Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

088- CHIẾC HUY CHƯƠNG CỜ VUA ĐẦU TIÊN

-------
       Các bạn còn nhớ cậu bé Jim trong chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Bangkok chứ ? Lần này chính miệng bé Sữa nhà Cà phê đã kể thêm về Jim như sau :
Huy chương vàng cờ vua đầu tiên của bé Jim
       @Đấu thủ bổ sung
       Hôm cuối tuần nọ, Chị Sữa hỏi Jim về chuyện thi đấu cờ vua ra sao rồi. Chẳng qua là Jim nhà ta được ba mẹ hàng tuần chở 2 buổi qua Trung tâm Thể dục Thể thao (TTTDTT) Quận 4 để học chơi cờ. Mục đích nhằm tìm hiểu năng khiếu của con mình. Ngoài ra còn để hạn chế tánh hiếu động thái quá của cậu bé (!). Tuần trước Jim thi đấu tuyển chọn gì đấy ở TT Quận 4.

Các bạn trong nhóm chơi cờ vua với chú bé Jim, đứng bên tay phải Cô Thủy dạy cờ vua, tại TTTDTT Quận 4.
      Jim vừa tự chơi cờ vừa trả lời, chỉ còn anh Khôi thi đấu tiếp, còn em Vinh và Jim bị loại rồi. Thế mà sáng hôm sau Chủ nhật, cậu bé bị đánh thức dậy bất ngờ để sửa soạn đi thi đấu !   
       @Đấu thủ còn ngái ngủ
       Không kịp ăn sáng ở nhà, ba vội vàng chở Jim đến nơi đang diễn ra Hội khoẻ Phù Đổng, thi đấu cho trường Jim đang học. Bé phải bỏ mất ván đầu vì trễ giờ và chỉ kịp uống hộp sữa tươi cùng nuốt vội miếng bánh mì ba mua dọc đường. Hic hic, còn ba lại chưa ăn gì !
       Số là chàng Jim nhà ta không có trong danh sách tuyển chọn của trường. Nhưng một trong các bé được lựa chọn đó không biết vì lí do gì lại bỏ cuộc. Thế là Cô Thủy dạy cờ ở Quận 4 giới thiệu Jim cho nhà trường (ở Quận 1). Thầy phụ trách gọi điện triệu tập cậu bé đang còn nằm trong chăn ngái ngủ đi thi đấu ! 

       @Chiến thắng 
       Bốn ván cờ tiếp theo Jim nhà ta thắng, trong đó có 1 bạn bỏ cuộc, giành được 4 điểm, đứng sau một bạn 4,5 điểm, đủ để đoạt huy chương vàng. Và đội của trường Jim được giải nhất đồng đội. Sau đó cậu bé được đưa vào đội tuyển để huấn luyện thi đấu cấp thành phố cho trường trong đội hình Quận 1 ở Hội khỏe Phù Đổng. 

Jim với chiếc huy chương cờ vua đầu tiên 
       @Bé Jim ở nhà
       Ba mẹ cho Jim ở phòng riêng nho nhỏ. Cậu bày biện la liệt sách vở trên bàn. Nhiều khi đang sắp cờ chơi một mình thì nhỏ em, Jen, chạy vào quơ bàn tay một cái là các quân cờ bay tứ tung. Hic hic ! Thế là kịch chiến xảy ra giữa hai anh em, với phần thua là...người lớn, vì phải dỗ dành, dàn hòa cả hai... cô cậu !

Bé Jim đang ngồi viết hay vẽ gì đấy trong phòng riêng mà không đúng tư thế chút nào !
       Đôi khi ba mẹ bận không để mắt tới, Jim ngồi học không đúng tư thế! Không biết bao nhiêu trẻ em Việt Nam ngồi học không đúng cách được thầy, cô, ba, mẹ,... sửa cho ?! Thêm nữa, cậu bé hay quậy em tới bến : chọc phá nhau om sòm !
      Thuở nhỏ Jim rất ham thích đọc và đếm số, nhờ đã được nhà trang bị cho nhiều bộ số bằng plastic để chơi. Lúc ba tuổi, cậu bé đọc được số hàng trăm ngàn tại sân ga Tháp Chàm, Ninh Thuận khiến cho Ông Cậu ngoài ấy cưng quá trời ! Và lúc chưa đi học nhờ bộ chữ, bé ráp và đọc không thông qua đánh vần, như người nước ngoài nói tiếng Việt không bỏ dấu! Nghe cũng vui tai...
       Còn chuyện tập đếm theo remote TV cáp nữa chứ : Jim cứ bấm tới bấm lui để xem số của các kênh. Lâu dần hình thành thói quen biết số nào kế tiếp số nào trong thứ tự tiến hay lui !
       @Món dọn thêm

Bé Jen ăn theo huy chương của anh Jim !


-------
-Mời bạn lên... máy bay sang Bangkok ở đây.
-------

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

087- CÁ BIẾT LEO CÂY HAY KHÔNG ?


