Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

091- THẾ GIỚI CÓ BAO NHIÊU QUỐC GIA ?


-------
       Câu hỏi lí thú này thật ra khó trả lời chính xác. Bàn cờ chính trị thế giới luôn thay đổi, các quốc gia tách ra, nhập lại với nhau không dễ lường trước, chẳng hạn như từ năm 1990 đến nay, có 29 quốc gia mới ra đời. Hay trong quan hệ giữa các nước cũng có sự chằng chéo, tính toán sao cho mang lại lợi ích nhiều nhất đối với nước mình. Qua đó nước này công nhận hay không một đất nước khác, thường là mới thành lập.
       Một số quốc gia (hay vùng lãnh thổ ) có vấn đề vướng mắc như Bermuda, Đài Loan, Greenland, Palestine, Puerto Rico, Tây Sahara,... Vậy thế nào là một quốc gia có chủ quyền để có tên trên bản đồ thế giới ?

       @Bốn đặc điểm của một quốc gia có chủ quyền
       Theo Điều 1, Công ước Montevideo năm 1933, một quốc gia có chủ quyền phải có những đặc điểm sau:
(a) dân số ổn định, 
(b) lãnh thổ xác định, 
(c) chính phủ, và 
(d) khả năng quan hệ với các quốc gia khác. 
      Có một vài nước trên thực tế là độc lập nhưng không được quốc tế công nhận (không đáp ứng điểm d). Ngược lại có vài nước đã được công nhận rộng rãi, nhưng chính phủ không có đủ quyền hạn (điểm c bị hạn chế). (wikipedia.org) 

       @Không thể nói con số chính xác
       Thế nên không thể nào nói rõ ràng cụ thể thế giới hiện nay có bao nhiêu quốc gia được. Chỉ có thể nói lên con số hội viên của từng tổ chức như Liên Hợp Quốc, WTO,...hay theo cách nhìn nhận của một số nước. Ngoài ra theo mỗi trang web Địa lí cũng có quan điểm riêng của mình về vấn đề này.
       Do đó, ta không ngạc nhiên khi thấy SGK lớp 11 ghi : '' Thế giới có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...'' (trang 6).

       @Những con số đúng theo từng thời điểm
       -Hội viên LHQ : 193 (Hội viên mới nhất là Nam Sudan,7-2011 )


Hàng hóa bày bán tại Juba, Nam Sudan. Bạn thấy có nét nào giống Việt Nam không ? . (www.guardian.co.uk)
       +Palestine và Vatican là quan sát viên tại LHQ, không có quyền bỏ phiếu. Palestine được 112 quốc gia công nhận (5-2011) và nếu muốn là thành viên LHQ, nước này phải được 129/193 phiếu thuận của Đại hội đồng LHQ và phải vượt qua rào cản phủ quyết của Hoa Kì trong Hội đồng Bảo An. (Palestine vướng điểm b và d trong 4 đặc điểm nêu trên).
       +Đài Loan : nước nào giao hảo với Trung Quốc thì cho là Đài Loan là 1 bộ phận của lãnh thổ TQ, còn trái lại, sẽ xem Đài Loan là 1 quốc gia độc lập. Hơn 100 quốc gia có quan hệ không chính thức với Đài Loan. (Đài Loan vướng điểm d).
       -Theo một số quốc gia và trang web có liên quan :
       +Với quan điểm Bộ Ngoại giao Hoa Kì : Hiện nay công nhận có 195 quốc gia trên thế giới (và không coi Đài Loan là một quốc gia) .
       + Thụy Điển : công nhận 194 quốc gia. Nga : 172 (xem ở đây )
       +Theo một số trang web :
       +http://wiki.answers.com : Có 196 quốc gia trên thế giới.
       +http://www.geography-site.co.uk : 193.
       +http://www.infoplease.com :  196.
       +http://www.factmonster.com/ipka/A0932875.html : 195.
   
       @ Nam Sudan : thành viên mới nhất của Liên Hợp Quốc
       Ngày 09-7-2011, sau nhiều năm nội chiến, Cộng hòa Nam Sudan tuyên bố độc lập và trở thành quốc gia thứ 54 của châu Phi. Trước đó, trong tháng 1-2011, 98,8% cử tri ở phía Nam của nước Sudan đã chọn độc lập với (phía bắc) Sudan.



