kẻo...lạnh đấy ! Quạt làm mát (hay nguội) từ đôi đũa.
Thơm hơn từ miệng thổi ra.  Khỏi gây phiền phức cho..."nhà" kế bên

-Chả sợ tóc bay : Có khi nào gió không từ tay mẹ, mà lại thổi đến từ cái quạt nho nhỏ treo dưới đôi đũa của anh chàng ngồi bàn kế bên không nhỉ ? Tóc bay bay làm khó xử lí món ăn. Bụng lại đói meo, làm sao bi giờ ? Có vòng chặn tóc lại rùi đây nè ! Yên tâm mà thưởng thức nhé...

Trúc xinh trúc mọc  đầu đình. Em xinh cầm đũa một mình cũng xinh !

-Nón trên tàu điện ngầm : Dân ở xứ công nghiệp phát triển tranh thủ làm việc,nghỉ ngơi mọi nơi, mọi lúc vì thời gian rất quí. Trên đường từ sở làm về nhà hay ngược lại nhắm mắt để ngủ, nghỉ,...thật là một công đôi việc. Nếu cái nón này có kèm theo máy nghe nhạc nữa thì tuyệt, phải không các bạn yêu nhạc ! 
         Còn nữa, nếu thật sự khò thì lại cần một cái khăn che cằm và miệng lại, kẻo người đẹp không còn đẹp nữa. Bạn có để ý vậy không ?

Miệng xinh nói chuyện trong mơ - Nếu không che lại, nét thơ không còn
-Chỗ để cằm trên tàu điện ngầm : Không có chỗ ngồi ? Không muốn vịn tay ? Hãy để cằm vào đúng chỗ của nó và ta tựa vào đó mà đứng ! Tuy nhiên đứng vững được hay không thì, có thử mới...bít.

Nào, đứng yên cho tớ bấm máy nhé. Nhắm mắt lại. 1-2-3 ! Xong rùi, cậu về chỗ ngồi đi !

-Nhỏ mắt : Làm sao cho những giọt thuốc đến đúng nơi cần đến ? Yên tâm nhé, đã có cái phễu tí hon, tựa trên cặp kiếng, sẽ làm cho đôi mắt mau trở lại tình trạng bình thường hay long lanh hơn nữa...

Cũng là phục vụ cho đôi mắt thôi mà !  

-Khăn lau mũi : Cơ thể bạn là cơ quan dự báo thời tiết ư ? Đừng lo nước mũi sụt sùi, vì khăn giấy lun lun trong tầm tay :

Tiện và bất tiện lại song hành ! Bạn có nghĩ thế không ?

         Bạn đã thấy những phát minh này xuất hiện ở Việt Nam chưa ? Nếu chưa, thì mức phổ biến của chúng vẫn còn hạn hẹp. Vì ngay chính trên quê hương xứ hoa anh đào có người còn nghi ngờ sự hiện diện của chúng nữa đó !

---------
         @ Thêm món lạ
         -Khách sạn dành cho khách lỡ tàu, lỡ đường. Mỗi ô dành cho một người qua đêm.



--------- 
@ Từ  :- wikipedia.org 
--------- 

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

029-TÀU LỬA ĐẾN GA KHÔNG DỪNG LẠI ! (Sông Lũy - II)

---------

                 (Entry trước đã nói về lí do vì sao có trường cấp III ở Sông Lũy (thuộc tỉnh Thuận Hải cũ) và chuyện dạy - học - ăn ở đó, xin bấm vào đây để xem . Giờ tới những phần  khác...)

         @ Việc ở
         -Nhà tranh : Mái tranh thấp lè tè, leo lên dễ dàng, đôi khi có chỗ ngắm sao để làm thơ. Có lần một hiệu phó trên đường đi dạy về ngang lán trại nữ, gặp nữ học viên mắc bệnh lạ, đang ở trên mái nhà và bảo là, tao đợi ông Th.(thầy hiệu phó) về để dọa chơi... Bình thường chị T. hiền lành, tốt bụng, rất có trách nhiệm. Mắc bệnh này nữ học viên bị giật như động kinh, dễ lây lan ra cho những người sống chung. Nếu có người nam chăm sóc dường như mau bình phục hơn (!), nghe nói thế. 
         -Mùa mưa : "Miền Trung mùa mưa, anh có về miền Trung mùa mưa..." (*) Cũng là lúc cả trường ăn uống kham khổ, nếu không biết trồng rau cải,...để tăng dinh dưỡng. Nước dâng cao nên xe của trường không thể đi chợ mua thức ăn. Sẽ chỉ có canh toàn quốc với vài lát mỡ, cùng nước muối [được cho là pha cùng nước trà để lấy màu (!)]. Do đó ai tranh thủ ngày nghỉ về nhà, đều mang thêm thức ăn tươi hay có thể để lâu được (cà chua, cá khô, tôm khô, ..) vào dự trữ cho những ngày khổ vì mưa lũ.
         Đương nhiên vào mùa mưa, đường đến lớp lun lầy lội. Phải đi bộ qua bao nhiêu đoạn đường ướt sũng nước, đầy bùn để lên lớp... 

