Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

079- DỪA : THU HOẠCH BẰNG CÁCH NÀO, ở Việt Nam và thế giới ?

-------
       Ở vùng quê miền Nam, trèo lên cây dừa để vặn, xoay, cắt cho trái dừa rơi xuống đất, bà con gọi là bẻ dừa. Và người miệt vườn hay bật cười vui vẻ khi nghe dân thành phố về lại gọi là hái dừa. Còn nếu đứng dưới đất dùng sào tre để cắt trái dừa rụng xuống thì gọi là giựt dừa. Có lẽ cách chung nhất gọi là ... thu hoạch vậy chăng !
Dân đảo Samoa (Thái Bình Dương) leo dừa. Mà chắc để biểu diễn ! (stilleveraftering.com)
     Thế thì những nơi khác ngoài Việt Nam, có cách nào thu hoạch dừa nữa không ? Có đấy : trèo lên cây bẻ dừa ( người, khỉ, robot), dùng sào giựt trái xuống, dùng thang leo,... Ngoài ra vì mục đích kiếm ăn, có cả cua ở vùng biển cũng leo dừa bẻ trái cho rớt xuống đất mâm mâm nữa chớ (*) !

       @ Những vùng trồng dừa trên thế giới
        Trước khi có trái dừa thì phải trồng cây. (Hihi, bạn đừng hỏi vậy trái dừa có trước hay cây dừa có trước nghen !). Vậy vùng nào trên thế giới cũng trồng được dừa như Việt Nam ? Trong bản đồ dưới đây, vùng quanh xích đạo, có giới hạn bởi 2 lằn màu đỏ ở Bắc và Nam bán cầu, là vùng thích hợp cho cây dừa phát triển.

Vùng trồng dừa trên thế giới (wikipedia.org)
Những quốc gia sản xuất dừa nhiều trên thế giới, năm 2009, đơn vị : tấn. (wikipedia.org)
       @ Người leo bẻ dừa
       -Ở Việt Nam : Chuyện bình thường nếu là nam thanh niên trẻ, khỏe thu hoạch trái dừa bằng cách leo bẻ trái. Ở Bến Tre hiện nay (đầu tháng 8-2011) có nơi tiền công leo bẻ dừa tính trung bình 3.000 VNĐ/cây, không kể dừa trên cây nhiều hay ít. 
       Thời gian gần đây, có chuyện kể về một bà mẹ Việt Nam lao động nhọc nhằn, nguy hiểm bằng nghề này để nuôi con ăn học (1). Lao động chân-tay kiếm tiền chân-chính sao mà vất vả như 2 ảnh sau đây :
 Thăm thẳm ngọn cây, sâu thẳm tình  ( toancanh.tamnhin.net) 
Vòng dây nhỏ trói chân người mẹ. Quanh gốc dừa tần tảo nuôi con  (toancanh.tamnhin.net)
   
    - Ở một số quốc gia khác :
+ Thái Lan : Vẫn có người bẻ dừa, nhưng chỉ thấy chân trần, không leo bằng dây (gọi là dây nài). Có bạn nói rằng, leo dừa chỉ với chân trần mới là chuyên nghiệp, vì sẽ di chuyển nhanh nhẹn. Quả thật, dù chuyên nghiệp hay không, người leo dừa thật khéo léo !


Thái Lan :  leo bẻ dừa, không dây  (livetheflipside.wordpress.com)
     
Thái Lan : chỉ trang bị 1 con dao sau lưng, không dây, chân trần cho dễ bám  (asiaphotostock.com) 
+ Các nước vùng đảo :


Philippines :  leo không dây nài !  (wn.com)

Đảo Maldives (Ấn Độ Dương) với sợi dây nài đơn sơ  (w.superstock.com)


Sri Lanca : độc đáo với sợi dây thừng giăng từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, như làm xiếc  (w.superstock.com)
+ Các châu lục khác :


Đông Nam châu Phi (Tanzania)  (www.travelpod.com)
Tây châu Phi (Senegal) với sợi dây ngang lưng dễ leo hơn ta rùi !  (www.superstock.com)
Mĩ latinh (Venezuela)  (www.superstock.com)
Mĩ latinh : thân cây được khoét để có chỗ bám dễ leo  (central-america-forum.com)

