Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

085- Búp bê

-------
       Thì cũng như trong một lần nọ xảy ra cũng hơi lâu lâu, lần này bé Sữa nhà ta trong một giấc mơ thấy ẵm một búp bê đi chơi. Khi thức dậy, quả thật có búp bê kế bên. Đồng thời lại có cả tờ giấy chi chít những dòng chữ trong túi áo ''em bé'', như thế này :
       
       @ Là giấc mơ tôi.
       Là sở thích thuở bé thơ và chưa bao giờ toại nguyện.
       Tôi nhớ mình đã luôn ước ao được sở hữu một búp bê xinh, ước mơ không có gì lớn lao, vậy mà mãi không thành.
       Cũng không phải là quá sức mua sắm của Ba tôi vì rõ ràng Ông đã mua cho tôi rất nhiều thú bông, rất nhiều. Nhưng tuyệt nhiên không phài là con búp bê tôi yêu thích.
       Tại sao ?
       Tôi cũng không hiểu. Nghĩ mãi thì lý do thuyết phục nhất là do tôi không nói ra, không tỏ bày chăng ?
Búp bê xinh xinh. (everythingsgold.blogspot.com)
       @Ước mơ chưa trọn vẹn
       Trưởng thành, đủ khả năng tự mua thì những vòng xoáy lại khiến uớc mơ đó mờ nhạt, ngủ yên.
       Rồi tôi làm Mẹ, búp bê là món quà đầu tiên tôi dành cho con.
Con hờ hững lướt qua và chỉ một lần duy nhất con bế búp bê để chụp một tấm hình theo yêu cầu của tôi, rồi quên khuấy !

       Một người bạn lớn ít nhiều biết được sở thích xưa, vậy là tôi được tặng một búp bê trai. Đó cũng là giai đoạn tôi đã lặng thầm nuôi một ước mơ lớn lao hơn : được làm Mẹ thêm lần nữa. Một bé trai của tôi ! Tôi ôm búp bê vào lòng mỗi khi ngủ, mong giấc mơ thành sự thực khi tôi thức giấc !


Búp bê giấc- mơ- không- thành ! (maridana.com)

       Nhưng thực tế cuộc đời thường không toại nguyện những giấc mơ ! Tôi cất búp bê váo đáy tủ, cất cả những giấc mơ !
Mười năm trôi !

Bup bê thế kỉ XIX ( năm 1870 ). (wikipedia.org)
       @Búp bê ơi, giã biệt ! 
       Chiều nay thằng bé hàng xóm lăn toài ra nền gạch ngủ ngon lành, đầu không gối, lưng không đệm...ai cũng xuýt xoa thương cảm. 
Tôi ngồi nhà bên cắm cúi làm việc nhưng cũng nghe được, tôi sục sạo trong đầu liệu có cái gì thích hợp làm gối cho nó đây ???
       Rồi tôi nhớ búp bê xưa, tôi lục tìm, trong túi xốp to đùng bé trai vẫn ngoan ngoãn ngủ say.
       Dậy thôi, từ nay thôi câm lặng vì sẽ có bạn cùng nhau đùa nghịch rồi lấm lem, rồi rách bươm...

       Vậy mới đúng là cuộc sống!

Bup bê Đức, năm 1900. (wikipedia.org)


       Vậy là Búp bê rời tôi.
       Không phải tiếc, không là xót, nhưng sao nghèn nghẹn. Dường như có cái gì vừa vĩnh viễn khép lại.

       Chiều dần trôi...

       @ Xem thêm
Bup bê Barbie - 1959 

Bup bê châu Phi.
Bộ Bup bê Matroshka, Nga. Bup bê lớn nhất có thể chứa gọn 9 bb khác (hay nhiều hơn) nhỏ hơn bên trong ruột 
-------

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

084- ĐƯA HỌC SINH ĐI THI ĐẠI HỌC : CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