         @ Ngủ
         -Dột đêm mưa : Cả nhà tập thể giáo viên nam, đều thức dậy, có  người vỗ nắp soong hòa cùng tiếng mưa rơi. Trong lòng ai nấy đều cảm thấy vào đây -Sông Lũy- là ...tận- cùng- bằng- số, không còn trường nào trong tỉnh khổ hơn được nữa.  
         -Mùa lạnh : Nếu so với các vùng khác, hơn về độ cao hay độ vĩ chắc là chả nhằm nhò gì. Nhưng so với Phan Rang thì Sông Lũy quả là lạnh hơn rất nhiều. Có đêm phải đốt lửa sưởi ngay trong phòng thường là 2 hay 3 người ở chung. Không sợ ngộp thán khí vì phòng trống trải lắm. Cái lạnh chắc theo vào cùng lối đi với trăng sao !  

         @ Chơi
Lan rừng Ngọc Điểm ( http://vnexpress.net)
         -Lan rừng : Có những chủ nhật, thầy trò cùng vào rừng tìm phong lan. Dân tại chỗ, thường là người dân tộc Nùng, nói không biết mấy ông này mang về để làm gì, mà cưa, vác chi cho khổ thế ! Vùng này thường gặp lan Ngọc Điểm : lá trên cành khô khô héo héo, thế mà chồi hoa lại nhú ra ở nách lá, mới dễ thương làm sao ! Trong khó khăn gian khổ, mầm hi vọng vẫn tồn tại đấy chứ ! Một điều rất hay của loại lan này là vừa có sắc vừa có hương nữa, thơm mùi kem UE thoa mặt cho giới nữ ngày nào !  
         -Mai rừng : Tết âm lịch sắp tới, một số anh em (Phạm Đăng Hải, Bùi Anh Tú, bác nhà Cà Phê) chịu khó đi vào rừng tìm mai và chặt cành nhiều nụ mang về. Bây giờ gọi là...phá hoại môi trường hay là Lâm (Văn) Tặc đây. Qua nhiều suối sâu có, cạn có. Để bảo toàn quần áo cho khô, có lúc cả bọn phải tạm đóng vai người tiền sử khi qua suối. Hihi, mắc cỡ chi lạ... Mang những cành mai này về tới Phan Rang, dù đã bọc lót kĩ càng, nụ hoa vẫn bị rụng gần phân nửa. Tiếc hoa thì...ít, tiếc công thì nhiều.
         -Bóng bàn : Có được một bàn bóng nên cả bọn xem giao đấu bóng bàn nội bộ và ai thua sẽ chung độ mít hay đu đủ,...mà một số chủ vườn người dân tộc Nùng hay chở xe đạp ngang qua lúc xế chiều. Rất nhiều người từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam chơi bóng bàn giỏi ở đây : Phan Đình Lành, Bùi Anh Tú, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Văn Hưng, Võ Hải, anh Châu dạy Lí, Lưu Vân Trang..v.v..., còn Lê Hữu Hàng -đã mất- nữa.... (Thời này sao có nhiều GV chơi bóng bàn trình độ cao thủ vậy không bít !).  
         Có phải bác chơi bóng bàn giỏi nhất trong nhóm không ? Cà phê Sữa chen vào. Không đâu nhóc, người đứng đầu danh sách hồi nãy là người chơi hay nhất đó, bác ấy còn giỏi cả âm nhạc : chơi ghita điêu luyện, giọng hát hay, tập hợp xướng lun cho anh em nữa kia... 
         -Âm nhạc: Vang vọng trong các buổi nghỉ là tiếng ghita thùng bập bùng. Cũng như bóng bàn, đa số đều có thể chơi đàn. Có người mang thêm harmonica ra thổi. Nhạc Liên Xô thịnh hành một số bài : Cây thùy dương, Chiều Matxcơva, Trời chiều, Aliôsa,... Còn nhạc Việt, đang bắt đầu phong trào sáng tác ca khúc chính trị với : Đi qua vùng cỏ non, Cô nuôi dạy trẻ, Em còn nhớ hay em đã quên,...nên chúng cũng lan ra tới tận đây. Nếu bỏ qua đi chuyện kham khổ thì ở Sông Lũy, sinh hoạt...dzui hơn khi trở lại Phan Rang, mạnh ai về nhà nấy !

