Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

062- ÁP LỰC Mùa THI THẬT SỰ

---------

          Bài "061- Áp- lực- mùa- thi"  thoáng qua có vẻ riêng tư nhưng có thể xem như một gợi mở . Bởi có một thực trạng không thể chối cãi hay bác bỏ rằng ÁP LỰC đã bắt đầu, đang ra oai và sẽ tăng dần kịch tính theo thời gian, khi MÙA THI khởi đầu cho đến tận lúc kết thúc. Đến hẹn lại lên !
         Nó tác động lên từng đối tượng cụ thể, tạo nên một chuỗi hệ luỵ dây chuyền theo hình thức liên kết hệt như kiểu ruộng bậc thang 

(Nguồn : Tuổi trẻ cuối tuần, 2011)

         @Áp lực dành cho các xếp và từ các xếp
         Không biết ai đó đã nghĩ rằng học sinh (HS) Việt Nam thông minh rồi tự huyễn hoặc và ru ngủ mình bằng cách vẽ ra những CON SỐ ẢO về cái gọi là thành tích (TT), tỉ lệ...sau những màn diễn thi đua, phong trào... đủ kiểu. Rồi đòi hỏi báo cáo thành tích năm sau cao hơn năm trước mới thỏa mãn, mới tự hào !
         Nghe qua chúng ta cũng rõ sự tròn trịa của cái gọi là 100% -hay tiệm cận con số này -là điều lí tưởng đáng kinh ngạc, đáng giật mình lo sợ và rất đáng xấu hổ. Phép màu nào đã biến một trường Trung học phổ thông (THPT) miền núi thuộc Duyên hải miền Trung năm 2007 có số HS tốt nghiệp cuối cấp là 0%, đến 2009 là 8,33% và sang 2010 là 90,6% ? (1). Hay nguồn tin "... thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Nhiều tỉnh phía Bắc có tỷ lệ tốt nghiệp tăng “đột biến” trên 90%."(2). 


         Ở phòng chấm thi một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng đoàn Thanh tra đến từ một tỉnh phía Bắc bảo, chúng tôi chấm chỉ 3-4 ngày là xong, làm việc như các anh chị - chấm 7-8 ngày, tốn quá nhiều công sức, lấy gì...ăn ! Và ông ấy nói môn khoa học xã hội này mà chấm chặt quá, nên nới lỏng ra...Đa số giám khảo tại chỗ đều có vẻ bất bình. Vì đây là cách chấm bình thường từ hơn chục năm nay ở tỉnh sở tại. Đó chính là quan điểm chấm thi, một trong những lí do làm tăng sự khác biệt tỉ lệ tốt nghiệp giữa các vùng, miền chăng ? Ai đúng, ai sai ? Ai khôn, ai dại ? Ai chạy theo và không chạy theo thành tích...ảo ? Hic hic, ai...biết sống ?
         Nhưng ai sẽ là người đủ dũng cảm (hay đủ dại khờ ?) để vạch trần và công bố chính xác CON SỐ THỰC ?
         Tại sao?
         Vì đâu nên nỗi ?
         Mỉa mai thay từ con số ảo mà những LỢI ÍCH THỰC sẽ lũ lượt theo về:
         -Danh tiếng (!)
         -Uy tín (!)
         -Sự "sung túc" về nhiều mặt,...bạn tưởng tượng ra được rùi chứ ?
         -Không bị các cuộc họp, ở tất cả các cấp...SOI tới.
         -...
         Có trường nhờ đó mà lượng học sinh đổ về cho niên học sau sẽ ngất ngưỡng, ngùn ngụt...do những thông tin thành tích (ảo hay thực thì bạn vào ...chăn mới rõ !)-là các trường dân lập. Hay những cái nhìn...thán phục từ người khác đã hấp dẫn thủ trưởng các cấp, kể từ quí vị hiệu trưởng THPT cho tới các cấp cao hơn, nếu con số HS tốt nghiệp THPT thuộc quyền mình quản lí càng gần con số lí tưởng 100% ! 


(Nguồn : Tuổi trẻ cuối tuần, 2011)

         Chính từ những sức ép bên trên, dẫn đến hệ lụy là ngày càng đẩy xuống  sức nặng...ngàn cân cho giáo viên (GV) và HS bên dưới.

