Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

059- MỘT FAN CỦA NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN

---------
         Nghe Cà phê Sữa nghêu ngao một giai điệu nhạc, hát mà như nói của giới tuổi teen, bác và bố cười cười. Có lần bố đã nghe chàng Cà phê nói rằng, thời của bố từng nghe nhạc Trịnh Công Sơn với giọng ca Khánh Li, thời này con nghe nhạc của mấy nhạc sĩ viết cho tuổi trẻ bi giờ với giọng ca của các ...'' hoàng tử, công chúa...''. Vậy là đúng quá rồi chăng !? 
         Mà nè cậu cả, nghe kể chuyện xưa chút đi...
TCS, qua nét vẽ Tạ Tỵ, với thủ bút của TCS.

         @ Thời người lớn còn...nhỏ
         Lúc đầu nghe Hà Thanh trình bày bài Biển nhớ, bác không có ấn tượng gì đặc biệt, chỉ nhớ được giọng ca hơi nghẹt mũi của ca sĩ này. Nhưng về sau nghe mấy người lớn hơn hát hò, bàn tán, chuyền tay nhau cuốn băng cassette những bài hát của Trịnh Công Sơn. Đồng thời có một số tập nhạc khổ nhỏ hơn của nhạc sĩ họ Trịnh, so với những tập nhạc cùng thời, được xuất bản. Lúc ấy bác mới để ý đến dòng nhạc thịnh hành trong giới sinh viên học sinh.

Bìa tập nhạc Ca khúc da vàng
         @Tập nhạc gây ấn tượng    
       Tập ''Ca khúc da vàng'' tập trung những bài làm nhói đau lòng người, vì thực tế lúc ấy dường như đúng như trong lời ca : 
+Ngày dài trên quê hương (...một ruộng đồng trơ đất đỏ- một đàn bò không luống cỏ.. Người Việt nào da không vàng- Mẹ Việt nào nhớ xác con...).
+Người con gái Việt Nam (..Người con gái chợt ôm tim mình-Trên da thơm vết máu loang dần...).
+Đại bác ru đêm (...Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng- Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng- Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn/Từng vùng thịt xương có mẹ có em..).
+Tôi sẽ đi thăm (Khi đất nước tôi không còn chiến tranh- Bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ/Mẹ già lên núi tìm xương con mình...).
+Tình ca của người mất trí (Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng mình cháy như than...).
+Gia tài của mẹ (Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây...).
+Hát trên những xác người (...Tôi đã thấy. Trên con đường người cha già ôm con lạnh giá...).
+Bài ca dành cho những xác người (Xác người nằm trôi sông   Phơi trên ruộng đồng   Trên nóc nhà thành phố Trên những đường quanh co...).
.......
         Nhưng gây ấn tượng nhất với riêng bác của Cà phê Sữa chính là bài này
+Ngụ ngôn của mùa đông (..Một ngày mùa đông  trên con đường mòn   một chiếc xe tang   trái mìn nổ chậm  người chết hai lần thịt da nát tan..). Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có cảnh hai lần...chết này chăng ?

Bìa tập nhạc Ta phải thấy mặt trời, TCS viết xong cuối tháng 10-1969


        Một số bài khác về sau nhóm bạn hay ngâm nga như : Cát bụi, Tình xa, Như cánh vạc bay, Diễm xưa, Hạ trắng,... Ngoài ra khi đi cắm trại hay lúc sinh hoạt tập thể, bài hát thích hợp chính là Nối vòng tay lớn, Gia tài của mẹ,...
         
         @ Khi biết ngồi quán
        Những buổi ngồi quán ở Ngã Ba gần Bến xe liên tỉnh ngày xưa, đối diện Sân vận động tỉnh và đắm mình trong giai điệu vang vang hào hùng của Ta thấy gì đêm nay, do Miên Đức Thắng ca. Nghe mà nổi cả da...gà, nên cứ muốn nghe hoài. Hơn nữa, vừa nghe nhạc, đồng thời ngắm những gót sen bỏ nhỏ trên đường thì còn thú vị nào hơn !