         -Báo tường : Các lớp thi đua làm báo tường cuối năm dương lịch, vào đúng mùa lạnh Noel. Có hai ông thầy làm báo cho cánh giáo viên, cũng vừa làm báo vừa nghe nhạc từ radio (Jingle Bells, Silent Night,...). (Pin phải tự chế vì hiếm : ngâm viên pin trong keo nước muối sau khi nối các cực của chúng lại với nhau và chuyền ra 2 cực của radio...). Và nghe với âm lượng khiến muỗi phải ganh tị lun !
         Tối bùn bùn hai ông bèn đi xuống các lớp nghía-lén thử mấy tờ croquis đang viết dang dở. Sáng mai lên lớp nói là đêm qua mơ thấy có bài báo như thế, như thế...Mấy tác giả học sinh ngẩn ngơ, sao mơ hay đến vậy... !

         @ Ghi thêm sinh hoạt đời thường 
        -Nhảy tàu : Với những bạn chưa đi tàu lửa thì từ nhảy tàu sẽ hơi bị khó hiểu. Mua vé, vào ga rùi đi lên tàu hay đến ga đi xuống khỏi tàu lửa là chuyện bình thường. Không mua vé, hay không mua được vé, mà đi tàu lửa (đi không vé -lậu vé) có lẽ gọi là nhảy tàu, kể cả nhảy lên- sau khi tàu rời ga, hay nhảy xuống, trước khi tàu vào đến ga. 
         Cao thủ trong chuyện này là một bác-dạy Văn, chuyên ra ga Sông Lũy để nhảy lên tàu lửa đến Tuy Hòa thăm người yêu. Trong số các bác hay du hành kiểu này có bác-dạy Sinh- về quê trở vào đã nhảy từ tàu xuống mất cả dép. Bác cũng về nhà -Phan Rang- bằng cách này vài lần. May là trong trường chưa có ai bị thương vì nhảy tàu cả. Giờ suy nghĩ lại thấy quá nguy hiểm.
Chỗ nối toa là khoảng trống giữa 2 toa tàu
        -Không có vé thì phải nhảy (lên) tàu : Thật ra không ai cố ý đi lậu vé. Vì tàu lửa khi đến ga Sông Lũy, một ga nhỏ thì đi luôn không dừng lại. Và dĩ nhiên là không tổ chức bán vé tàu ở đó. Làm sao về được Phan Rang, hay đi xa hơn ra phía Bắc, vào phía Nam ? Trong trường có nhiều giáo viên quê Phan Rang, Nha Trang, Huế,... Sao không đi đường ô tô ? Việc đón xe khách hay xe tải chạy tuyến đường dài trên QL1 ở một nơi giữa chừng như Sông Lũy là điều không tưởng !
        Thế nên mới phải nhờ những nhân viên điều độ ở ga này phất cờ ra hiệu để tàu đi chậm lại. Người đi mang ba lô chạy dọc theo tàu-đang-chạy, bám được tay vịn  nhảy lên, ngay chỗ nối toa. Cứ thế mà đeo bám gần trăm cây số về tới ga Tháp Chàm (Phan Rang) và phải tìm chỗ ra khỏi ga mà không phải bị phạt vì không có vé. Nỗi nhớ nhà làm cho người ta vượt qua những nỗi lo sợ khác (phạt lậu vé nếu nhảy lên được tàu chợ, té xuống đường tàu không mất mạng cũng mất ...tứ chi,...). Ga Sông Lũy được lập ra có lẽ để công nhân chăm sóc cung đường địa phương, cho tàu lửa qua lại an toàn hơn chăng ? Hihi và cũng để cho một số người thực hành làm catcađơ-kẻ đóng thế vai những đoạn phim nguy hiểm !  
         -Có vé vẫn phải nhảy (xuống) tàu : Lúc trở lại trường thì mua vé từ ga Tháp Chàm đến Mương Mán (Phan Thiết), nhưng không đi hết đoạn nói trên. Gần đến ga Sông Lũy, tức còn chừng 50 km nữa mới tới Mương Mán, bắt buộc phải xuống bằng cách...nhảy khỏi tàu lửa. Quăng balô xuống trước, rồi lựa chỗ cỏ êm để người nhảy ra sau và phải chạy một chút theo tàu nữa, rất ư là hồi hộp. Ban ngày có thể thấy đường, ban đêm thì...hên xui. Tàu nói ở đây là tàu chợ, thường mỗi ga mỗi ghé. Tuy nhiên đến ga Sông Lũy thì lại không dừng như đã nói trên.  
         Bây giờ nhà tàu đã đóng kín cửa, không có nơi để bám mà nhảy lên. Vận tốc đã được tăng, nhưng vẫn không quá 60km/giờ. Và cũng không còn nơi để đứng giữa chỗ nối toa như ngày ấy, có khi phải đứng suốt 100km ở chỗ mà thường vẫn nghe nhà tàu cảnh báo là nơi nguy hiểm không được đứng...[Hiện nay vẫn còn người bán hàng rong nhảy tàu, không đứng chỗ nối toa mà ngồi trên nóc toa (**), nguy hiểm hơn nhiều !]
Chỗ nối toa nhìn từ bên trong tàu ( khoảng trống giữa mấy cánh cửa sơn xanh)

