Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

044- QUỐC LỘ 1A : CƯỠI NGỰA XEM HOA

---------
         Đã vài năm nay ba Cà phê chỉ sử dụng tàu lửa khi đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra xứ "gió như phan và nóng như rang"vì nhiều lí do, trong đó có việc được "bao cấp vé" và cũng vì những ích lợi hiển nhiên của nó : đi, đứng, ngồi, nằm,... thoải mái trong một không gian rộng cỡ...tàu lửa ! Do đó, đã không thấy rõ những thay đổi trên Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh xuôi ra gần cuối Duyên hải miền Trung trong thời gian qua. Nay có việc cần gấp phải di chuyển trên đoạn đường tròm trèm trên 700 km cả đi và về, giờ xin ghi lại vài cảm nhận chủ quan dưới đây :  

         @Mặt đường rộng hơn
         So với thời xưa bao cấp, xe chạy chỉ với hai làn đường ngược xuôi thì nay đã tăng lên gần như gấp đôi. Đường được nâng cấp rộng rãi hơn, với hai làn đường cho xe lớn và hai cho xe gắn máy với xe thô sơ.

Mặt đường với bốn làn xe 
             Tuy đã có QL 14- tức đường Hồ Chí Minh- phá thế độc đạo xuyên Việt của mình, nhưng lượng xe cộ lưu thông trên QL1A chắc chắn vẫn rất tấp nập trong tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay. Như thế mặt đường vẫn chưa đáp ứng với mật độ lưu thông về sau này. Và vì đường chưa tương xứng với lưu lượng xe cộ nên khi xe sau  muốn vượt xe trước, phải lấn trái (thậm chí khi không được phép lấn) như hình dưới đây :

Tuy đã có nhiều làn xe nhưng dường như chưa đáp ứng lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều

         @Nền đường láng hơn
          Nhìn bên trên thấy tương đối láng, nhưng không rõ độ dày nền đường là bao...Vì có một số đoạn đang sửa chữa, tráng lại nhìn thấy hơi bị...mỏng ! Đoạn này thuộc tỉnh Bình Thuận.

Dãy phân cách hiếm hoi của QL 1A đoạn TpHCM- Phan Rang, thuộc Bình Thuận
  
         @Có cần con lươn phân cách ?
         Đoạn QL1A trong miền Tây Nam Bộ từ Mĩ Tho lên Thành phố HCM, đa số làn đường đều có con lươn ngăn đôi phân rõ hai chiều lưu thông. Có đoạn còn -thử nghiệm- che chắn ánh đèn pha ngược chiều cho xe chạy về đêm không bị chói mắt nữa. Có lẽ đây là biểu hiện tốt hơn cho việc hỗ trợ an toàn giao thông chăng ?

Đoạn QL1A từ TP HCM về Tiền Giang với dãy phân cách giữa tim đường (đoạn Long An).


         Đối với QL1A, dãy phân cách có rất hiếm trên đoạn đường từ TP HCM ra Phan Rang -hay xa hơn -phải chăng là xa xỉ ? Hay do kinh phí xây dựng còn cao ? Thiết nghĩ, nếu có con lươn phân rõ hai chiều lưu thông, sẽ tạo thêm sự an toàn cho người đi lại hơn chăng ?

Chỉ thấy dãy phân cách trên một đoạn rất ngắn thuộc Bình Thuận
         @Chuyện thường ngày xứ Việt : ưu tiên đất mặt tiền
         Dân ta thích sở hữu đất sát đường lộ để dễ làm ăn trong tình hình đường sá như hiện nay : buôn bán, cho thuê,... Thôi thì đủ thứ lí do làm cho đất mặt tiền luôn cao giá. Bất chấp mọi hiểm nguy rình rập...mặt tiền khi mật độ lưu thông xe cộ ngày càng tấp nập : một phút lơ đễnh, một chợp mắt ngủ quên... Đâu là hành lang an toàn cho cả hai nhóm : đang tham gia giao thông và người dân bên ngoài con đường ?
 
Ghế ngồi của quán ven đường, bên trái,  rất gần mặt lộ
         @Thiếu cầu vượt tại giao lộ
         Đường cắt ngang QL1A cũng nhiều, nhưng hệ thống cầu vượt hầu như không có ! Thật ra cũng đúng thôi, vì còn một bộ phận dân Việt Nam ta chưa coi trọng thời gian mừ ! Có thể nhẩn nha ngồi uống quán, có thể trễ tí cũng không sao, trăm thứ "có thể" ăn sâu trong trí óc gốc tiểu nông (!). Phải chờ con nước ròng mới có thể bồi mương vườn. Phải đợi nước lớn mới tát nước vô ruộng được...Cứ đợi chờ, hưỡn đãi như thế. Nên chưa cần làm chủ thời gian, như những người làm trong các công ti có liên quan đến nước ngoài chứ gì ?