-------
       Có một thời nếu chọn giữa hai nơi Sài Gòn và Cần Thơ để cho con em thi vào đại học, thì Cần Thơ được dân Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng hơn. Do cuộc sống êm đềm hơn chăng ? Do mức sinh hoạt thích hợp với kinh tế gia đình vùng sông nước ? Hay do đầu vào vừa sức học của học sinh (HS) trong khu vực ?
Cần Thơ gạo trắng nước trong  (rmcst.gov.vn)
       Thời ấy HS trường nhà bác của chàng Cà phê dạy cũng nghe theo lời hô hào của thầy Hiệu trưởng mà số đông đăng kí thi vào Đại học Cần Thơ. Cuối năm học nọ (1985-1986), số HS đi thi ở Cần Thơ vừa vặn 3 xe đò cỡ lớn, khoảng 45 chỗ/xe. Lần lượt phụ trách coi sóc tình hình HS trên 3 xe (1 ; 2 ; 3) có : thầy MỘT, thầy HAI và thầy BA. (Hihi, tạm gọi vậy đi !). 
       Và có thơ rằng :

         Suốt năm học thầy to tiếng dặn :
        Muốn đường vào đại học thênh thang
               Cần Thơ nơi ấy mà sang
     Dễ đậu như lấy bắp rang túi mình (!)
      Nếu không kể tới những chuyện linh tinh không có trong chương trình, như cho một số HS nam lên sân thượng khách sạn ngủ qua đêm để tiết kiệm chi phí, thì chỉ còn chuyến về an toàn nữa là đạt yêu cầu. Vì may mắn là không có em nào cảm cúm cả !
        Tới khách sạn bèn chê chẳng sạch
        Dồn nam sinh lên tuốt tầng cao
            Bốn bề gió lộng ào ào,
     Hợp đồng đã kí mà sao thế này ?


         @Sự cố và nỗi thất vọng
       Trên đường từ Cần Thơ về Bến Tre phải qua phà Rạch Miễu. Trời dần tối, xe đã xuống phà. Đột nhiên tài xế chiếc xe thầy BA phụ trách báo là xe bị gãy láp, không thể tiếp tục chạy nữa. Chính thầy BA đã tìm hai thầy kia nói rõ tình hình, để thầy MỘT liệu tính tiếp.
        Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là khi phà đến bến Tân Thạch, hai xe 1 và 2 lên bến, đón HS xe mình và …vù lẹ, lặn luôn về hướng Thị xã Bến Tre. Trong khi xe 3 còn nằm trên phà vì sự cố đã kể. Ai là người hợp đồng xe và là người phụ trách chung ? Chính thầy MỘT, là người number one đó !

       @Quới nhân phò trợ
       Nỗi thất vọng to lớn được vơi bớt phần nào khi được thầy Phạm Ký Hiêng, cũng đã từng là number one trường này, cho xe- cũng đưa HS đi thi- kéo về Thị xã Bến Tre đoạn đường trên dưới 12 cây số. Chắc chắn là thầy BA và nhóm HS còn lại đã rất cám ơn thầy Hiêng. Và có lẽ người ra ơn…cứu vớt cho tới bi giờ có khi cũng không còn nhớ !
       Thôi cũng tạm ổn, vì dù sao lúc này càng gần nhà càng tốt.

       @Tiếp tục giải quyết sự cố
      Về đến Thị xã, các em ai có nhà hay bà con ở gần, đã tạm biệt đi riêng. Còn lại khoảng hơn chục, tròm trèm một tiểu đội, nhưng tất cả đã tiêu hết tiền mang theo. Vì ai nấy đều nghĩ, sau buổi thi vào chiều cuối cùng chỉ việc ngồi trên xe là về đến trường, đến nhà, để lại tiền làm chi ! 
       Sau khi hội ý, cả thầy trò đều đồng ý đi bộ về Giồng Trôm với khoảng cách 18 cây số ngay trong đêm. Trước đó, thầy BA bảo sẽ xin chỗ nghỉ qua đêm trong trường Nguyễn Đình Chiểu gần bờ hồ Trúc Giang, nhưng tất cả các em đều muốn đi về nhà ngay, dù chỉ bằng xe…lô-ca-chưn !
Đoạn đường thầy trò đi về trong đêm # 18 km từ TX Bến Tre về Thị trấn Giồng Trôm 
       Trên bản đồ, vòng tròn đầu tiên là chỗ dừng chân nơi nhà cô Hà Thị Yến, đi khỏi Chợ Mĩ Lồng một tí, vòng tròn thứ 2 là ''khách sạn ngàn sao'' nơi cầu Lương Quới.