         -Y tế : Tuy không bệnh gì, mỗi tuần thầy trò đều được phát thuốc uống để ngừa sốt rét. Nếu có bệnh thông thường, được y sĩ cho thuốc trị. Bệnh nặng hơn, phải cõng hay khiêng võng ra QL1. Ở đây phải dùng súng của tự vệ trường mà đón đường, xe hơi mới chịu ngừng để chở người bệnh đi đến Phan Thiết. (Do đó, không ngạc nhiên khi thấy giáo viên, học viên muốn về Phan Rang,... phải nhảy tàu lửa !). Gian nan đấy chứ bạn nhỉ ! 
        Riêng bệnh lạ đã nhắc phần trên thì cách tốt nhất là, cho người bệnh về nhà nghỉ dưỡng một thời gian sẽ khỏi.
         -Cà phê : Sáng chủ nhật muốn uống cà phê quán, phải mất chừng 30 phút lội bộ từ trường ra tận chợ Sông Lũy, gần QL1. Muốn ăn phải lăn vô bếp đó mà. Chỉ đi đông anh em buôn chuyện, mới đỡ ngán ngại đường xa.

Sông Lũy bây giờ ( http://maps.google.com)

          Con thấy bác nói về việc ăn, chơi nhiều hơn việc học à nghen...! Mún bắt giò phải không chú nhóc ? Con thuộc thế hệ sau, nghe đừng tự ái nhé. Người học thì ngày ấy siêng hơn bây giờ, chịu đựng gian khổ để vươn lên giỏi hơn chăng ? Người dạy thì được trang bị hay tự trang bị nhiều thứ, mang hoài bão cho đời nhiều hơn chăng ?
         Hiện tại có lẽ vì đời sống khấm khá hơn rõ rệt so với thuở đó nên cách sống cũng có khác. Nhưng dường như người ta lo chạy mệt nghỉ theo cái gì đó không có tính lâu bền, đại loại như là những con số phần trăm. Con người chớ đâu phải đôi giày, cái áo,...đâu mà  đóng đinh với những con số bất biến ? Hùng hục như một đoàn đua rượt đuổi theo nó. Một số người -mà ngày càng đông hơn- lại uống thuốc tăng lực, trợ cơ,...hay nói chung những thứ vận động viên không được phép làm. Đương nhiên có doping thì không  thắng mới là chuyện lạ trên đường đua không công bằng ấy. Và người trung thực lại bị cười chê, vì không theo kịp...thời- đại- của- những- % ! Nhưng AI bị thiệt hại lâu dài đây nè ? 
         Mong sao sớm loại trừ nhóm doping ra khỏi cuộc chơi, virus phần- trăm- loại- xấu bị diệt sớm, trả lại cho đời godautre (***) cái tâm trong sáng, chỉ lo việc dạy chữ, dạy người thật sự, mà cũng đừng nên phong thánh cho họ...   
 
         Nhớ lại dĩ vãng là cuốn phim ghi những gì sâu sắc, ấn tượng nhất đọng lại trong đầu. Những thứ nhạt nhòa đã trôi theo dòng thời gian rùi còn đâu nữa, hở nhóc con ! Hơn ba mươi năm -từ ngày ở Sông Lũy- chớ ít đâu nào ! 