Chỉ mới một bên mà có bao nhiêu làn xe, bao nhiêu cầu vượt, đường tàu...? tại xứ MALAYSIA
         @Giới hạn tốc độ
       Có thể chưa cần tính toán thời gian ra tiền bạc nên việc đi  nhanh ở xứ Việt là một cái ...tội. Vì có thể gia tăng tai nạn xe cộ, có thể này..., có thể nọ.... Hàng trăm cái có thể bó ta trong vòng lẩn quẩn. Thế giới đang chạy với tốc độ nhanh, thì ta lại bắt tội tại sao đi nhanh quá ! Từ đó nảy sinh ra tiêu cực, có thể có xe chạy nhanh..."được" (!), có thể xe khác lại không...! Hic hic...!
         Thôi thì, nên mau mau kiếm vốn xây dựng nhiều đường cao tốc, như đoạn từ TP HCM về Trung Lương, cho thời gian được lợi bằng tiền ...tỉ. Lúc ấy sẽ điều chỉnh máy bắn tốc độ nhanh thành bắn tốc độ chậm để mà xử phạt ! 
         Cần nói thêm là, nếu đi tàu lửa cho đoạn đường TP HCM ra Phan Rang mất khoảng 6-7 tiếng đồng hồ (với vận tốc trung bình chưa tới 60km/giờ). Đi xe 7 chỗ có giới hạn tốc độ, bạn phải mất gần 9 tiếng (có nghỉ ăn trưa và đổ xăng). Bạn thích chọn phương tiện nào ?  
         @Phần dành riêng cho xe gắn máy : hẹp quá chăng ?
         Lượng xe gắn máy của người dân ngày càng nhiều mà làn đường dành riêng cho phương tiện này lại quá hẹp. Điều này có ở cả các đoạn thuộc miền Tây Nam Bộ. Nên chủ các phương tiện thuộc loại áp đảo này lấn tuyến là điều luôn thấy, khi không có bóng dáng công an giao thông ! Qua khỏi tầm nhìn kiểm tra này thì đâu lại vào đấy ! Cói lẽ đây là điều chưa sát thực tế chăng ? Vì khi đã có tuyến cao tốc TpHCM- Trung Lương thì không biết có qui định nào nới rộng làn đường cho xe gắn máy ?
         Thêm nữa, khi đi trên phần đường dành riêng cho xe gắn máy vẫn luôn có nỗi phập phồng về :
          +dính phải âm binh của "Đinh (Văn) Tặc": hậu quả khó lường.
         +đi sát lề e xe từ trong các ngõ ngách phóng ẩu ra : hậu quả cũng... đáng kể.
          +xe gắn máy, xe đạp đi ngược chiều, trái luật giao thông một cách ngang nhiên. Có chủ xe gắn máy lịch sự mở đèn, có người phóng rất nhanh xem như đi đúng luật mà không cần báo hiệu chi hết (!). Dường như người đi-đúng-luật-thực-sự có bổn phận phải nhường đường cho...họ vậy !
          +Xe tải, xe buýt,... nhiều khi đậu sát đường, phần dành riêng cho xe gắn máy. Thế thì bắt buộc người lái xe gắn máy phải lấn sang làn đường giữa dành cho xe tải đẻ vượt qua. Đó là một trong những nguyên nhân bị thổi còi. Lỗi do ai ? 
           +... 
         
         Đôi điều suy nghĩ chủ quan nói trên về QL1A của một người không chuyên về giao thông vận tải, nếu có gì  đúng hay chưa đúng, mong các bạn cho ý kiến. 
         @Món thêm 
         Tại sao là QL1A, mà không là QL1 như thuở xưa ? Vì đã có thêm QL1B, 1C, 1D. 
         Thông tin thêm về QL1A xin xem ở đây và cả ở chỗ này.

Bản đồ Quốc lộ 1A. (Nguồn :  wikipedia.org)
--------

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

043- Chuyện CHA-CON

---------
         Có nhiều bài hát nói về Mẹ, tình Mẹ. Cũng có những bài hát nói về Cha, nhưng dường như ít hơn thì phải ? Bài viết về Mẹ trong MF cũng nhiều hơn về Cha. Lần này MF có bài dưới đây để nhớ về Cha, người "ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến "(*). Mong các bạn hưởng ứng thêm ở phần nhận xét...
------- 
(*) : MF sẽ tìm bài "Tình Cha" của nhạc sĩ Y Vân rồi chúng ta cùng nghe. Xin bấm vào tên bài nhạc phía trước.
-------   

         @ MUỘN.