       @ Dùng sào giựt, thang leo : 
       Thoạt trông rất đơn giản, nhưng làm thế nào giữ được cây sào thăng bằng và giựt được hàng loạt trái trong vườn dừa 5-6 công đất hay hơn nữa mới là đáng nói. Hiện nay (08-8-2011) tiền công cả 3 công đoạn : giựt trái dừa xuống, lượm và gánh gom lại thành đống cho chủ vườn, tổng cộng là 60.000 VNĐ/trăm dừa (120 trái)
       Người trồng dừa bán có thể được 1,2 triệu VNĐ/trăm dừa. Tùy theo dừa mùa (nhiều trái) hay dừa treo (ít trái) với 6 công đất có thể thu hoạch từ 4 trăm (480 trái) xuống còn 2-2,5 trăm (240-300 trái)/tháng. 
Thái Lan, ở Koh Samui, dùng sào tre để giựt dừa (www.superstock.com)
Cuba : dùng sào ngắn. Hehe, chỉ là biểu diễn thui mừ ! (www.superstock.com)
Dùng thang bẻ dừa 2 đọt (nguoimientayvn.wordpress.com)
    
       @ Khỉ leo bẻ dừa
        Loại khỉ đuôi heo (đuôi to) có nhiều trong vùng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia, người dân lập ra một số nơi để huấn luyện loại khỉ này, nhằm leo thu hoạch dừa. Thời gian học...nghề chừng 8 tháng. Chủ vườn hay chủ dịch vụ có thể mua, có con giá 130 bảng Anh (gần 4,4 triệu VNĐ). 
       Bạn có thể gặp trong làng miền Tây đảo Sumatra (Indonesia) một người đàn ông đi xe đạp chở theo chú khỉ. "Họ" đảm nhận dịch vụ thu hoạch dừa cho chủ vườn, với giá rẻ : 10% số dừa bẻ được. Chú khỉ chuyên nghiệp này có thể bẻ khoảng 1.200 trái dừa/ngày. (Hihi, ở VN, hai "thầy trò" sẽ có thu nhập bạc triệu VNĐ/ngày rùi còn gì !) 
Thái Lan, đảo Koh Samui, khỉ đang bẻ dừa. (www.superstock.com)
Malaysia : chú khỉ chuyên nghiệp đang hành...nghề (www.superstock.com)
       Sau khi bẻ dừa xong, người chủ sẽ cho chú khỉ vài thức ăn đặc biệt như sữa, cơm, chuối, bánh biscuit,... Có thể người chủ có những cách đối xử đặc biệt hơn nữa với khỉ : ở chuồng đẹp, ăn thức ăn ngon hay lúc khỉ trưởng thành, sẽ tìm..."vợ" cho nó !


Khỉ đang leo bẻ dừa và chủ nuôi  (jerambesuadventure.blogspot.com)

       @ Cách thu hoạch dừa cải tiến ở Ấn Độ 
        Với tình hình đô thị hóa khắp nơi như hiện nay, thanh niên đổ xô về thành thị. Lao động nông thôn ngày càng hiếm, nhất là trong việc thu hoạch dừa. Bang Kerala (trong tiếng địa phương, Kera có nghĩa là dừa), vùng cực Nam Ấn Độ cũng hiếm lao động hành nghề này (thường do đẳng cấp thấp nhất ở Ấn- "tiện dân"- đảm trách). Chính quyền có treo giải thưởng (chừng trên 20.000 USD thui hè !) cho những sáng kiến chế tạo dụng cụ hỗ trợ leo- bẻ dừa (là thu hoạch dừa í mừ !). 
       Những hình dưới đây là những dụng cụ sáng tạo bởi dân Ấn :