''Ta thấy gì đêm nay'', bài thứ 6 trong tập nhạc Kinh Việt Nam, TCS viết lời giới thiệu 1968

         Lúc này bác đã chép một số bài nhạc Trịnh vào tập nhạc của riêng mình. Vừa thỏa chí trình bày tựa bài hát, vừa tập tành viết kiểu chữ phóng túng mà người ta cho là kiểu chữ Trịnh Công Sơn, lại vừa có nhạc để đàn hát cùng chúng bạn. Quá tuyệt ! 
        



         @ Những lúc xa nhà
         Lúc phải đi học xa, ngồi trên xe Lam hay xe đò, trong đầu cứ vang vọng :'' Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về...''. Lúc ấy, tưởng tượng và ước ao... có một người nào đó tiễn mình đi học xa.
         Và một chị bạn lớn đã khai tâm cho bác về sách nào để xem (Sơn Nam, VĐC, NH,...), nhạc nào để nghe (Trịnh Công Sơn, VTA, NĐQ, PD,...), thái độ nào để ứng xử,...khi học năm thứ nhất đại học. Ảnh hưởng chị mạnh đến nỗi lúc hè về lại quê nhà, các bạn bảo, đi không bao lâu mà hắn đã...trưởng thành thấy rõ. Hóa ra ngày xưa mình rất...ngây thơ, khờ khạo sao kìa !


         @ Những bài nhạc đáng nhớ
         Một trong những bài đó chính là Hạ trắng. Và thuở ấy nếu nghe hòa tấu với kèn saxophone của Trần Vĩnh thì lại một phen nổi da gà nữa. Thôi thì ta nghe thử bài này qua giọng ca Khánh Li vậy.



         Tuy nhiên không thể bỏ qua Diễm xưa với cung Mi thứ (Em) nghe sao mà buồn, một nỗi buồn trống trải, mênh mang. Sau này có dịp nghe một ca sĩ Nhật Bản hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật, lại thấy lòng lâng lâng khó tả. Giờ tìm hoài chưa gặp lại giọng ca với hòa âm từ đất nước Mặt trời mọc đó. 

         @ Có phải bác là một fan của nhạc Trịnh không ?
          Nghe chàng Cà phê hỏi thế, bác lại cười cười gật đầu. Tuy nhiên tùy bài hát và tùy ca sĩ nào hát nữa. Bác thích cách trình bày sao cho mới nghe mà ta đã nhận ra giọng ai là ai rồi. Có nghĩa, Khánh Li , Lệ Thu có thể hát cùng một bài Hạ trắng nhưng nghe là phân biệt người đang hát là ai ngay, chất giọng rất riêng. Chớ bi giờ nhiều ca sĩ sao hát giống nhau quá xá. Nhả chữ, nén hơi, nhắm mắt ...gần như nhau, nghe kì kì làm sao, hay tại vì quá...kĩ thuật  ! 
         Và thêm một điều nữa, bác nhà Cà phê tuy hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng không phải thích tất tần tật mọi bài nhạc của ông. Bác nhà Cà phê chọn lọc những bài mình mê, hợp với tâm trạng mới nghe. Nghe để nhớ lại những ngày xa lắc xa lơ kia...
         @ Món dọn thêm
         -Một số phụ bản của các họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường trong vài tập nhạc của Trịnh Công Sơn thời đó đó :
         + Họa sĩ Bửu Chỉ




        +Họa sĩ Đinh Cường


         -Nhạc sĩ  TCS thời viết những ca khúc nói trên (1970)



       Qua buổi nói chuyện này, Cà phê Sữa nghĩ, sao lại không tìm vài bài của ông nhạc sĩ họ Trịnh để nghe thử ấy nhỉ ! Mà việc thử đàu tiên chính là nghe ca sĩ Nhật Bản Anna Saeki hát bài Diễm xưa bằng tiếng Nhật vậy. Không bít có quá sức không nữa !