         Muộn đầy ắp,
         Ngày Ba xa.
         Dẫu không đột ngột.
Bởi Ba đã tự tiên đoán, Ba sắp đặt dặn dò mọi thứ cho hậu sự, cho những người thân ở lại chu toàn.
Bởi Bác sĩ đã chối từ việc chữa trị một chiều mưa...

         Xe cứu thương đưa Ba về, tôi xấp gối quỳ suốt đoạn đường dài cạnh Ba mà đầu ngổn ngang, rối bời. Rồi tôi ăn cạnh Ba, ngủ cạnh Ba, chuyện trò, chăm sóc...Tay tôi choàng qua người Ba mỗi khi chợp mắt vì tôi sợ trong cơn say ngủ tôi sẽ lạc mất Ba của tôi. Mỗi ngày qua đút vơi ly sữa, thay đều đặn tả lót...chỉ vậy thôi là lòng tôi cũng khấp khởi rằng Ba vẫn bên tôi, vẫn nghe, vẫn hiễu...dẫu là trong thinh lặng, lạc thần.
         Thuốc cạn, anh dỗ tôi quay về thành phố mua thêm. Nhưng thật tình là muốn cách ly tôi khỏi Ba vì nhiều lẽ kiêng kỵ phức tạp mà tôi không tài nào thấu hiểu. (Nhiêù năm sau này tôi cũng không buồn tìm hiểu nữa những vô lý cực kỳ ấy). Tôi ngoan ngoãn rời Ba lòng đau đáu phút quay về ! Nhưng...
         Muộn màng,
         Mãi muộn màng cho ngày tôi trở gót : Ba xa !
         Tôi nhớ mình đã đổ sụp xuống thềm nhà, tay cứ bần bật run mà không tài nào bấm nổi số điện thoại. Đầu chỉ tồn tại duy nhất một câu hỏi :" Cách nào nhanh nhất để quay về ?"
...
         Tôi bềnh bồng trước căn phòng quen thuộc nhưng lệnh cấm triệt để dành cho tôi : không-được-đến-gần ! Nhưng tôi nhớ khi ấy tôi đã không một chút phản kháng nào bởi từ phút đó tôi rơi...


         Tôi bước qua cơn khủng hoảng trầm trọng nhất trong đời nhờ ý thức tôi còn có Mẹ. Mẹ vừa trải qua cơn thoáng thiếu máu não, dấu hiệu cho sự đột quỵ bất kỳ. Mẹ giúp tôi trụ lại trong bấu víu cuối cùng : trách nhiệm. Tôi gượng gạo nói-cười dắt Mẹ tôi cùng bước qua dông bão.


         Bệnh Mẹ ổn định dần còn tôi thì rơi vào trạng thái rỗng, mọi thứ trong tôi trống toác, tan hoang, tóc tôi bạc trắng đến giật mình !
Rất khó khăn tôi mới dần thăng bằng lại nhưng có một ám ảnh không thể vơi, mãi chưa bao giờ rời bỏ tôi được, đó là nỗi chơi vơi khi mỗi lần tôi một mình nắn nót tính từ M-U-Ộ-N!
         Ba ơi !
   

--------
-

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

042-THỜI KHÓA BIỂU : MI LÀ AI ?



---------
         Ngày xửa ngày xưa... khoảng năm một ngàn chín trăm hồi đó (thập niên 80 của thế kỉ trước), nơi bác Cà phê dạy, một số thầy cô có nhà xa trường hơn cả trăm cây số. Đối với họ, việc về thăm nhà vào những ngày cuối tuần là hết sức cần thiết. Thế nhưng vào thời buổi bao cấp phương tiện vận tải hiếm hoi, xếp hàng từ...khuya mới có vé xe mà đi, thì nghỉ thêm được một ngày, thậm chí một buổi vẫn là niềm mơ ước. Việc về nhà lại còn lệ thuộc vào nhiều thứ : chủ nhiệm lớp, thời khóa biểu (TKB) có tiết dạy vào ngày cuối tuần và đầu tuần hay không,... (Sở dĩ nhớ lại chuyện này vì bác nhà Cà phê vừa gặp lại một trong những bạn hiền-dạy Toán, một tay trống cừ khôi, rất hào hoa-  nhà ở xa, rất xa nhiệm sở vào thời...ngay khổ ấy). 



         @ Cái tâm và tầm của một người 
         Người sắp TKB rất quan trọng đối với một trường học. Người này phải có tâm đối với học sinh (HS) và cả với giáo viên (GV). Làm thế nào hài hòa quyền lợi cho hai đối tượng này càng nhiều càng tốt mới là người có tầm thật sự.