Ấn Độ : Loại thứ 1: dụng cụ hỗ trợ để leo dừa thuận tiện  hơn (indiamart.com) 
Ấn Độ : Loại thứ 2 : Thêm dụng cụ nữa. Quả là dân Ấn có sáng kiến tốt  (wiki)
Ấn Độ : Loại thứ 3 : Robot leo, bẻ trái, cắt dọn tàu lá dư...  (trích từ video thứ 3 cuối bài )
       Loại thứ 3 robot có thể điều khiển từ dưới gốc dừa, vận hành với nguồn pin 12v, DC và nặng cỡ 9 kg. Rất đa năng vì có thể cắt gọn nguyên cả buồng dừa hay bẻ riêng từng trái một, lại thêm dọn sạch rác nữa.
       Nếu bạn rảnh rang, có thể xem thêm trên Youtube các đoạn video về dụng cụ hỗ trợ leo -bẻ dừa từ các nhà phát minh Ấn Độ.


       @ Tổ chức cho khách du lịch... leo dừa. Tại sao không ?
       Việt Nam có thật nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, kĩ sư,...là...của quí của dân ta. Tại sao nhà nước không ra giải thưởng nào to to để người tài qua đó phát huy sáng kiến có ích cho dân lao động, cho sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà (MF thuộc bài kinh-khủng-khiếp lun đó !). Một công đôi việc ! Đừng nên để mảnh bằng treo...chỗ nào đó phí đi !
       Lại nữa, khi có dụng cụ hỗ trợ leo bẻ dừa tương đối nhẹ nhàng, dễ dàng thì tại sao ta không tổ chức tour du lịch miệt vườn cho du khách tha hồ leo- bẻ dừa. Qua đó thêm hấp dẫn dân xứ lạ thích trải nghiệm ! (Mai mốt ai có làm du lịch nhớ trả tiền...bản quyền sáng kiến này cho MF à nha !). 

       @ Đại tiệc Video 
       Tuy nhiên người chọn món là chính bạn. Nếu tò mò, ham hiểu bít thêm người bạn Ấn Độ sáng tạo ra sao trong việc hỗ trợ nhà vườn thu hoạch dừa, bạn có thể xem tất-tần-tật các video clip sau đây, mỗi đoạn vài phút, không mất bi nhiu thời gian đâu ! 
       Vâng, xin click vào video clip đầu tiên nhé... !

- Ấn Độ : Loại thứ 1 leo dừa /kè /thốt nốt : đơn-giản-dị vậy mà nỡ nào để người mẹ bao năm nay leo dừa chỉ với sợi dây nài mỏng manh. Hic hic, mời ông Trời ngó xuống xứ này ...cái coi !!! ThS/TS/KS nhiều mà lèm gì không bít. Ủa, Ông -Bà- Táo đang nhe răng cười hề hề kìa ! (Giọng lưỡi hơi bị...ganh- tị- hiềm rùi !)



-Ấn Độ : Loại thứ 2 hỗ trợ leo dừa nhanh : do kênh Discovery thực hiện.



-Ấn Độ : Loại thứ 3 (robot đa năng leo- bẻ dừa- dọn rác...): cực kì độc đáo, hấp dẫn hơn cả cuộc thi... Robocon nữa đó !




-Ấn Độ : Loại thứ 4 có cả máy nổ leo cây (hihi, coi chỗ đổ xăng người ta đong đủ dung tích chưa đó ; và cũng coi chừng xăng pha thêm gì gì nữa, chết máy ở lưng chừng thân dừa mới khổ ! )



       À, mà bạn nhớ cho bít mình thinh thích loại nào và tại sao lại thích nhé ! (Hoan hô các bạn Ấn Độ một phát chứ nhỉ !)
       @Món dọn thêm (thêm vào : 22-11-2011)
        -Cua leo bẻ dừa :
Trên một số đảo ở Thái Bình Dương, có loại Cua-dừa leo bẻ dừa để ''mâm mâm''.  (www.metro.co.uk)
       -Dụng cụ hỗ trợ leo dừa của nước bạn Ấn Độ :
Gọn, nhẹ, rất thích hợp cho nông thôn. Ô kìa kìa, còn có lưỡi hái bên hông ! (hindu.com)
       -Đóng góp của cây dừa cho thời trang nữa nè :