Nam Sudan (màu đỏ) có nhiều dầu khí. (pphsinc.files.wordpress.com)


       @Trường hợp Greenland
       Sau cuộc trưng cầu ý dân năm 1978, Greenland được Quốc hội Đan Mạch trao cho quyền tự trị. Nữ hoàng Đan Mạch, Margrethe II, vẫn là quốc trưởng của Greenland. 
Cảnh băng giá ở Greenland.  (cominganarchy.com)
         Sau gần 300 năm dưới sự cai trị của Đan Mạch,Greenland đã tiến 1 bước dài trong việc độc lập với Đan Mạch. Cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 nhằm đề nghị nhiều quyền hạn hơn từ phía Copenhagen đã được công nhận và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 6 năm 2009. Đan Mạch vẫn giữ lại quyền kiểm soát tài chính, đối ngoại, quốc phòng nhưng sẽ giảm dần trợ cấp hàng năm và từ bỏ quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trên đảo. (wikipedia.org)
       @Bermuda
       Có Thủ tướng và nội các cùng Quốc hội, là thành viên của CARICOM (Cộng đồng Caribê), tuy nhiên vẫn là lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh.


       @Đại sứ Palestine tại Hà Nội   
       Ông Saadi Salama đến Việt Nam năm 19 tuổi để theo học 4 năm đại học ở Khoa Tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó sống 8 năm nữa ở Việt Nam và hiện nay trở lại nước ta làm Đại sứ. Ông đã cưới một bạn học người Việt và có 4 con (1).
       ''Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập ngày 15-11-1988 thì ngày 19-11, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ và công nhận'' (2)  
Đại sứ Palestine tại Việt Nam cùng 2 con gái có 50% dòng máu Việt Nam (tuoitre.vn)
       Ngày 23-9-2011, Tổng thống Nhà nước Palestine kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Mahmoud Abbas, đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bản đề nghị công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ, công nhận Palestine là một quốc gia độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, và đường biên giới như được xác định vào năm 1967 sau cuộc chiến giữa khối Ảrập với Israel.(2)
       
-------

-Danh sách hội viên LHQ (193 nước) có ngày gia nhập hay ở đây (192 nước với bản đồ thế giới)
-(1) : Về Đại sứ Palestine tại Việt Nam : theo đường dẫn này.
-(2): xem thêm tại đây


-------

4 nhận xét:

  1. Hi3! Tui dốt chính trị,mù kinh tế,tệ hại với những thông số kỹ thuật,kinh độ - vĩ độ với tui là những cánh rừng đầy thách đố...Nên,hi3!,mạo nuội nghĩ...lung tung vầy:

    Xác lập quyền tự chủ và khẳng định tên tuổi của quốc gia mình trên bản đồ thế giới là minh chứng của một bản lĩnh,là niềm tự hào của bất kỳ một dân tộc nào,là nỗi khát khao không bao giờ ngừng nghỉ,không bao giờ cạn kiệt...Các con số rồi sẽ dày lên,từng ngày,sẽ như vậy!MICDAC

    Trả lờiXóa
  2. Con số là hữu hạn,
    Nhưng mỉa mai thay vì những hữu hạn ấy mà máu không ngừng chảy trên những đường biên,phục vụ cho những tham vọng điên cuồng của kẻ mạnh.
    Kẻ chọn việc thôn tính làm tôn chỉ lại tuyệt đối an toàn trong dinh thự.Người thấy rõ sự vô nghĩa lại phải vẽ đường biên kia bằng máu của chính mình.
    Nghịch lý nghìn đời...DOA

    Trả lờiXóa
  3. Có một tôn giáo mà sự tín ngưỡng luôn tuyệt đối, không có đường biên.Tôn giáo ấy chính là TÌNH YÊU.

    Co một ngôn ngữ vượt qua mọi giới hạn bởi sắc tộc: đó là ÂM NHẠC

    Có một cái đẹp mà bất kỳ mọi rào cản đều trở nên bất lực: đó là sức mạnh của HỘI HOẠ.

    Bất chấp mọi trói buộc hữu hạn,hữu hình...sức chinh phục của trái tim sẽ phá vỡ những đường biên thô cứng. COMAT

    Trả lờiXóa
  4. @ Xin thân chào bạn mới thứ 36 : **thU.
    Rất mong bạn thăm nhà MF thường xuyên và đóng góp ý kiến cũng...thường xuyên lun !
    Thân mến !

    Trả lờiXóa