          Với học sinh cấp III : chẳng hạn như không nên học 5 tiết 5 môn (mỗi môn 1 tiết) ; hay những môn thuần xã hội hoặc tự nhiên đi liền nhau ; những môn khó nuốt không ở tiết 1/tiết 5 ; tránh những môn khó tiếp thu ở ngày đầu tuần/cuối tuần (Vì "mắt thứ Hai, tai thứ Bảy") ; có môn không yêu cầu tiết đôi ; ... ( còn nhiều dài dài nữa...)

         Với giáo viên, sẽ tránh
         + xếp tiết 1 cho phụ nữ có con mọn ; 
         + nghỉ liên tiếp từ hơn 1 tiết đối với 1 giáo viên (tiết trống) ; 
         + xếp liền tù tì 5 tiết cho GV xã hội ; 
         + sáng dạy đến tiết 5 mà chiều có ngay tiết 1 (trừ khi có sự yêu cầu của GV) ; 
         + hoặc cả buổi chỉ dạy 1 tiết -trừ trường hợp tiết lẻ bắt buộc; 
        + GV chủ nhiệm đến trường chỉ để dự duy nhất  tiết chào cờ + Sinh hoạt đầu tuần, vì không được sắp tiết dạy nào khác ; 
         +.... (dĩ nhiên cũng còn nhiều điều nữa, nhưng không dám múa rìu qua mắt  thợ, nhất là với những THỢ đã sắp TKB gần những trên dưới 20 năm...! Hihi, nghe mà cảm thấy miểng văng tứ phía ào ào lun !)

          Sắp TKB nhiêu khê, khó khăn, làm dâu trăm họ là vậy. Trở lại vấn đề những GV ở xa trường thời bao cấp ngày nọ. Nếu làm chủ nhiệm lớp phải có mặt sáng thứ Hai dự Sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và trưa thứ Bảy dự tiết sinh hoạt lớp. Thế là chỉ còn nghỉ được chiều thứ Bảy với sáng ngày Chủ nhật mà thôi. Trưa phải sửa soạn đi chuyến xe chiều trở lại trường để sáng đầu tuần dự Sinh hoạt dưới cờ tiết 1. 

(violet.vn)

         @Chuyện xưa còn nhớ 

         Người đứng đầu trường (Hiệu trưởng-HT) mún cho GV xa nhà nào ..." khốn đốn" sẽ phân công làm chủ nhiệm lớp để... kẹt cứng. Về thăm nhà chỉ ở được 1 đêm cuối tuần. Có GV tranh thủ ở lại nhà thêm tối Chủ nhật và sáng thứ Hai chịu khó đón xe khuya, dong ruổi hơn 80 km. Sau đó sử dụng xe đạp đã chở theo để trên mui xe đò, đi những đoạn phụ từ tỉnh lị về huyện ( chỉ chừng...20 km ! ). Vì khó đón xe và có lẽ thời ấy thóc cao, gạo kém, lương bao cấp rất thấp-trọn tháng lương mua được chừng từ 5 đến 6 kg thịt heo ở thị trường chợ đen- nên đa số đi xe đạp để tiết kiệm ! Hichic !
         Quả thật là có nhiều GV hơi bị khổ vì những chuyện đại loại như vậy. Và cũng có những người quá quắt trong việc cho người khác khổ mới...dzui hay sao ấy, ngoài chuyện cho làm chủ nhiệm lớp (chưa kể đến lớp học giỏi/dở), còn rải giờ ra trong tuần để...quản (hay ...đày !) GV. 
        Và đời bác cùng các bạn hiền đã chứng kiến : người HT quá quắt đó chẳng bao lâu sau phải rời khỏi "sân khấu" vì...tùm lum tà la chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Hú hồn ... GV ! Nhưng trước đó, gò của những...bạn hiền đã sưng !
      