Thủ công mĩ nghệ cho nửa trên của bộ bikini. Bạn xem và đoán đi, làm sao không hại  đến làn da mềm mại ? (halloween-costume-ideas.info)






-------
- Nguồn :
(1) :http://toancanh.tamnhin.net/doi-song/108944/Chuyen-anh-ve-nguoi-me-treo-dua.html
2 : http://wn.com/Coconut_tree_climbing_machines_on_the_rise_in_Kerala 
3 : Youtube : tìm kiếm ở nơi này : Coconut Tree climbing robot
(*) : http://www.youtube.com/watch?v=1zKz9XkXVB4   - (cua Dừa)
và những trang web, blog có ảnh trong bài.
-------

7 nhận xét:

  1. Bài viết thật phong phú,đưa người đọc đi thật xa chỉ với thời gian thật ngắn,ngắn hơn rất nhiều so với công sức sưu tầm,biên soạn...
    Thật cảm kích!
    Tui thích loại thứ ba trong bài: ROBOT đa năng.
    Tui nhớ...
    Lúc lên mười lần đầu tiên tui rơi vào trạng thái nghẹt thở,thẩn thờ mất nhiều ngày sau đó khi Cậu tui bảo rằng có một đứa bé leo dừa thuê vừa bị rơi từ ngọn dừa xuống do ong chích.Tất nhiên tổ ong đóng ngay trên ngọn dừa.Tui tuyệt nhiên không biết tính mạng của người bạn nhỏ ấy sau đó ra sao vì khi phát hiện ra gương mặt thất thần của tui Cậu tui đã ngưng không kể nữa.Tui bị dẫn độ đi xa khu vực ấy bằng cách dỗ dành của Chị.
    Giờ nhắc lại vẫn nghe lồng ngực bị ép chặt,nặng nề!
    Giá có nhiều những con ROBOT như thế ở quê tui,tui sẽ buộc đàn ong bó tay và những trái dừa ngoan ngoãn chất đống.Còn những đứa trẻ chỉ mải mê cắp sách đến trường hoặc tung đôi chân sáo thả diều trên đồng cỏ...
    Đơn giản vậy thôi mà!COMAT

    Trả lờiXóa
  2. Mẹ phải trèo dừa vì nhà vắng bóng Cha.
    Có đôi bàn chân nuột nà,suốt đời chỉ dành để ngắm vuốt,sắm sanh,vẽ tô đủ kiểu.Chân sợ bùn tanh,sợ bụi bẩn,sợ cả chiếc dép thô.Xa lạ!

    Có đôi chân đầy những vết chai,xương thoái hoá biến thành gai nơi gót.Gót đầy vết nứt,móng hoen vàng màu phèn nơi đồng ruộng.Thân quen! Thì sợi dây nài thô ráp kia làm sao không để lại những vết hằn?

    Cho đến bao giờ thôi hết nhọc nhằn oằn vai những người Mẹ quê tui???CCK

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không có may mắn như ai kia "lớn lên đã thấy hàng dừa xanh trước ngõ".Nhưng tôi đã từng được tham gia hái dừa,một trải nghiệm thú vị đầy...nhọc nhằn,hihi!
    Quê Ngoại và quê Nội tôi đều ở xứ dừa,sung sướng không?
    Quê Ngọai không bị chiến tranh tàn phá nên dừa cao,cao lắm.Cây sào chắp nhiều lần lòng khòng vẫn không với tới ngọn.Khi ấy buộc phải nhờ người"trèo lên,lên trèo lên" mà hái.Nhìn những "chú nhỏ" trạc tuổi tôi thoăn thoắt mới thấy mình vụng về,dở ẹt...Sợi dây nài hình như tác dụng chính là để nghỉ chân thôi thì phải.Lưỡi hái giắt lưng,thoắt đã tới ngọn,chỉ nghe"rột-xoẹt" rồi là bình bịch rơi,khéo lắm kìa!
    Giờ nghĩ lại,nếu giở Luật Lao động ra chắc Ngoại tôi sẽ bị phạt tuốt luốt: Ai biểu "bắt" trẻ con trèo cây cao,nguy hiểm vậy!Mồ hôi mồ kê như tắm,bụi dừa bám đầy đầu,chỉ thấy thở thôi là thở,hổng nghe nói gì đâu.Mệt dữ trời!Chưa kể tụi kiến vàng hè nhau cắn rách thịt nữa chú,thiệt tình!
    Tôi càu nhàu Ngoại nói"Khi nào cây cao quá,Ngoại sẽ đốn lấy thân làm nhà,trồng thay cây mới"
    Vậy thì còn lâu lắm mới không phải leo dừa cho Ngoại,Ngoại chửi"Tổ...cha mày!" rồi cốc tôi một cái,đâu có đau!DUE