       @Quới nhân phò trợ thầy trò...''Đường tăng'' lần 2
      Lội bộ khoảng hơn 6 cây số qua khỏi chợ Mĩ Lồng, sau khi đã uống hết số nước đá lạnh mua ở Thị xã, ai nấy đều khát nước. Thầy BA chợt nhớ đến nhà cô Hà Thị Yến, GV dạy Lịch sử của trường. Bèn cho HS dừng chân, ghé nhà cô xin nước rồi đi tiếp. Mục đích thật sự chỉ là thế !


Cột cây số gần nhà cô Yến, nơi thầy trò dừng chân. Còn những 11km nữa kia ! 
       Lúc này đã vào giờ đi ngủ, mà người nhà cô Yến vẫn rất vui vẻ tiếp đón nhóm thầy trò lỡ đường xin nước uống. Nhưng thực tế là cả nhóm rất đói. Có lẽ đoán được tình hình đó, Bà bác- má cô- bảo cô và người em là cô Anh nấu cơm để thầy trò ăn xong hãy đi tiếp. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Khi kể lại chuyện này cho bác nhà Cà phê nghe, thầy BA vẫn nhớ và nhắc lại vẻ mặt rất phúc hậu của Bà...
      Thầy trò đã no bụng, giã từ để lên đường đi tiếp về hướng Giồng Trôm. Lúc ấy đã hơn 11 giờ đêm.
       @Khách sạn ngàn sao
       Đến cầu Lương Quới, còn 6 cây số nữa mới đến Thị trấn, chân đã mỏi rã rời, thầy trò bèn quyết định ngủ đêm trên cầu. Nằm ngay trên lối đi dành cho người đi bộ. Hồi đó chắc chắn không ai nghĩ đến chuyện nguy hiểm
Cầu Lương Quới : Điểm dừng chân thứ 2 của nhóm xe- hư- bị- bỏ- lại !
Hai bên lan can cầu có chỗ dành cho người đi bộ : ''khách sạn ngàn sao'' của nhóm. Xưa chưa có ống dẫn nước này. (Cầu Lương Quới- nhìn về TX BT)
      Chỉ vì quá mệt, thiếp đi từ khoảng 2 giờ khuya cho đến gần 5 giờ sáng, tiếng xe chạy qua lại mới đánh thức mọi người tỉnh dậy. Lại tiếp tục chuyến hành trình có 1-0-2 này nữa ! Còn những 6 cây số. Hic hic.
Cầu Bình Chánh. Cả nhóm đi đến đây trời đà sáng tỏ. 


       @Còn gì để nói thêm nữa ?
       Ngạc nhiên. 
       Đau khổ. 
       Phẫn nộ. 
       Tự cứu mình.
      Học sinh thi xong đã vào hè, giáo viên đâu có phiên họp nào để có thể nói lên tiếng lòng. Sau đó thầy BA bận đi học Xì- Phố những 2 năm, khi xong về trường thì thầy MỘT không còn ở vị trí number one nữa. Còn thầy HAI ? Ông ấy đổi về quê ở tỉnh lân cận và bi giờ dường như cũng đang là number 1 của một trường THPT ở quê nhà Tiền Giang. Có khi nào hai thầy MỘT và HAI nhớ lại chuyện này không nhỉ ?
       Không rõ ai hay hai người trong cuộc có cách giải thích nào về hiện tượng : vù lẹ, lặn nhanh của 2 xe số 1 và số 2 ngày ấy ? Hichic ! Và các em trong nhóm hư-xe-bị-bỏ-lại ngày nọ, ai còn nhớ ơn 2 lần được phò trợ ? (Đừng bảo hỏi Thái Văn Sơn ở Gò Cát nhé !)  
       Nhưng có điều nhà bác Cà phê chứng kiến là thầy MỘT và thầy BA gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, thậm chí còn cụng li côm cốp nữa kia chứ ! 
       Đây chỉ là chuyện rất nhỏ, kể ra cho vui làm quà, khề khà bên li trà ấy mà ! Nhưng cũng là hồi chuông reo bên tai những number one đó !


-------
@Bạn bít gì về hoa hồng ?Bạn đã thấy hoa hồng màu xanh ? Xin mời xem bài : 052- HOA HỒNG TẶNG MUỘN
-------

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

083- TRƯỜNG XƯA II : HỌP MẶT HS CŨ NĂM HỌC 84-87

-------
    Xem như entry này là phần tiếp nối (thứ 2) của bài 082- TRƯỜNG XƯA XIN NHỚ QUAY VỀ vậy. Và bạn đừng hỏi sao không tìm nhà hàng nào sang trọng hơn, bề thế hơn,...để họp mặt, mà lại chọn một nơi gần như là...phế tích ? 