          @ Chuyện tham khảo  
          Dưới đây xin trích bài viết  về TKB từ trang : http://www.vnschool.net để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn mún xem thêm, xin bấm vào đây để có thế nghía một số ý hay bài khác nữa. 
10 lời khuyên cho các giáo viên trong nhà trường không là người xếp thời khóa biểu
Bài viết này dành cho các giáo viên trong nhà trường hiện không là người xếp thời khóa biểu nhưng đang được thụ hưởng kết quả của các phần mềm hỗ trợ xếp thời khóa biểu. Nếu bạn là người được giao nhiệm vụ xếp TKB thì không nên đọc bài này mà nên đọc bài 10 lời khuyên cho các giáo viên làm nhiệm vụ xếp thời khóa biểu.
Sau đây là 10 lời khuyên dành cho các giáo viên không làm nhiệm vụ xếp thời khóa biểu trong nhà trường.
1. Bạn đã biết ai là người xếp thời khóa biểu của trường mình chưa? Nếu chưa biết thì nên hỏi ngay và rất nên làm quen thân với người xếp TKB của trường bạn.
Thật vậy, nói nhỏ với bạn nhé: giáo viên xếp TKB sẽ có nhiều “quyền” đấy. “Hắn” muốn ai đẹp ai xấu là được ngay.
2. Nếu bạn nhận được một TKB đẹp, hãy dấu nhẹm đi và đừng nói chuyện này với ai cả.
Bạn nên nhớ rằng bạn đang rất may mắn đấy, giống như trúng số độc đắc. Đừng khoe ra mà thiệt thân đấy.
3. Nếu bạn nhận được một TKB rất xấu, thì chớ nên làm ầm ĩ và làm to chuyện và càng không nên mắng mỏ người xếp TKB của nhà trường.
Có 3 lý do:
- Bạn làm ầm ĩ lên như vậy thì TKB của bạn vẫn không thay đổi.
- Ngược lại “hắn ta” sẽ thù bạn hơn và rõ ràng TKB của bạn chỉ có thể xấu đi chứ không tốt lên được.
- Bạn sẽ mang tiếng xấu là khó tính, lắm điều trong tập thể GV nhà trường.
4. Nếu bạn muốn thay đổi một chút trên TKB của mình cho thật ưng ý hơn hãy đến nhà riêng người giáo viên đang xếp thời khóa biểu và nói nhỏ với “hắn”, nếu cần thì dúi một phong bì nhỏ cũng được.
Bạn cần giữ bí mật công việc này nhé.
5. Đầu năm khi nhà trường yêu cầu bạn đăng ký các nguyện vọng để xếp TKB, bạn đừng đăng ký quá nhiều điều kiện, chỉ nên đề xuất một vài điều kiện nhỏ thôi.
Tâm lý của người xếp TKB là rất ngại nhập các điều kiện này vào máy tính. Bạn viết nhiều cũng vô ích thôi vì “hắn ta” sẽ không nhập điều kiện của bạn vào máy tính đâu.
6. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình bị thiệt thòi nếu bạn có thời khóa biểu không ưng ý. Nên nhớ rằng hơn 80% các giáo viên trong trường cũng có ý nghĩ giống bạn đấy.
Bạn nên nhớ về qui luật 20/80 trong nền kinh tế thị trường. Qui luật này cũng đúng trong bài toán TKB đấy: Hơn 80% giáo viên sẽ có TKB xấu để đảm bảo cho 20% giáo viên có thời khóa biểu đẹp. Bạn cần phổ biến qui luật này cho các giáo viên khác cùng quán triệt nhé.
7. Nếu bạn nhận được một TKB có một số tiết bị “chệch” so với một kế hoạch làm việc nào đó của bạn thì thay vì cố thay đổi thời khóa biểu, bạn nên thay đổi kế hoạch làm việc của mình để phù hợp với TKB thì hơn.
Bạn nhớ rằng thay đổi TKB còn khó hơn nhiều lần thay đổi một kế hoạch làm việc nào đó của bạn, Đơn giản là việc đầu tiên không phải do bạn quyết định, còn việc thứ hai là do bạn hoàn toàn quyết định.
8. Nếu bạn đã nhận được lời hứa về thỏa mãn điều kiện TKB nhưng lại nhận được một TKB không ưng ý, bạn cần phải đấu tranh cho bản thân mình. Hãy tấn công trực diện người xếp thời khóa biểu để đòi quyền lợi. “Hắn ta” chắc chắn sẽ chối tội và đổ lỗi cho phần mềm. Do vậy bạn phải thật khôn khéo, bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết. Bạn cần nhớ rằng chỉ cần một vài thao tác kéo thả chuột TKB của bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt lên.
Điều này là đúng đấy. Ông cha ta đã có câu ngạn ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim”.
9. Bạn hãy quan sát thật kỹ các giáo viên trong nhà trường sau khi công bố TKB. Những người mồm to, nói nhiều thường là những người khó tính, không biết điều, mặc dù chưa chắc TKB của họ đã xấu. Những người im lặng thì hoặc là họ đã có TKB tốt, hoặc họ cam chịu một vài khó khăn và thường họ là người tốt, dễ tính. Vậy thì bạn sẽ quyết định giống ai trong số họ.
TKB của bạn là xấu hay đẹp cũng do bạn định nghĩa thế nào là xấu, thế nào là đẹp thôi.
10. Nếu bạn là người gầy gò ốm yếu hoặc béo phì, thì việc có trống nhiều tiết trong TKB sẽ giúp bạn luyện tập thể thao, đi lại nhiều, bạn sẽ khỏe lên. Nếu bạn đang còn trẻ, đang phấn đấu thì một TKB không đẹp chính là cái dành cho bạn đấy. Nếu bạn là người ít nói, “thấp cổ bé họng” thì điều bạn có một TKB không ưng ý cũng là chuyện bình thường thôi. Còn nếu bạn là người thạo máy tính thì bạn nên xung phong nhận nhiệm vụ xếp thời khóa biểu trên máy tính, bạn sẽ có ngay TKB theo ý muốn.
Để đảm bảo cho mình có một TKB đẹp cách tốt nhất là bạn hãy trở thành người xếp TKB.
                                                                                                                                      School@net   "