         (Cà phê Sữa ghi lại dùm ông bác thương yêu của hắn. Có nhiều khi, bác nói say sưa mà nó cũng chưa thấu hiểu dù lun lun lắng nghe ! Người lớn rắc rối thật đấy !) 

--------- 
(*)  : bài "Mưa miền Trung"- NS Phan Huỳnh Điểu 
(**):http://www.tin247.com/nhung_bong_hong_tren_noc_tau 
(***): có thời người ta gọi thầy cô giáo là những người gõ đầu trẻ (chắc được...cấp giấy phép để thực hiện !)

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

028-SÔNG LŨY ƠI, NGÀY ẤY (I)

---------      
         @ Tại sao thầy trò phải vào Sông Lũy ?
         "Hôm qua bác đến chơi nhà". Và bác đã kể lại cho Cà phê Sữa tui nghe về khoảng thời gian bác ở Thuận Hải-bây giờ đã tách ra thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Khi ấy tui còn ở ngón chân cái của bố (!).  
         Đang rất yên lành ở Thị xã Phan Rang, đột nhiên thầy trò trường bác, được lệnh dọn tới một nới cách đó chừng 100km về phía nam. Vào Sông Lũy, một địa danh xa lạ tìm hoài trên bản đồ...mới có. 
         Lí do vì đây là lán trại của bộ đội, mà nay phải chuyển quân tới nơi rất xa xôi (tháng 01-1979) nên cấp trên đưa một trường Cấp III thuộc loại COCC vào trấn giữ. Phan Thiết-Sông Lũy cách nhau khoảng 50 km, còn Sông Lũy-Phan Rang tới khoảng 100 km. Có nghĩa sẽ đi xa nhà 100 km, thời mà xe chở khách phải chạy bằng...than. 

H1: Phan Thiết (dưới, góc trái) - Sông Lũy (trên cùng, giữa). Số 1 là QL1 ( http://maps.google.com) 

        Tạm biệt Phan Rang -hihi, hình Phan Thiết mà nói Phan Rang !- với những buổi sáng ngồi quán ven QL 1, bên bạn bè, bên li cà phê đen nóng, thuốc lá đen Mai (bác tui lúc đó chưa bít hút thuốc lá à nghen !) ; những buổi chiều vui đùa cùng sóng biển Ninh Chữ với gia đình... 
                    Chưa đi chưa biết sông Lùy (Lũy) 
                 Đi rồi mới biết khác gì sông Dinh.  
         Sông Dinh đi ngang QL1, phía nam thành phố Phan Rang ngày nay. Sự giống nhau của sông này với sông Lũy là mùa khô nước kiệt có thể lội ngang dễ dàng, còn mùa mưa nước lũ vô cùng khó khăn khi bơi vượt qua !
  
H2 : Sông Dinh- Phan Rang  mùa Tết âm lịch (nhìn từ cầu Đạo Long về hướng biển)
         @ Chuyện dạy và học
         Trong vùng rừng núi, may mà có điện sáng trong một số giờ nhất định. Sau đó mọi người đều dùng đèn dầu. Ánh sáng mờ mờ so với nơi thành thị đèn điện là cả một trời một vực. Học viên vẫn phải học bài thêm ban đêm với ánh sáng đó, giáo viên vẫn phải vẫn phải soạn bài ngoài giờ có điện, với ánh sáng mờ mờ như vậy. Đó là nhiệm vụ đã được giao. Tới giờ thì lên lớp, giảng bài ở lớp này, lớp khác vẫn có thể nghe được. Vách ngăn bằng cót mà, làm sao cản được âm thanh ! 
          Người học thì buổi sáng học chính khóa, buổi chiều tự học ở nhà tập thể. Cuối tuần họp lớp có thể góp ý về các giờ dạy đã qua một cách thẳng thắn, thoải mái. Và cũng từ mái trường này, đóng góp không ít nhân lực cho địa phương về sau. Tóm lại gắn bó với thầy-trò ngày ấy là bảng xanh, phấn trắng, mái tranh, vách cót, đèn điện có giới hạn, nước suối, ăn tập thể, ở nhà nền đất, chuyện tế nhị -xả lũ- thì đi vào rừng xa xa, hehe....
        Có những học sinh người Chăm, rất siêng năng và nhẫn nại, ngày đêm vẫn học chương trình tiếng phổ thông và tự học thêm tiếng Chăm cổ. Có em sao chép lại bằng chữ viết tay cuốn từ điển Chăm-Pháp-Việt có từ trước 1975 : một công việc thử thách ý chí ghê gớm. Và cũng có những người thầy, học viên người Kinh chăm chỉ học tiếng Chăm ở mức có thể nói chuyện với học sinh người Chăm về những sinh hoạt đời thường... 
         @ Cái ăn
         Vào những ngày thường không có nước lũ, xe tải nhẹ của bộ phận cấp dưỡng vượt qua suối đi tới chợ Lương Sơn mua thức ăn. Sẽ là cá khô, nước mắm ớt, canh cải toàn quốc (từ quốc phải hiểu là nước) với vài lát ba rọi, mỡ nhiều hơn thịt. Cũng tạm qua ngày để lên lớp thực hiện bổn- phận- sự của người kĩ sư tâm hồn (Macarencô và Xukhômlinxki đang rất nằm lòng).  
         Thế nhưng đêm về bụng đói meo, dù tâm hồn vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Làm gì để cải thiện trong các bữa ăn ? Mấy bạn dạy cấp II đến trước bày vẽ:

         -Bắn cá : mượn súng của bộ phận tự vệ đi ra suối bắn cá lòng tong đem về kho, hay nấu canh (rau đay, lá vang, rau tập tàng,...). Chỉ cần bắn xuống nước một vài viên đạn, gần nơi nào thấy cá tụ tập nhiều là chúng bị ngất phơi bụng. Lội xuống vớt mang về. Nhưng số đạn có giới hạn, làm sao xin được hoài ?
H3 :Vẹm  ( afamily.vn)
         -Bắt vẹm : khi đi tắm suối mang theo soong, cột dây nối vào người, như phi hành gia khi ra ngoài vũ trụ vậy. Ngâm mình dưới nước, rà mắt dọc theo 2 bên suối, thế nào cũng bắt gặp loại này. Xì xụp bữa cháo đêm là cái chắc, qua tài nấu nếm ngon lành của "đầu bếp" Lê Hữu Hàng ! 
        -Cắm câu : có người-bác Hà Văn Bồng, bác Châu- là dân gốc xứ biển, về nhà vô mang theo cần câu, cắm dọc suối. Đã bắt được những con cá lăng to, trông hơi bị giống cá trê của vùng đồng bằng Nam Bộ. 
         -Đào củ mì : đang đêm thầy (3-4 ông) cùng vài trò nam, lội bộ đường xa lên rẫy trồng củ mì của trường. Đào và mang về nấu ăn cứu đói. Chuyện bây giờ mới kể !
          -Muối trái sung : vài người hái trái sung trong rừng, cắt đôi phơi vài nắng. Xong bỏ trong keo, ngâm nước muối để dành ăn dần. Có thêm món ăn để độn cơm...mà đánh lừa bao tử ! 
H4 : Đói lòng ăn nửa trái sung. Cắn thêm miếng ớt cạo rung đáy nồi (cơm)
         -HS ''viện trợ'' : các lớp đều có trồng rau cải để cải thiện bữa ăn. Lúc thu hoạch, các học viên đi ngang thường gởi mớ cải, bó rau cho nhà tập thể, toàn giáo viên nam. 
         Ngoài ra một số học sinh người Chăm, mỗi khi về thăm nhà trở vào, cũng hay mang thức ăn đến, như món lớ (bắp rang xay nhuyễn trộn đường),.. Luôn nhớ tới các em Nguyễn Hưng Đạo, Đào Thị Hạnh, Quảng Đại Hùng, Xích Ngang, Mai Thị Thanh Thúy, Trương Phi Hùng, Phạm Văn Quảng và nhiều, nhiều em nữa (riêng Kiều Thanh Tấn -kĩ sư thủy lợi- đã mất),.. Đa số các em quê ở Bình Thuận, nay chắc đã là ông- bà nội -ngoại lâu rồi không chừng (gần bước sang 50 rùi còn gì !).  

         Bác kể đến đây mà mắt trông như có sương, có khói. Chắc rất nhớ những ngày xưa rất gian nan, mà cũng muôn vàn thân ái ! Những học trò thân thiết, bác bảo nhớ nét mặt từng người. Nhưng không rõ trên bước đường mưu sinh từ khi rời khỏi trường về sau, đã có bao lần trò nhớ lại những kỉ niệm ngày ấy ở Sông Lũy ? Làm thế nào để gặp lại...? 