-------
      Chim trên trời, cá dưới nước là chuyện bình thường. Nếu có loại cá nào ở dưới nước ít hơn trên cạn, mà lại có thể leo lên cây nữa, đó mới là chuyện lạ phải không các bạn ? 

Hình vẽ cá Thòi lòi trong rừng ngập mặn (www.mudskipper.it)
   Loài cá có tới hơn 90% thời gian không ở dưới nước chính là cá Thòi lòi. Chúng sống trong hang đào dưới lớp đất bùn lầy cửa sông, mương vườn. Lúc nước ròng, chúng nhảy trên bùn để kiếm thức ăn ; khi nước lớn lại nhảy trên mặt nước bắt mồi hay nghỉ ngơi hoặc rình mồi trên đá, trên cây. Và khi bị đe dọa, Thòi lòi mới vù lẹ xuống nước chạy trốn. 

Thòi lòi leo cây  (NAT GEO, số tháng 1-1972)
Bạn đếm thử xem bao nhiêu con Thòi lòi đeo bám trên cây ? (NAT GEO, số tháng 1-1972)   

       @Vài nét về Thòi lòi
       -Thở : bằng cách giữ nước trong miệng và khoang mang, khi nước không còn dưỡng khí-oxygen- nữa thì thay thế bằng nước sạch khác. Chúng cũng thở qua da do luôn luôn ở trong chỗ ẩm ướt và giữ ẩm miệng, da . Thòi lòi có thể chịu đựng mức dưỡng khí ít trong thời gian dài.

Xưa ai mang kính màu có thể được ví như Thòi lòi lên bờ đấy nhé ! (aqualandpetsplus.com)

       -Nhìn : Với cặp mắt nằm trên đỉnh đầu và tầm nhìn tuyệt vời cho phép chúng phát hiện con mồi và mấy kẻ săn mồi từ xa. Bạn cũng có thể thấy mắt Thòi lòi xoay lúc trộn nước trong khoang mang, giữ mang khỏi dính với nhau đồng thời cung cấp dưỡng khí để sinh tồn.

       -Di chuyển : Bằng cách nào chúng đi trên bùn, đất khô ? Sử dụng những cái vây trước ngực giống như chân và đảo thân mình, Thòi lòi có thể nhảy qua bùn và nước. Đây là cách tuyệt vời để tránh kẻ săn mồi. Chúng cũng dùng vây để nhảy trên mặt nước nhanh hơn bơi dưới nước.
Một điệu nhảy của chàng Thòi lòi đẹp mã thu hút phái đẹp đây chăng?(NAT GEO, số tháng 1-1972) 


Rõ ràng có 2 chàng đang chiến đấu : tranh lãnh địa, thức ăn hay...1 Miss/Ms/Mrs Thòi lòi nào đó dzây ? (sleep1937.tripod.com)

      -Ăn : Đây là loài cá nước lợ, thích ăn thức ăn tươi sống như tôm biển, sâu, ấu trùng muỗi, côn trùng (dế..), tôm nhỏ. Tuy nhiên chúng cũng không từ chối xơi cá khô, tôm đông lạnh...
     Nếu bạn nuôi làm thú cưng thì cho ăn mỗi ngày, nhưng coi chừng chúng bị bội thực nhé !
Chim lồng, cá Thòi lòi ...chậu ! (aqualandpetsplus.com)
       @Địa bàn sinh sống của Thòi lòi
          Mười tám loài đã được mô tả. Periophthalmus argentilineatus là một trong những loài phổ biến và nổi tiếng. Nó có thể được tìm thấy trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn  bãi bùn của Đông Phi  Madagascar về phía đông thông qua các Sundarbans của Bengal , khu vực Đông Nam Á đến Bắc Úc , phía đông nam Trung Quốc và miền nam Nhật Bản, đến quần đảo Samoa  Tonga (wikipedia.org) 
Phần màu đỏ là nơi phân bố chính của giống cá biết leo cây này. Nhưng dường như còn thiếu ! (www.aquamap.org)
Những chấm vàng nêu lên vùng cư trú rộng rãi hơn của loại Thòi lòi Periophthalmus argentilineatus (discoverlife.org)
     
  Thòi lòi Periophthalmus argentilineatus trên tem thư của đảo quốc FIJI (www.marinespecies.org)

        @ Nếu -một -ngày -Trái -Đất -thiếu Thòi lòi ...
        Thuở một ngàn chín trăm...hồi đó, chắc hiếm người đi bắt Thòi lòi về làm thức ăn. Thế mà hiện nay, loài cá này đang trở thành ''đặc sản'' trên thị trường ''ăn nhậu'' Việt Nam,(*) vì một trong những lí do có thể là : Thân cá tuy xấu xí nhưng thịt Thòi lòi được xếp vào loại ngon (*)

Phút...thư giản trên cây chăng ? (mudskipper.org)
       Vậy bạn đừng ngạc nhiên khi cháu /chắt /chút /chít của bạn sẽ phải tìm hiểu về cá Thòi lòi trong sách vở, thư viện hay bảo tàng động vật. Vì nếu chỉ ăn mà không biết, chưa biết tìm cách cho sinh sản nhân tạo loài cá này sẽ dẫn tới viễn cảnh kể trên nhé ! Chuyện này dành riêng cho các bạn nào say mê môn Sinh vật đó. Hi-hic !