         @ Đa tạ tác giả bài viết . MF 

-------
@Món dọn thêm
       Dưới đây là một trong những hình ảnh về TKB của một thời...đã xa. Thời của những đêm gần như thức trắng để cho ra đời sản phẩm mà tác giả biết rất rõ là không bao giờ làm vừa lòng trăm họ.
      Đến khi máy tính phổ biến và với những phần mềm sắp TKB, mấy quí vị phó HT bi giờ đã tương đối nhẹ nhàng. Chỉ cần nhập số liệu chính xác vào máy, các lập trình viên đã tính sẵn, và thêm chút tính toán để có thể can thiệp nhẹ nhàng (mặc định cho ai nghỉ tiết đầu, tiết cuối, nghỉ đầu tuần hay giữa tuần...). 
       Và bản TKB này (mỗi màu dành cho một môn), trường nào lập phòng truyền thống hay bảo tàng, nếu cần MF sẵn sàng nhượng lại, với giá rất ư là...hữu nghị đó ! Hihi.


TKB của MỘT THỜI SẮP TAY : phải chia trường thành nhiều cụm. Nay chỉ cần bấm máy vài giây là xong, đâu cần chia cụm phải không các bạn ! Thời này AI nói chia cụm là...LÁO như cháu con CÁO ! Hehe
-------
 @ Mời các bạn xem thêm bài này để biết thêm một nhiệm vụ hết sức vinh quang :
-------

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

041-Giở tờ thơ cũ

---------
                              @ Cho người

                              Người về nơi xa xôi
                              Chắc không chút nắng tươi
                              Chắc bụi không mù trời... 
                                            Không tuyết rơi !

                              Người đi lòng có vui ?
                              Thương ai nhớ khôn nguôi ?
                              Xong nợ ai trên đời ?
                                            Mây vẫn trôi...! 
                                                                (XXXI-XII-MMI) 


Mây ...!




                     @ Cho mình (1)
         
                     Nếu một ngày Trái Đất vắng tôi.
                     Đồng hồ vẫn đi. Thời gian không dừng lại.
                     Quán xá đông người bàn tán buồn vui.
                     Kẻ thủ đoạn vẫn ăn trên, ngồi trước !
                     Tủ chất đầy tiền, rượu rót không vơi.
                     Người khốn khó mải lầm lũi bước.
                     Tủi nhục đường đời mơ mái ấm thôi !
              
                                         Nếu vắng tôi
                                         Trái Đất vẫn vui.
                                         Nhất là
                                         Khi có đôi
                                         Người ơi...! 
                                                                (XXXI-XII-MMI)


                     @ Cho mình (2)
                     
                      Hôm nay ta ngồi đây.
                      Mai còn trong tầm tay ?
                      Nắng trườn lên mái ngói,
                      Gió lạnh về gay gay...

                      Cuộc đời dù trắc trở
                      Nợ áo cơm chông gai
                      Vui khi còn - nghe - nói,
                      Hay lúc xong - nợ - vay ?
                                                                                                                                (VIII-I-MMII)   
  
Nắng...!


-------

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

040-ĐƯỜNG ĐỜI BẰNG PHẲNG ?

---------
        Không rõ có con đường nào bằng phẳng, đường đi lẫn đường đời ? Sau một thời gian sử dụng đường đi sẽ có các loại ổ xuất hiện : gà, trâu, voi, lạc đà...Ở đây không nói đến mặt đường, mà đề cập đến chuyện tầm mắt ngút ngàn với những đường xa nơi xứ lạ. Đi qua một lần tưởng sẽ không bao giờ còn được...đi nữa.

Đường nhiều làn xe lên cao nguyên Genting, Malaysia, cao khoảng 2.000m  

          Mời bạn "đi" thử những con đường khác sau đây:

         1.Đèo Stelvio cao nhất nước Ý
         Nằm ở dãy Alps phía Ý với 48 khúc uốn zig-zag (hình chữ Z) ở sườn phía bắc, dài 24,3km, độ cao trên đỉnh 2.758m.



            2.Đường núi Trollstigen, Na Uy
         Có chiều dài 6km, với 11 khúc uốn, là một trong những con đường hấp dẫn của Na Uy. Bạn có thể xem toàn cảnh 360 độ của đường này ở đây (và còn nhiều cảnh ngoạn mục khác của nước này).