         Đang là tháng 11, hãy để thầy nhớ trò vậy. Hic hic... Ai mún bít thêm đời sống của một bộ phận kĩ- sư- tâm- hồn vào thời một ngàn chín trăm...hồi đó, sẽ có tập II. 
-----
         @ Cập nhật cần thiết (19-5-2015) :
          
Vừa gặp lại một trong những học sinh cũ-có tên trong bài viết này, bằng sóng điện thoại qua công sức nối ...dây của một thầy giáo chung trường xưa luôn. Qua đó biết rằng đa số các em (ở huyện Bắc Bình- Bình Thuận) đều sống ổn định với nghề nghiệp hiện tại. Có hai em là giáo viên - đồng nghiệp với bác nhà Cà phê rồi ; có em ở nhà làm nông (canh tác Thanh long, đặc sản địa phương) và cũng có em công tác trong hệ thống công chức nhà nước...
                 Tạm gọi là nắm được thông tin sơ bộ. Hi vọng ngày gặp mặt thầy - trò không còn xa nữa !


         @Món dọn thêm đầy tình nghĩa - cổ kim hòa điệu  
          (Đây là một trong những tấm thiệp của lớp bạn chàng Cà phê Sữa tặng thầy cô. Giới thiệu để ngày 20-11 trọn vẹn hơn...) 

Hihi, tác giả này cũng có sáng kiến...  

...để cho thấy đây là một tập thể đông, dzui

Hehe : lớp của bạn chàng Cà phê Sữa từ xa gởi đến làm kỉ niệm chăng ?

---------
H4 : http://www.thegioi24h.vn 


--------- 
    

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

027-...CƯỚI GÁI CHỌN DÒNG

-------        
 @'' Đàn ông Việt có thể phải sang châu Phi tìm vợ ''
       Một quan chức đầu ngành về dân số VN cuối tháng Mười -2010 đã cảnh báo : " ...20 năm nữa, các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines... cũng không dư phụ nữ để chúng ta “nhập khẩu” về làm cô dâu, may lắm thì đàn ông Việt thời điểm đó có thể sang Algeri, Angola, Mozambique, Uganda,… hay các nước châu Phi khác mới hy vọng tìm được bạn đời ".(1). Lí do là dân Việt đã trọng nam khinh nữ, sinh bé trai nhiều hơn bé gái một cách bất thường. 

         Ở đây không bàn đến chuyện mất cân bằng giới tính, hay những chuyện tế nhị như tại sao lại sang làm phiền bè bạn châu Phi (!), mà chỉ cưỡi- ngựa- xem- hoa gia đình vợ- tương- lai- của các chàng trai nước Nam ta thui, nếu...lời tiên đoán kia là thật ! Và rõ ràng là, mở cửa nhìn ra thế giới thêm một tí tẹo, chớ hoàn toàn không có ý gì xâu- xấu với bè bạn cả. (Hic hic, phải thanh minh trước, rõ khổ !).

H1: "Em thường hay mắt liếc"(ALGERIA)  
H2: Nhà sẽ mất- đoàn- kết  đây ( ANGOLA)












                   



         Tiêu chuẩn về cái đẹp ở mỗi nơi mỗi khác, mỗi người cũng mỗi khác lun. Lần trước bố con nhà Cà phê-Sữa đã nhắc tới phụ nữ châu Phi với dĩa môi. Hi vọng lần này có dịp liếc qua thêm tí chút về những người có thể là...ba mẹ con dâu nước Việt (!), để thực hiện việc...chọn dòng.

H3 : Bản đồ châu Phi với một số quốc gia liên quan
         Châu Phi được xem là cái nôi của loài người. Ở đây có cả các nhóm dân cao nhất, thấp nhất hành tinh và còn có tiêu chuẩn đẹp nhờ dĩa môi.

         @ Dân cao nhất
         Thường khi nhắc tới cặp chân dài, người ta nhớ đến dân da đen Đông Phi : phía Nam Sudan, Ethiopia, Kenya, Uganda... Có thể họ thuần chủng da đen, hoặc đã pha trộn với dân da trắng từ Tây Nam Á hàng ngàn năm trước. Điển hình là dân du mục MAASAI ở Kenya : cao lớn, mạnh khỏe, can đảm (vì dám đi săn sư tử và có thể làm cho sư tử châu Phi...tuyệt chủng lun đó !). Đàn ông có thể đạt chiều cao trung bình 1,9m, phụ nữ 1,8m (!). 
H4 : Vũ điệu truyền thống của đàn ông Maasai  (Wiki)
         Phụ nữ Maasai  cũng có vẻ rất riêng, trang phục, trang sức màu sắc sặc sỡ. Chắc chắn là khỏe mạnh, can đảm có thừa, chịu đựng gian khổ tốt, vì sống trong vùng đồng cỏ cao nhiệt đới khô cằn- savan- mừ. Nhưng tiếc là không thể nào nói là tóc-em-dài-anh-cài-hoa-thiên-lí được nữa rùi. Hic hic.
H5 : Một phụ nữ Maasai : có thể mời đóng quảng cáo cho kem đánh răng chăng !(Wiki) 