    Trả lờiXóa
  4. Quê Nội tôi thì chiến tranh huỷ sạch,phải gầy dựng lại từ con số không,Bởi vậy cho đến bây giờ việc thu hoạch trái dừa chủ yêu vẫn còn dùng sào vỉ cây chưa cao lắm.
    Đi hái dừa bằng sào cũng ngô nghĩnh lắm nha,là một nghệ thuật hẳn hoi chứ chẳng đùa đâu,Này nhé chiếc saò phải là thân tầm vông thẳng,chắc,đầu sào gắn một con dao cắt có tên là câu liêm.Câu liêm hình cong như lưỡi hái nhưng cứng , dày và cong hơn,lưỡi sắc để có thể cắt ngọt cuống dừa.Bạn phải khéo léo và tinh mắt mới có thể gọn gàng đặt lưỡi câu liêm đúng vào nơi cần bằng không trái dừa cứ bầm dập,tay bạn rã rời,cổ mỏi nhừ mà cuống dừa vẫn trêu ngươi cười cợt bạn,hihihi!;Hái dừa khô thì vặt từng trái một nhưng với dừa tươi thì phải cắt trọn buồng,nặng và khó hơn thế nữa.Khi ấy bạn phải có thừng xiết giữ rồi thong thả tuột dần chúng khỏi ngọn.Khó giàn trời chứ chẳng chơi đâu!
    Có dịp,cứ về thử hái mới thấy vị nước dừa ngọt hơn sau những khó nhọc tha xuống từ ngọn cao cao tít mù.
    Nhất định vậy hen!

    Trả lờiXóa
  5. hi hi ! chào bạn mình tên T. (nam ) mình đang là sinh viên năm cuối đại học ..........
    thật may mắn đọc được bài viết của bạn ! vì mình cũng đang thiết kế một thiết bị hỗ trợ thu hoạch dừa ! bài viết của bạn cho mình đươc rất nhiều lợi ích !
    không biết bạn còn tư liệu nào có liên quan đến các dụng cụ leo trèo cây dừa nữa không ? nếu có bạn có thể gửi cho mình hay không !
    09799..... mong bạn giúp đỡ !
    vì lợi ích nước nhà !

    Trả lờiXóa
  6. @ Chào nhà bác T...(nam),
    Đã trả lời bằng tin nhắn sau khi đăng lại ý kiến của bác, mà chưa thấy bác nói chi. Có thể nhà mạng, hoặc MF có sơ sót. Thôi thì MF nhắc lại sơ nét ở đây vậy.

    Cuối bài 079 này chỗ nguồn tài liệu có ghi số. Bác T chịu khó theo 2 links : 2 & 3 để xem thêm những thiết bị hỗ trợ thu hoạch dừa khác nữa. Rất ấn tượng đó. Xem nhiều lần sẽ thấy các bạn Ấn hay ở chỗ nào. Và nhớ chuyện bản quyền sáng chế của bạn có đăng kí nữa nhé !
    Mong là bác T... sẽ có những sáng tạo thiết thực nhằm giúp người dân đỡ khổ nhọc khi thu hoạch dừa.
    Xin chào và mời vào MF thường xuyên, kể cả khi ra trường công tác. Thân !

    Trả lờiXóa
  7. Thanks bài viết chia sẻ bổ ích , Ủng hộ VN mình phát minh ra robot đa năng giúp nhân dân !

    Trả lờiXóa