         3.Đèo Turini, Pháp
         Không dành cho những người xem an toàn là trên hết, đèo ở miền Nam nước Pháp này là một phần của đường đua xe Monte Carlo Rally (gần đây đã tranh tài về đêm, hấp dẫn hàng ngàn người hâm mộ đến xem). Ở độ cao 1.607m, đèo có 34 khúc uốn chết người trong chặng đường dài 32 km.








         4-Đường Tử thần (Bắc Yungas), Bolivia
         Dài hơn 60km, nhưng chỉ có một làn xe, được mệnh danh là con đường nguy hiểm nhất thế giới, mỗi năm cướp đi từ 200 đến 300 mạng người. Chiều rộng chưa tới 3,2m, thiếu hành lang bảo vệ, lại thêm mưa, sương mù, bụi,... làm giảm tầm nhìn, nên nó cực kì nguy hiểm. Xin xem đoạn video này và bạn nói thử nhận xét của mình về con đường Tử thần của Nam Mĩ xem có giống như đường giao thông ở Việt Nam không nhé ?

Hai xe ngược chiều tránh nhau

         Một trong những điều lệ giao thông địa phương là lái xe đi xuống phải đi mé ngoài, tức lề trái, để tầm nhìn được thông thoáng, tránh vực sâu. Bạn xem kĩ đoạn video trên sẽ thấy rõ hơn.



         5.Đường đèo Taroko, Đài Loan
         Nằm ở phía đông Đài Loan, không xa Thái Bình Dương, là đường đèo cao nhất đảo này. Vào mùa đông, hàng đoàn người Đài Loan đến đây ngắm tuyết rơi. Đã mất đi 450 sinh mạng công binh khi xây xong con đường. Du khách ưa thích nơi này vì nó đi xuyên qua công viên quốc gia cùng tên, lại thêm có hệ thống hành lang xi măng bảo vệ.






         6.Đèo Los Caracoles, dãy Andes
       Đây là con đường xuyên qua dãy Andes giữa Chile và Argentina. Tuyết bao phủ suốt năm, không có hành lang bảo vệ cùng nhiều khúc uốn chữ Z, là những điểm độc đáo của đường đèo này.


         7. Đường núi Atlas, Marocco (Maroc)
         Vùng Bắc Phi có núi Atlas, trùng tên với vị thần phải mang bầu trời (người ta hay vẽ hình Địa cầu) trên vai trong các quyển bản đồ toàn tập ngày xưa. Trong ảnh toàn là đá với đá, rất ít màu xanh.



Bản đồ vùng núi Atlas, Bắc Phi -(wikipedia.org)
         @
....... 
         Nãy giờ là ta đi qua những con đường giao thông nguy hiểm. Còn đường đời của chính bạn, cho tới bây giờ bạn có thấy là...bằng phẳng không ? Chắc là không rùi ! Nếu gian nan, vất vả, xin chịu khó xem đoạn video này để nạp thêm năng lượng ! 
       Bạn thử xem nhé !




         Và sau đó tự tin bước tiếp đoạn đường đời còn lại với những bước đi vững chãi hơn trước ! Có người nói rằng : Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả - Anh hùng hào kiệt có hơn ai ! Cố lên ! (Hihi, nói với các bạn MF mà cũng là nói với MF lun đó...! Đừng cười nhé !)
          
-------
Nguồn : wikipedia.org - http://www.mediadump.com -
------- 

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

039- ẢO LONG BÀO !

---------

Bộ đồ vô địch trên trần gian của Hoàng đế (www.mindyhitchcock.com)


Bìa một trong những bản in cuốn Long bào mới của Hoàng đế (sc.edu)

         @Chuyện thời xưa
          Bộ quần áo mới của Hoàng đế (The Emperor's New Clothes), một chuyện ngắn của Hans Christian Andersen (1805-1875), viết về việc hai thợ dệt thực hiện cho vị Hoàng đế một bộ đồ mới. Đặc biệt ở chỗ nếu người nào ngu đần hay không đủ năng lực sẽ không thể nào nhìn thấy bộ đồ này -lời của hai người thợ siêu...lừa nọ .
Hoàng đế đến chỗ thợ đang dệt bộ đồ đặc biệt (etc.usf.edu)

         Đến lúc nhà vua mặc đồ mới đi ngoài đường phố. Các quan trong triều và cả dân chúng hai bên đường, ai cũng khen là đẹp tuyệt vời. Bạn bít không, có người nào trên đời mún nói là mình ngu hay kém cỏi đâu hè ! Bỗng có một cậu bé la lớn, Hoàng đế trần truồng kìa... Đến lúc ấy, mọi người dân mới nhìn nhau và đồng loạt lập lại câu nói lúc nãy của cậu bé...! 
         Còn vị vua dù bít là người dân đã nhận ra đâu là sự thật, nhưng vẫn cố đi hết đoạn đường của mình trong lớp y phục ảo đó...