      '' Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn'' (thơ Chế Lan Viên). Chính đây là khung trường từ nhóm đầu đàn, nay đã là ông-bà-nội-ngoại, bắt đầu vào học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trong niên khóa 1963-1964...cho tới ngày nay, hàng hàng lớp lớp học sinh đã đi qua, đã trui rèn. Có rất nhiều người thành đạt, nhưng cũng ''có người về đất buông xuôi,...bạt phương trời...''(2) Số còn lại là thành phần đông đảo nhất, ra sức làm ăn, lo cho gia đình sung túc. Xã hội phát triển ổn định nhờ lớp người đa số thầm lặng này chăng ? Qua sông mới nhớ thuở lụy đò, nặng nợ áo cơm làm sao học tốt !


Thầy Hiệu trưởng đương nhiệm Lê Duy Trường đang phát biểu.


Người ở bìa phải là thầy Bùi Quang Minh, một trong những hiệu trưởng cũ của trường. (Thầy Minh mất ngày 20-10-2011)




       Do đó, để có thể giúp đỡ một số HS hiếu học, con em nhà lao động nghèo, khối lớp 1984-1987 đã được nhà trường cho mượn nơi tràn đầy kỉ niệm này, thay vì tổ chức ở nhà hàng sang trọng hay trường mới khang trang, quĩ hoạt động sẽ còn nhiều hơn để trao học bổng cho trường xưa sở tại và một vài trường nữa trong địa phương. Ý nghĩa ẩn sau những buổi tiệc họp mặt chắc nằm phần lớn ở chỗ vô hình-chớ không vô tình- này vậy !














































*Tổ chức ngày 08-8-2010.
-------
(1) : Lời bài nhạc ''Trường cũ tình xưa''- Duy Khánh
* Xin click vào ảnh để phóng to hơn dễ xem.
* Bạn nào có ảnh liên quan, xin bổ sung dùm MF !
-------

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

082- TRƯỜNG XƯA XIN NHỚ QUAY VỀ !

-------
       Có ai từng đi học mà không nhớ lại thời cắp sách tới trường ? Một ngày nào đó sẽ quay về trường xưa để tiếc nuối một quãng đời thơ dại ! Khung trời phượng nở đầy hoa nơi trường cũ ; bao thầy cô thân yêu nay đã già ; bao bạn bè đồng lứa buồn vui có nhau ; những lần tim loạn nhịp khi thoáng thấy mái- tóc- dài đi ngang qua cửa lớp. Hay những cái vẫy tay chào lúc dắt xe ra cổng : ta chào ai và ai đó chào ta ?

       @Bỡ ngỡ vào trường
       Những ngày đầu vào lớp 10, xiết bao bỡ ngỡ. Nào khung trời xa lạ ; bạn bè cùng cấp II tứ tán ra các lớp. Có những thầy cô dạy hấp dẫn hơn lớp dưới, nhưng cũng không hiếm trường hợp ngược lại. Hoặc sự chăm sóc tận tình của người chủ nhiệm lớp cấp III chưa ân cần bằng thầy cô xưa ở cấp II,... Thế là làm quen môi trường mới từ đầu cấp III với tư tưởng mình là lớp nhỏ nhất, là em út trong trường này... 
       Sang năm lớp 11, chưa phải thi cử gì, chỉ lo chuyện xa nhà một, hai ngày để nào đào kênh, đắp lộ,...Chưa thúc bách lo lắng như bây giờ về việc vào đại học. Thuở ấy còn lo làm ruộng hợp tác, cơm áo gạo tiền ba mẹ lo mệt nghỉ !
       Sau lớp 12, đường đời đã tạm chia...hai lối mộng (Thôi giã biệt bạn lòng ơi, trao trả môi người cười. Đời hai lối mộng hai hướng đi...) li biệt với những dòng lưu bút, những chữ kí tên nhạt nhòe nước mắt, những mắt liếc vụng dại...