         @Áp lực đè nặng giáo viên
         GV khi chưa đến mùa thi cũng đã chịu nhiều sức ép rồi :
         +Dạy căng thẳng : Có người quan niệm : "Giảng bài theo tôi là truyền tải những kiến thức mà sách giáo khoa không có để gây cảm hứng cho người học " (3).
         Xem băng hình tiết dạy từ Bộ đem về khi đi tập huấn chương trình Cải cách giáo dục, các bài dạy chiếu lên tròm trèm 45 phút (=1 tiết dạy). Không cần để ý nhiều cũng thấy đạo diễn đã cắt xén, xử lí cho đạt thời lượng lí tưởng. Ôi thôi, làm sao mà GV bình thường trong cả nước áp dụng được ! Thế là thấy rõ mười mươi : lượng kiến thức cùng các hoạt động quá nhiều cho 1 tiết học trên lớp.
         Làm gì còn thì giờ mà ...giảng bài theo ý nói trên ! Chỉ đưa kiến thức cơ bản trong SGK cho HS nắm còn không kịp nữa là ! Cứ thế nhân lên cho cả một chương trình bộ môn trong năm học. Và bao nhiêu môn, bấy nhiêu cuốn sách dầy cộm...

         +Hù dọa và đối phó với sự hù dọa :
          Bản thân người thầy, phát sinh việc dạy thêm do nhu cầu có thật và cả không có thật. Thật là ở các lớp cuối cấp do ôn, luyện thi. Không thật là dùng thủ thuật bắt ép, hù dọa,...bầy trẻ để chúng đi học thêm (4).
         Ngoài ra về phần hiệu trưởng, đã có người hù dọa GV dưới quyền : nếu tỉ lệ HS tốt nghiệp các lớp GV phụ trách mà không cao sẽ dẫn đến hậu quả, không cho dạy lớp cuối cấp nữa : mất cần câu cơm (đối với các môn có dạy thêm) ! Hay đã quen miệng hù dọa nhằm nhiều dụng ý khác nữa, hehe....
         Riêng với GV các môn không dạy thêm, lẽ thường vì lòng tự trọng, vì không muốn ai nói "động" tới mình, vì lương tâm chưa mòn ...răng, hơn là phải chịu áp lực từ những HÙ DỌA ...SƠ ĐẲNG, tầm thường đó ! Ai mà thèm, ai mà ham dạy lớp cuối cấp để bị dọa kiểu...con nít , để phải chịu áp lực vô nghĩa lí như thế này mà dọa ! Hehe, cứ quen suy bụng xấu của mình ra bụng...tốt của người mãi thui, làm sao mà ...lớn nổi hở Trời ! 

         +GV trường chuyên, lớp chọn phải có HS giỏi bộ môn của mình. Cứ tính theo % HS đạt mà bị ...rầy rà hay không. Vì có HS giỏi bộ môn vòng tỉnh thì cuối năm nhà trường được thêm điểm ...thi đua ! Một biến tướng của bệnh TT, dù được che đậy bằng đủ kiểu lí luận như : tập dượt, soạn giảng,... để nâng cao trình độ chuyên môn ! Xin lỗi, con mấy bác có cho đi học các lớp bồi dưỡng những môn như : Văn, Sử, Địa,...không mà o ép con người khác ?
          Việc này nay đã lan tới các trường THPT mà sức học của HS như ở trường...bán công ngày xưa (Vì đã xóa hình thức bán công rùi, thì các em trình độ như thế đi đâu ? Phải vào những trường "vỏ quốc lập, ruột bán công" mà thôi !). Hic hic...
         +Nhiệm vụ tăng thêm : Dự giờ (xem GV khác dạy), thao giảng (dạy cho GV khác xem) hiện nay đều đã tăng số tiết lên so thời gian trước.
         +Quyền lợi bớt lại : đã không còn khoản chi về thừa giờ cho việc chấm bài nữa : cơm chim càng ít !
        +Lương trong bão giá : năm 2008, có lúc giá vàng là 18 triệu VNĐ/ lượng, nay-2011- đã là hơn 37 triệu. Thế nhưng đồng lương GV trước 01-5-2011 thì... vũ- như- cẫn. (Về khoản này thì ai đang lãnh lương nhà nước đều giống nhau).
        Bạn thử ngẫm xem, những thứ quá ư đời thường như thế có là sức ép lên GV không nào ? Có ai bảo GV...sướng lắm chứ không nào ?