H6 : Làn da bánh mật, chân dài. Mắt to môi đậm là...ai vậy kìa ? (UGANDA)

          @ Dân ''mi-ni'' Pygmy : thấp nhất
         Với chiều cao trung bình hơi bị thấp của đàn ông dưới 1,5 m được gọi là dân Pygmy. Nam : 1,45m, nữ : 1,33m. Ở đây cần phân biệt sự khác nhau giữa thấp và lùn : thấp (trái nghĩa với cao, có dáng người cân đối, chỉ phải hơi bị...khiêm tốn về chiều cao thui ; còn lùn thì bị dị dạng về hình thể, không cân đối, có thể đầu to hơn bình thường). Nhóm này có mặt ở châu Á, châu Đại dương, Mĩ latinh và châu Phi. 
          Nổi tiếng thế giới là nhóm dân Pigmy sống tại châu Phi. Họ săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá, bẫy thú...trong các vùng núi non, hồ đầm mà phần đông thuộc vùng nội chí tuyến như Rwanda, Burundi, Uganda, Congo, CH Trung Phi, Gabon, và xa hơn về phía Nam : Angola, Botswana, Namibia, Zambia  (Br)(Wiki).   
  
H7 : Thấp người vì bởi di truyền. Cao người vì bởi anh siêng bú (sữa) bò

         @Cô dâu ''giá trị cao''
         Cách xa cả đại dương với Mĩ latinh, nhưng điều trùng hợp là châu Phi cũng có những nhóm dân sở hữu dĩa môi. Ở Mĩ latinh, ta thấy người nam mang dĩa môi, còn châu Phi, cả nam lẫn nữ đều có thể mang dĩa môi làm vật trang sức hay có giá trị cao trong cộng đồng :  
H8 : Phụ nữ SURMA ở Tây Nam Ethiopia với dĩa môi tròn, rộng, trang trí hoa văn bên trên
H9 : Dĩa môi to bằng mặt của người chụp ảnh (dân MURSI) 
          Tại sao phải mang đĩa môi bằng đất sét (hoặc gỗ, ngà voi, xương thú, thủy tinh,..) nặng nề như thế ? Có nhà nhân chủng học cho rằng để làm nản lòng những kẻ buôn bán nô lệ ngày xưa (nam, nữ đều mang). Có người nói là để tăng giá trị cho cô gái chưa chồng, dĩa môi càng to tỉ lệ thuận với số gia súc nhà chồng tặng khi cưới dâu (chỉ riêng nữ). Cùng ý này, một tù trưởng bộ lạc trả lời là, phụ nữ mang dĩa môi để làm đẹp, (trong khi nam giới có bộ râu). Hehe, có râu ria là...đẹp !  
         Các bạn nữ có ai mún làm đẹp bằng dĩa môi như thế không, xin đăng kí tại MF gấp gấp...Coi chừng lỡ dịp. Nhớ là phải lấy dĩa môi ra khi ăn nhé, và không phải đeo suốt ngày đâu, đừng lo.

        Riêng về việc sui gia cưới gả, thật ra vẻ ngoài không quan trọng lém. Cần nhất là cái đẹp bên trong. Mà khổ nỗi, con mắt lại nhìn thấy vẻ ngoài trước nhất và nhanh như sét đánh mới chết chứ... Vậy thì đến lúc đó, cho các chàng trai Việt sang lèm rể vài năm rùi mới cưới là ăn chắc, đàng trai lại có dịp du lịch châu Phi nữa. Quyết định vậy đi !

         @ Món rội

H10 : Nhà ở đâu mà trông quen quen (MOZAMBIQUE)
H 11 :Mẹ bồng con. Dân Pygmy







---------  
 (Br) :www.britannica.com -  (Wiki) :  wikipedia
    (1) www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi _H1 : bleacherreport.com -H2 : datanta.com -H6 : freeuganda.net 
H7-H11 :www.davidwallphoto.co.nz -H8: superorganicfoods.com  -H9: www.travelblog.org 
-Mời bạn xem thêm thông tin về chuyện ''mất cân bằng giới tính khi sinh'' trầm trọng ở Việt Nam tại đây (đăng vào 05-10-2011)
---------