Đã xây dựng trường mới, nhưng chưa quen, tạm nhìn khung trường cũ
Bạn đừng thương hại vì tớ mới tròm trèm 50 mùa xuân qua mà đã về ''hiu'' nhé!
       @Hăm hở ra đời
       
     Sau 1975, đã nghe nói về chuyện thi vào đại học : '' nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm '' hay '' Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm ''. Thực tế cho thấy ông thầy, bà cô nào cũng có thể gặp cảnh viêm họng, viêm xoang, đau khớp, viêm ...màng túi cuối tháng. Toàn là bệnh nghề nghiệp không thui
      Ôi, xiết bao bái phục sự khôn lanh của những người từng trải ! Đó chính nhờ dân gian hướng nghiệp cho vậy !
       Qua các kì thử sức, bạn nào qua được thác ghềnh cản ngại để hóa rồng ở bậc đại học, đa số đều thấy tương lai rộng mở. Học chuyên môn càng vững vàng, nhất là ở các trường ...danh giá, chuyện tìm việc làm sau khi ra trường sẽ dễ dàng hơn.


Còn chút gì để nhớ, ai đã từng chạm tay lên đây nhỉ ? Đã hơn 45 mùa mưa đi qua hành lang này rùi !  
Từ hành lang trên lầu nhìn ra Tỉnh lộ 26 (Đường 885 bây giờ ). Cổng đã ...đi rùi !  
       @Cảm động gặp nhau
       Có lẽ khi ra đời và thành đạt, dù ít dù nhiều đa số học sinh cũ vẫn nhớ đến nhũng người đã từng thương yêu, hay đã từng rầy la mình. Có người cho rằng học sinh nào từng quậy dữ dội ngày xưa, bị trách phạt nhiều khi đi học, lúc thành đạt lại nhớ thầy cô nhiều vô kể. 
        Không nhớ nhiều sao được, khi kết quả ở học kì I chỉ là HS yếu, mà qua học kì II có em đã vượt bậc thành khá. Hihi, ngày ấy hiếm có chuyện phù phép xin điểm như bi chừ (!) đâu nhé ! Chẳng qua là GV chủ nhiệm nhờ lớp phó học tập mỗi đêm ra tận nhà kèm cặp mấy môn chưa đào sâu, vì bạn lớp phó là HS giỏi nhất lớp mừ ! Đó chính là một trong những điều để nhớ tới ...già, ủa, nhớ tới giờ ! 
Tạm thời chỉ bấy nhiêu thui ! (30-01-2011)
Thầy và trò chụp chung hình kỉ niệm  (30-01-2011)  
       Khi gặp lại giáo viên chủ nhiệm ngày trước, có em hồi tưởng, ngày xưa thầy cách chức lớp trưởng của tao, đưa lớp phó học tập lên thay, chỉ vì có bữa tao...uống rượu xỉn ! Và vui vẻ mời thầy CN cũ nâng li cùng với học trò xưa.
        Có những em đã là người dạy đại học, giám đốc doanh nghiệp to, quan chức lớn, bác sĩ nổi tiếng,... hay chỉ là người làm vườn, buôn bán nhỏ, thợ hồ, giáo viên các cấp,.. Có người ở gần ngay tại quê nhà, lại có em làm ăn xa trên hàng trăm cây số. Tất cả đều hẹn gặp nhau vào những dịp thuận tiện nhất : ngày chủ nhật, hoặc ngày nào đó trong hè, hay những ngày sắp đón Tết âm lịch,... Tay bắt mặt mừng không tả xiết ! Ôi, những- ngày- xưa- thân- ái...

GVCN, lớp trưởng, lớp phó, BTCĐ lớp 10P7 ngày nào. Cách nay(2011)> 27-28 năm
       @Bùi ngùi vì xa vắng
       Đương nhiên vì hoàn cảnh này nọ, có những người không thể về sum họp bên thầy xưa, bạn cũ. Cũng có những người vĩnh viễn xa rời cuộc rong chơi trên ...cõi tạm (như Thái Văn Sơn,..). Cùng nhắc nhở, cùng bùi ngùi ! Những người ít về họp mặt có khi lại là thầy cô cũ, dấu vết thời gian đã che mờ lối cũ đường xưa !

       @Một số hình ảnh họp mặt của HS khóa 83-86



                      
Thầy Bùi Quang Minh, cựu HT trường đang phát biểu. Thầy Minh mất ngày 20-10-2011.



Cầm micro hát là thầy Lê Tấn Cảnh. Hàng ngồi từ trái qua : thầy Kiến, thầy Hùng và thầy Minh.  










































-------
* Xin click vào ảnh để phóng to hơn dễ xem.
* Bạn nào có ảnh liên quan, xin bổ sung dùm MF !
-------