-------
-Xin xem thêm về TCS ở trang wikipedia ;
-Nghe : Biển nhớ -  nghe thêm 
-Độc tấu : Guitar (Võ Tá Hân)



19 nhận xét:

  1. Như con vịt nghe sấm vậy,mắt o mồm a há hốc,thiệt tình!

    Trả lờiXóa
  2. Với tôi Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người Thầy.Giảng đường của tôi là trường đời mà bài giảng của Ông là những ca khúc tôi vịn vào,đứng lên và bước tiếp.
    Tôi cảm nhận âm nhạc của Ông hoàn toàn bằng bản năng bởi kiến thức âm nhạc của tôi là con số không to tướng.Có lẽ chính vì vậy mà chỉ cần cây ghita mộc mạc ngân lên và một giọng ca đủ thật để đủ sâu với tôi đã quá đầy,đã là hạnh phúc.
    17 tuồi tôi nương vào câu hát của Đời gọi em biết bao lần mỗi khi lòng thiếu nắng.
    Rồi Đường xa vạn dặm khiền lòng tôi rưng rức dầu chưa hiểu thấu những chia xa...
    Nhưng thật tình những giai đoạn ấy âm nhạc của Ông vẫn quá cao siêu và khó hiểu.
    Một ngày ở tuổi 30 khi câu hát nhẹ nhàng gieo Để gió cuốn đi cũng là lúc tôi nhận ra hướng đi cụ thể cho mình điều bấy lâu vẫn còn loay hoay không rõ lối.
    Âm nhạc của Ông chinh phục tôi từ đó,hoàn toàn!
    CCK

    Trả lờiXóa
  3. Cái băng cassette đó là SƠN CA 7?

    Trả lờiXóa
  4. Với Cha-Anh tôi thì giọng ca số một chuyển tải được hồn phách của nhạc Trịnh là Khánh Ly.Rõ ràng không thể phủ nhận.Trong thời khắc chông chênh vì binh biến của lịch sử,cái chất giọng trầm khàn,khê nồng và như có nhựa dính đó mới đủ sức đánh động,vực dậy...thổi hồn lên những đớn đau, khắc khoải...của một thời... Nhưng riêng tôi lại thấy nặng nề,nghe Khánh Ly tôi cảm giác bị trì kéo xuống,quá đỗi tang thương...Tôi sợ! Tôi thôi không chú tâm nhiều đến người hát mà tâm điểm của tôi là những tư tưởng thâm sâu náu mình trong những ca từ đậm màu triết lý. May mắn nhận được một giọng ca đồng điệu tôi cùng lâng say,không thì tôi tự say.Cũng rất tuyệt vời!

    Con gái quan sát những mê đắm đó của tôi và thắc mắc: Vì sao? Tôi cực đoan quả quyết: Rồi một ngày,khi ấy con cũng say. Ngày tuổi đời đủ chín! Con mĩm môi cười.Tôi cũng vậy.Cùng ung dung đợi. Năm tháng sẽ qua... Cũng như thế hệ của chúng tôi,rồi con và các bạn của con cũng sẽ chọn ra một vài đại diện cho thế hệ mình để cất giọng,chuyển tải.Để bày tỏ niềm ngưỡng mộ bằng phong cách và cảm nhận mang đặc trưng của thời đại.
    Có sao đâu, cứ cảm nhận,cứ thể hiện,cứ chứng minh...Những gì đọng lại là chân giá trị. Cố nhạc sĩ đã từng khoan hoà trước một vài phong cách biểu đạt mới lạ về dòng nhạc của Ông thì ta sao lại không?
    Dẫu bằng phong cách nào thì những trải nghiệm đầy nhân bản của một tâm hồn chỉ có thể ví NHƯ-ĐƯỜNG-CHÂN-TRỜI(theo lời của Nguyễn Quang Thiều) mãi luôn hữu hình và bất diệt! COGAI

    Trả lờiXóa
  5. @ SC7 ra đời sau này bác ạ. Cũng như tập CKDV đăng trong bài này cũng ra đời sau. Trước đó nhà em thấy mấy anh chuyền tay nhau nghe băng nhạc, mà không để ý cho lém... Chắc thu âm lại từ những buổi NS TCS (và KL và...) hát cho sinh viên nghe. Lúc ấy nhà em còn nhỏ...lém mấy- anh- ơi.