        @Vài hình ảnh nữa về Thòi lòi
        Mấy hình dưới đây trích trong 1 đoạn video từ trang Youtube, bạn có thể xem theo đường dẫn này
Một góc rất bé tỉ ti của rừng ngập mặn 
Giống như Thòi lòi đang tâm sự cùng chàng ...rễ  Bần thì phải !
    
Trên đỉnh bình yên ngắm cảnh ...
...con người phải lao khổ vì ...Thòi lòi : quay phim, chụp ảnh, cả viết blog và...xem blog nữa !  
-------
 (*) : Chuyên đề SỨC KHỎE cuối tuần số 263-Báo Khoa học phổ thông, từ 26-8->1-9-1011-''Cá Thòi lòi, thịt bò của nhà nghèo''
-------

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

086- CỐ NHÂN VÀ CHÙM THƠ ngày gặp lại


-------
Dưới là khói trên là mây. Sẽ gặp nhau ở tầng trời thứ mấy ? (Lộ 885, sáng 04-9-2011)

       Tuy chưa khai giảng năm học mới, nhưng học sinh Việt Nam đã lũ lượt đến trường từ khi chưa hết kì nghỉ hè ! Càng thấy con cháu mình chuẩn bị bài vở, càng nhớ thêm thời cắp sách đến trường. Thế nên nhóm cựu học sinh lớp A do thầy Hoàng Văn Sửu- giáo viên môn Văn- chủ nhiệm cả 3 năm : 10, 11, 12 cùng tập hợp lại vào ngày 04-9-2011 để ôn chuyện cũ, nói chuyện mới !
       Khoảng 20 học sinh tốt nghiệp PTTH năm 1979, đã mời thầy chủ nhiệm từ Bình Phước xa xôi trở về từ vài ngày trước, cùng với thầy Ngô Ngọc Xuân dạy tiếng Pháp, thầy Phạm Ký Hiêng dạy Hóa (và cũng là Hiệu trưởng lúc ấy) đến dự họp mặt. 
       Là giáo viên môn Văn, không còn đứng lớp nữa, nhưng nghệ sĩ tính vẫn tràn đầy, thầy Hoàng Văn Sửu đọc một chùm thơ 3 bài do mình viết. Qua đó, cho thấy đây không phải là một người thợ-dạy, mà là một người thầy vẫn còn đầy tâm huyết với môn Văn...

       @ LẠ
       (Mới giải phóng 30-4-1975)

       Đường miền Nam rất lạ
       Có những chiếc xe lôi
       Kéo cuộc đời tàn tạ
       Đi về đâu chân trời ?

       @ĐÂU PHẢI LÀ QUÊ
       (Tặng Ba Tri năm 1975)

       Chiều chiều ra đứng cửa Ty
       Nhìn xe đò xuống Ba Tri muốn về
       Nơi đây đâu phải là quê ?
       Mà sao cứ nhớ bộn bề ruột gan !

       @CÁI NHẦM VÔ DUYÊN
       (Về họp lớp chủ nhiệm HS trường PTTH Giồng Trôm xưa)

          Đã lâu về lại Bến Tre
       Nhầm đường, mắc cỡ chính quê hương mình :
          Đổi thay đến nỗi giật mình
       Đường quen thành lạ chắc tình phôi phai
          Đường vô thành phố đâu dài ?
       Mà xe đi mãi đi hoài...đến chưa ?
          Hỏi thăm Giồng Trôm quê dừa
       Tưởng đùa nên chỉ dây dưa thêm phiền
          Thiệt tình nhớ nhớ quên quên
       Nhầm đường lại hóa vô duyên nực cười !
          Nhầm đường như thế thì thôi
       Cứ mong nhầm mãi chốn nơi đi về.

       @Một số hình ảnh cố nhân gặp nhau

Thầy chủ nhiệm Hoàng Văn Sửu , Lớp trưởng Võ Thành Hạo .
Từ trái sang : Thầy Hoàng Văn Sửu đang đọc thơ, Lớp trưởng Võ Thành Hạo, Thầy Phạm Ký Hiêng (có nhắc ở bài số 084), Thầy Ngô Ngọc Xuân (năm nay 81 tuổi).


Cô Hà Thị Yến (đã gặp ở bài số 084) và cô Giang, 2 HS của lớp.



       














       @ Món dọn thêm


Khói đốt đồng, nhìn từ Lộ 885 ở Đồng Gò, sáng 04-9-2011.
Từ Lộ 885, Đồng Gò nhìn sang phía Phong Mĩ.
 *Muốn xem ảnh lớn hơn, xin click vào ảnh từ 2->3 lần, bạn sẽ được như ý !
-------
*Mời bạn xem entry số 084-ĐƯA HỌC SINH ĐI THI ĐẠI HỌC:...
*Hay entry số 073- NHẠC SĨ CHÂU KÌ ĐÃ VIẾT BÀI  HÁT ''NHỚ TRÚC GIANG'' ?
-------