         +Ôn luyện thi tốt nghiệp muốn ...đứt hơi thở : 
         Có trường, GV (và có thể có một số GV dạy ít tiết/tuần) môn xã hội phải dò bài từng em một, từng số La Mã, số Á Rập trong bài học. Ba đầu sáu tay cũng không thể dò hết từng ấy HS của các lớp mình phụ trách (viết bài trên bảng, vào giấy hay trả bài miệng,...). Vì đâu phải em nào cũng tự giác học, mà phải có thúc ép, có kèm cặp... Có phải do việc HS thụ động làm theo lời chỉ dẫn một cách máy móc, thiếu sáng tạo (như học thuộc lòng các bài Văn mẫu,...), không biết cách tự học mà ra ? Hay do người lớn thực hiện chưa tới nơi tới chốn những phương pháp tiên tiến của bạn bè...tiên tiến, giàu sang ? 


Gắng sức ôn thi !!


         Cũng có trường, GV xã hội dạy 6 tiết/lớp/tuần/môn sau khi biết môn thi vào cuối tháng 3. Thậm chí có nơi đã phân công đến 8 tiết/ lớp/ tuần/ môn. Áp lực cuồn cuộn đến với GV và HS như sóng thần Đông Nam Á ! Thế thì chúng ta đã thấy, chuyện nói không với bệnh thành tích có dễ đâu nào !
         Thầy cô dạy các môn thi tốt nghiệp THPT không nằm trong khối thi đại học đang hot , buồn bã nhận ra rằng : HS chỉ chăm chăm lo học các môn của khối A (Toán-Lí-Hóa), khối B (Toán -Hóa -Sinh) hay khối D (Toán-Văn-Ngoại ngữ). Còn khối C (Văn-Sử-Địa) ngày càng ...ế ! (5).
         Hihi, những ai thường bảo, các thầy cô dạy như thế nào để cho HS không chịu học, không mún học, hãy xem lại mình. Vâng, xin mời quí ngài học một bộ môn cụ thể và lên lớp dạy thiệt sự ở những trường mà quí vị chê tới chê lui, chắc chắn lúc ấy sẽ đổ lệ khi thấy  -  - (tự ý bỏ 2 từ)!!


         @Áp lực dành cho gia đình-phụ huynh HS
         Vì niềm tự hào mang tính truyền thống , Cha làm Thầy thì con không thể nào bán sách, phụ huynh vô tình biến con cái thành cái bóng của Bố Mẹ, là người thực hiện tiếp, hoàn thành nốt những ước mơ, hoài bão...dở dang của mình. Chúng không được sống cho mình mà là đang sống tiếp phần đời chưa thoả nguyện của đấng sanh thành.
         Con nhà B là học sinh giỏi, ta nhà A giá nào cũng phải là giỏi ...cộng.
         Thế là mâu thuẫn, thế là áp lực cho nhau !

         @Áp lực cho những nhân vật chính nhưng lại thấp cổ bé miệng nhất đây : những mầm non-tương lai của đất nước.

         Những kiểu giáo dục khác nhau  đã hình thành nhiều tính cách khác biệt nhau trong giới trẻ. Có những trẻ cá biệt đến lập dị. Trẻ thì ủ dột, trầm uất tự huỷ hoại bản thân như hiện tượng gần đây báo chí đưa tin. Không thì thụ động quá mức, chấp nhận bị nhồi nhét như những con thú bông, muốn dạng nào ra bộ ấy, không dám làm gì khác với khuôn mẫu đã định hình hay được cho phép.
         Hoặc có phản kháng thì lại đi chệch hướng, như việc chúng đắm chìm vào thế giới ảo để đóng vai những người hùng, những siêu nhân mà tính cách, số phận...đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn. Chúng tránh né việc phải thuộc lòng, phải nhồi nhét những điều mà ngay cả những người hàng ngày cao giọng bảo ban, truyền đạt vẫn còn luôn tranh cãi và bất bình, hoài nghi và bác bỏ...
       
         Qua đó mới thấy là trình độ, tính tự giác của một bộ phận HS thời bi giờ sao lại kinh- khủng- khiếp đến thế. Không nói các trường chuyên, lớp chọn, số còn lại dường như các em không theo nổi chương trình với khối lượng kiến thức đồ sộ của từng môn. Giờ học không hài hòa với giờ chơi. 