    Tập CKDV trước đó nhà em nhớ là in lời nhạc bằng chữ viết tay bay bướm của tác giả. Qua đó mới có chuyện bắt chước, sáng tạo thêm "kiểu chữ TCS".

    @ Với nghệ thuật, nhất là âm nhạc nữa, thì chuyện thích nhạc sĩ nào, ca sĩ nào hát bài nào,... là quyền rất riêng của mỗi người. Xin các bác cứ cho ý kiến của mình để mọi người cùng suy gẫm. Thân mến.

    Trả lờiXóa
  6. Yêu và không yêu ai là quyền riêng không thể phủ nhận hay bác bỏ,luôn vậy!

    Trả lờiXóa
  7. Không biết tôi đã nghe những bài hát trong "tình khúc da vàng" từ lúc nào, nhưng những giai điệu ấy đã thấm đẫm vào tiềm thức của giathai tôi:Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu.Một trăm năm đô hộ giặc Tây.Hai mươi năm nội chiến từng ngày.Gia tài của Mẹ một rừng xương khô,gia tài của Mẹ.một núi đầy mồ...Sau nầy mỗi khi nghe một bản nhạc dù không biết tác giả là ai nhưng chỉ cần nghe giai điệu,lời bài hát giathai tôi đoán được đó là nhạc của Trịnh và thường 90% đoán đúng.

    http://mp3.zing.vn/album/Ca-Khuc-Da-Vang-Le-Uyen/ZWZ96IE9.html
    Nhà cafe nghe xem Lê Uyên trình bài có bằng Khánh Ly hay không nhé.

    Trả lờiXóa
  8. @ Bác Giathai, GIA TÀI CỦA MẸ là bài hát sinh hoạt tập thể hào hùng, cũng như NỐI VÒNG TAY LỚN hoặc VNQHNN vậy. Đó là những ngày cắm trại, hát hò... mệt nghỉ lun. Rồi thức gần như thâu đêm mà không thấy chán. Chỉ đến khi sáng lại về nhà mới biết nằm lăn ra ngủ bù. Hic hic, quá xa rùi phải không nhà bác GT ?

    Lê Uyên ngày xưa chuyên hát nhạc của Phương. Và nhạc của cặp đôi Lê Uyên Phương thì nhà em không có duyên nghe cho lém. Cho nên KL vẫn là KL, để hát nhạc TCS. Còn về sau, dù có ai hát đi nữa, dù bác TCS có thích, có yêu cách mấy đi nữa thì huhu, cho tới bi giờ, nhà em vẫn ...chưa thấm giọng ca nào khác ! Không bít do đâu nữa ! Bác nào rõ xin chỉ dùm với nhé !

    Trả lờiXóa
  9. Rất nhiều lý do để con người ta nói chung (và quý ngài MF nói riêng)"đóng cửa" mọi thông tin sau khi đã khẳng định ngôi vị độc tôn trong...não.Tỷ dụ như:
    -Sự mù quáng của con tim.
    -Những cực đoan của cá tính.
    -Tính bảo thủ bởi tuổi tác
    ...
    Hay,
    Ngôi vị ấy thực sự xứng đáng với tầm vóc,không gì có thể sánh bằng hoặc thay thế nổi.
    Chẳng hạn như:
    Ngôi sao tím huyền thoại Elizabeth Taylor.

    Ban nhac Abba với Happy New Year bất tử.

    Con Thiên (nga)NGA với cái chết bên hồ.

    Vài dòng ngu ý xin thưa...

    Trả lờiXóa
  10. @Bác Due, Hihi, chắc là những lời ca tiếng hát đó đã ngấm vào trong máu mất rùi.
    Có phải điều này tựa như : những món ăn Mẹ nấu ngày xưa ngon ; thích bài hát đỉnh đã đưa tên ca sĩ nào đó vụt sáng chói ; ...