         @Tội nghiệp
         Ai là người đáng thương nhất trong truyện kể này, theo bạn ?
         + Hoàng đế ?
         + Triều thần ?
         + Thần dân của Hoàng đế ? 
         + Hai người thợ dệt ? 

Họa sĩ đã cưng vị Hoàng đế rùi : cho ông ta mặc đồ không ...ảo! (wikipedia.org)

          @Lí lịch trích ngang 
          Truyện xuất bản lần đầu vào 1837, nguyên bản bằng tiếng Đan Mạch và đã được dịch ra hơn một trăm thứ tiếng khác. Bản dịch tiếng Việt, tiếng Anh cũng có nhiều. (Xin bấm vào từ Việt hoặc Anh hay đường dẫn này để đọc thêm). 
         Hoàng đế có thể trẻ, chưa để ria, bụng chưa chứa bia. Cũng có thể thấy ông ta với râu ria đầy đủ, bụng chứa đủ thứ... Và có điểm chung là hơi bị ...nghèo : hoặc chỉ có quần đùi, hoặc mặc đồ...ảo, không có gì cả, cứ tưởng là đã mặc đồ đẹp (vì trót nghe lời sàm tấu từ nhiều người...). Hihu...
Quái, ta hơi lạnh lưng, sao ai cũng khen đẹp ! (badwolfpress.com)
        
Đã sang phương Đông (best4future.com)

Đắc chí vì đang được mặc đồ ...ẢO (greektoysandbooks.com)
Tâu Bệ hạ xin hãy ngắm bộ đồ đẹp tuyệt này..(letsbuyit.co.uk)


Gương ơi ngươi ở trên trần. Thấy ai đẹp hết mười phần như ta ? (openlibrary.org)

Thợ đang ướm long bào cho Hoàng đế (usbornebooksathome.ca)


Không có bộ đồ nào đẹp hơn bộ này, tâu bệ hạ.(www.amazon.co.uk)


Hoàng đế với ảo long bào đang vi hành (store.audible.com.au)


         @Hoàng đế và tùy tùng         
        Về phần minh họa cho truyện có rất nhiều. Thông thường Hoàng đế đi có bá quan theo sát, tiền hô hậu ủng. Dân chúng hai bên đường nhìn ngắm, trầm trồ...
          MF đưa lên một số hình có được từ mạng nhằm mua vui cho bạn từ những ngày đầu năm mới. Qua đó mong mọi người vui, khẺO...để vô MF thường xuyên hơn nữa. Và nhận xét nhiều nhiều. Hihi........

         + Đi về bên trái  

Ai cũng ngắm đồ... đẹp- nhất- trần- đời !(mommylife-net)


Dương dương tự đắc vì bộ đồ có 1-0-2 (first-art-gallery.com)

Thích lời nịnh, vua nghe lời ảo. Mặc bộ đồ vô địch trần gian ! (cambridgeprints.com)

Đi như đến chốn Thiên đàng. Nghe tung hô ngỡ mình đang mặc đồ ...(đẹp !) (csharris.blogspot.com)

Dân che mắt mà che không kĩ. Hé hé nhìn vua mặc đồ la (...lạ) (brentoons.com)

Có ai quyền lực bằng ta. Đồ ảo cứ mặc, ngợi ca dài dài. Thật ra vua hổng giống ai...Hihi(everyphototellsastory.blogspot.com)

        + Đổi hướng 

Ông họa sĩ thiếu tài tả thực. Cho con gà bay phía trước vua !(mushin.com)

Hoàng đế phải khác dân thường (!). Người ta mặc ấm, xương sườn vua khoe. Trong đầu cứ nghĩ đã che. Bằng bộ đồ ảo vì nghe lời sàm (...tấu). (www.flickr.com)

         + Đi về bên phải

Đi bên trái mãi cũng nhàm. Quẹo qua bên phải xem làm sao đây ? (israelnationalnews.com)

Ai cũng bít mà vờ không bít. Nói theo vua để được ấm thân. Chỉ thương mấy kẻ ..."tâm thần".Thốt lên lời thật tấm thân dập-bầm. (notquite1001nights.wordpress.com)

          @Tác giả truyện


HCAndersen -được vẽ năm 1836 (năm ông 31 tuổi)-(wikipedia.org)
          
Chân dung và chữ kí nhà văn nổi tiếng thế giới (www.andersen.sdu.dk) 
Bao nhiêu năm nữa có hình bạn trên tem thư như HC Andersen ? (my-philately.blogspot.com)
         @Món dọn thêm 

Đan Mạch là đây. Vòng oval trắng phía trên là Thụy Điển, phía dưới là CHLB Đức, góc dưới bên phải là Ba Lan. (www.denmarkmap.org)

-------