Trường học ít có bàn bóng bàn. Nếu có thì ít bày ra. Nếu để bàn bóng ra thì GV,HS ít khi chơi  ! (www.clipartguide.com)

        Chương trình học bộ môn do các TS, ThS viết ra để các em sức học trung bình theo còn không muốn kịp. Lấy đâu hào hứng để chơi các môn thể thao, văn nghệ như cha ông chúng từng chơi ? Rồi ngẫm nghĩ, không rõ cái sự toàn diện ở chỗ nào ? Bạn có thể chỉ ra không ? 
        Người ta kêu than chương trình học quá nặng, khiến trẻ quá tải dẫn đến mụ mị, mắt mờ, tai điếc.
         Vấn đề không những là quá nặng mà là quá bất hợp lí ( trong cái bất hợp lí đó khiến cho ta thấy nặng !). Có môn chưa cần học ở cấp phổ thông, hãy để các em lên Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học sẽ dạy. Có bài chưa cần học ở cấp lớp này như trẻ em cùng lứa ở nước khác, hãy để lên lớp trên... Vì nếu mọi thứ, mọi môn dồn...tinh hoa vào lớp cuối cấp, làm sao các em chịu nổi ?
         Để đối phó, đã có trường THPT bình thường-không phải trường chuyên- dạy trong hè chương trình học kì (HK) 2 của lớp 12 cho HS 11. Đến nhập học sau hè, các em này học chương trình HK 1 của lớp 12. Và khi xong HK1 đã có thể ôn, luyện thi vừa tốt nghiệp THPT, vừa Đại học. Thường là kết quả không tồi tệ... Mục đích biện minh cho phương tiện chăng ?  

         @ Có ai ít chịu áp lực này ?
         Tuy nhiên có những nỗ lực đáng kinh ngạc ở giới trẻ Việt Nam, một số năng động, tích cực tự tìm tòi, học hỏi , chọn lựa dự thi và trúng tuyển những đợt tuyển sinh du học bằng chính thực lực cá nhân. Chúng nhận thức được có một chân trời đầy kì thú nơi xa và tự khám phá ! Không chút áp lực, không hề cho là quá tải. Dám đi thì sẽ đến !


         @ Thử nhìn ra bên ngoài
          Chuyện kể lại : Một HS gốc Việt sống tại Bỉ, ở cấp TH cơ sở học cùng lúc 5 sinh ngữ (tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, còn lại là 4 thứ tiếng khác). Ngoài ra cháu còn phải tự học tiếng mẹ đẻ để khỏi bị mất gốc. Mỗi ngôn ngữ được học là những trải nghiệm thực tế gắn liền với sinh hoạt cộng đồng nơi ấy : học đi đôi với hành, rất cụ thể và thiết thực. 
         Điểm khác biệt đáng kể nữa là sự hài hoà giữa chơi và học, dã ngoại trong các kì nghỉ cũng là một sinh hoạt bắt buộc. Những ý kiến riêng rất được tôn trọng và khích lệ dù không nhất thiết đã đúng, nếu có sai thì sự giảng giải cũng rất tận tâm và ôn hoà, không phải là trừng phạt và cấm đoán như ta t-h-ư-ờ-n-g gặp-chịu-nhận
         Có lần, trong khi trò chuyện riêng với nhau một GV đã vô tình nhận xét thiếu tế nhị về những khiếm khuyết ngoại hình của cháu, cháu nghe được và khóc ngon lành. Sự việc mau chóng đến tai Hiệu trưởng và cháu chính thức nhận được lời xin lỗi của thầy giáo tại văn phòng BGH : điều này ở xứ ta bạn sẽ không bao giờ thấy được.
Vì sao ??? 
         Cháu vừa học vừa phụ kiếm tiền để trang trải chi tiêu trong gia đình (giữ em, mua thực phẩm giúp hàng xóm, làm chả giò theo đơn đặt hàng giúp Mẹ...) mà vẫn giữ vị trí nhất khối, trở thành học sinh tiêu biểu, được quyền chọn và theo học bất kì trường nào ở 5 quốc gia tiên tiến : Anh, Pháp, Mĩ... Cây được trồng nơi đất màu mỡ chăng ?
    
         Vấn đề là động lực. 
         Và điều kiện cần để nảy sinh và nuôi dưỡng, thôi thúc động lực ấy phát huy triệt để.
         Hoàn toàn không phải những ÁP LỰC VÔ BỔ khiến chúng thui chột trong lụi tàn.
         Đó là câu hỏi lớn dành riêng cho NGƯỜI LỚN, cho ngành Giáo dục học, Xã hội học, Chính trị học và cho chính chúng ta những người làm Cha Mẹ, Thầy Cô !!!
         Đến bao giờ nhà trường ta thực sự thoát khỏi những áp lực mùa thi đây ? Hehe, có lẽ chỉ khi nào...không còn thi nữa !!
-------
(1) : xem ở đây về con số TN "thần kì"
(2) : đây nữa về chuyện TN đột biến
(3) : chỗ này
(4) : học thêm
(5) : Ngành Khoa học xã hội
@ Xin mời xem thêm bài có liên quan ít nhiều đến nhà trường ở đây
-------

6 nhận xét:

  1. Cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu thiếu những áp lực cần thiết.Tức có những áp lực về lượng và chất ào ạt đến liên tục,dài lâu,ngày một đong đầy.Vừa như một thử thách,đo lường...chúng cũng vừa ghi dấu về sự tín nhiệm dành cho bạn,sự hữu ích của bạn trong cuộc sống này...Và như thế bạn đã viết nên HẠNH PHÚC!