    Sau này dù có nhiều món ngon vật lạ, nhưng món của mẹ làm vẫn có chỗ đứng không đổi. Hay ca sĩ nào về sau có hát lại bài đã đóng đinh tên tuổi người trước, thì phải có cái gì đó vượt trội hơn (chất giọng, hòa âm,...) mặc may mới chen chân được vào tâm hồn người thưởng thức...

    Vậy thì, ai thích món ngon riêng của mình : cứ ưa chuộng ; ca sĩ mình nghe mà không chán : thỏa sức tìm và lim dim thả hồn vào bài nhạc đó...

    Nhà Bác đồng ý vậy chớ ? Về thưởng thức nghệ thuật, MF chỉ nói lên ý kiến của mình, và mời bạn bè đưa ra quan điểm để hiểu nhau hơn. Chớ không hề dám (M)F ai ! Thân.

    Trả lờiXóa
  11. chào bác.lâu rồi k có dịp ghé thăm những bài viết của bác.hôm nay xem lai em rất thích bài này của bác.rất hay.mong rằng bác sẽ còn viết thêm nhiều bài nữa về âm nhạc.chúc sức khỏe bác

    Trả lờiXóa
  12. Em rất thích những bài : Đêm thấy ta là thác đổ của Duy Quang , Ngẫu nhiên của Ý Lan , Như Cánh vạc bay của Hồng Nhung , Ru ta ngậm ngùi của Trịnh Vĩnh Trinh, Tuổi đá buồn của Lệ Thu , Một ngày như mọi ngày của Áí Vân , Hạ Trắng của Lệ Thu , Để gió cuốn đi của 5 dòng kẻ , Cho đời chút ơn của Trịnh Vĩnh Trinh , Một cõi đi về của Elvis Phương , Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Ánh Dương và tất nhiên không thể thiếu Diễm Xưa

    Trả lờiXóa
  13. @ken_vo : Đã lâu không gặp. Sẽ cố gắng nếu có dịp. Mong ghé MF thường xuyên hơn nữa nhé.

    @Sáng : Thế hệ trẻ thích những bài nhạc ấy do ca sĩ khác KL hát. Cũng đúng thui. Mười người 11 ý mừ. Còn có NGỌC LAN hát nhạc TCS cũng thấm lắm đó. (Giọng NL mong manh như sương, mỏng như lá lúa, rất cần người che chở...: cảm nhận chủ quan của MF). Lâu lém mới thấy thăm nhà MF và NX nhé Sáng ! Nhớ ghé và gặp wa đây, thay vì gặp chỗ khác, hén !

    Trả lờiXóa
  14. Rất vui vì sự đồng cảm hiếm hoi này :về NGỌC LAN.
    TRONG.
    NHẸ.
    Đủ sức lan toả,thấm sâu,ngọt ngào và ấm áp!
    Đủ ngất ngây!
    Đủ tiếc nhớ!
    COMAT.

    Trả lờiXóa
  15. HAHA,thích chở che những mong manh là ưu điểm ,là đặc trưng của...phái mày râu!

    Trả lờiXóa
  16. Mời các bạn thử nghe ÁNH TUYẾT với VẾT LĂN TRẦM thử xem và cho biết ý kiến hen! CCK

    Trả lờiXóa
  17. Tâm trạng nào tui cũng tìm thấy được ca khúc tương thích của Ông. Với tui thế đủ gọi nên hai tiếng DIỆU KỲ! TRADEM.

    Trả lờiXóa
  18. @MF : ^.^! Có lẽ vì em nghe lần đầu tiên những bài hát của Trịnh Công Sơn do những ca sĩ ấy hát nên có tình cảm hơn . Ngọc Lan thì em vẫn luôn "iu" bài Mưa Trên Biển Vắng , thật , nghe bài ấy muốn khóc luôn !

    Trả lờiXóa