    Trả lờiXóa
  2. Ngẫm lại tui cũng có một mùa thi thật sự áp lực: Chọn và không chọn,đi hay ở lại,mãi xa hay luôn gần...
    Nơi đến không đủ mới lạ để phải âu lo,sợ hãi...Nhưng nơi còn lại thì đan dày những giằng xé...
    Rồi quyết định xa.
    Rồi trưởng thành.
    Rồi hội ngộ.
    Nhận ra,có những áp lực đôi khi là quý báu!
    Không hối tiếc!TRADEM

    Trả lờiXóa
  3. Dường như có một cách dạy và học mà tôi từng nghe qua,rất thích,rằng những gì đã có trong sách thì mặc nhiên khi lên lớp HS-SV phải chuẩn bị tốt,phải nắm bắt rõ.Thời gian quý báu trên lớp-giảng đường chỉ dùng để mở rộng,đi sâu,khai thác những gì chưa thấu triệt,cao hơn trang sách mở kia.

    Đó rõ ràng là phần hồn sống động cần thiết mà những quyển sách không thể nào tải nổi nếu thiếu những người Thầy.Đó mới là nguyên nhân chính của nhu cầu : đến lớp. Không phải để đọc sách. Không để trả-truy bài. Càng không phải nơi sắp đặt-đối phó nhau vì những cái tên mỹ miều về cuộc thi này-khác vì những cái nọ-kia

    Trả lờiXóa
  4. Có một "hệ thống" ngôn ngữ đang thịnh hành trong giới trẻ mà những chuyên gia ngôn ngữ cũng phải chào thua. Theo tôi nó chính là sự thất bại trong giáo dục nói chung và môn Văn học nói riêng.Nhàm chán, cứng ngắc và sáo rỗng bởi những khuôn mẫu giáo điều phải học-thuộc-lòng tháng này sang năm khác,lớp nọ đến cấp kia:Trẻ phản kháng,bất hợp tác và tự xác lập một thứ ngôn ngữ riêng,bất khả xâm phạm vì...hiểu-chết-liền!

    Bạn đừng thắc mắc vì sao văn phong trẻ "cụt ngủn",thô đến sống sượng thường khi.Trẻ thản nhiên đem cấy vào âm nhạc,nhạc lục cục lòn hòn;đem gieo vào đời sống không ão não sụt sùi thì rắn đanh sạn đá...
    Thời nào cũng vậy muốn chinh phục trước tiên phải đủ thuyết phục.Bằng không sẽ là sự phản kháng,ngược dòng... Chính ta xưa cũng thế đấy thôi! Trẻ con không có lỗi!COMAT

    Trả lờiXóa
  5. Đây là bài nhà em thích nhất! Vì sao ư ? Đã nói lên dùm nhà em cái cảnh dạy luôn ngày Chủ nhật, dù đó là Ngày-của-riêng-mình ! Tuy nhà em không dạy "cua" đâu nhé.
    Mà xin thông báo cho Quáo- đồng- bì là môn ĐL của bạn em, nay đã có "cua" bò lổm ngổm (ở Xì Phố đóa ). Vậy là có đường làm ăn mới mở ra cho mấy Ông Địa-Bà Địa rồi. Đừng than đừng trách...người ơi.

    Mới hay môn ngày xưa dễ kiếm điểm, nay thành ra khúc xương...chó gặm, ủa wên, ...khó gặm. (Nếu không thi ĐL và không ra đề khó, lấy ai MUA cuốn Atlat ĐLVN hè !). Xin lỗi mấy Ô-B ĐL ! Tradem

    Trả lờiXóa
  6. Đã tới lúc báo động về kì thi TN không bình thường. Tại sao có nơi tỉ lệ đậu vọt lên bất thường so với trước đó ? Vậy có chuyện nghiêm túc trong thi cử hay không ? Tại sao có nơi cắt các danh hiệu thi đua của GV, bộ môn lẫn chủ nhiệm chỉ vì liên quan đến số % HS đậu nhiều/ít....

    Trả lờiXóa