Tuy chưa khai giảng năm học mới, nhưng học sinh Việt Nam đã lũ lượt đến trường từ khi chưa hết kì nghỉ hè ! Càng thấy con cháu mình chuẩn bị bài vở, càng nhớ thêm thời cắp sách đến trường. Thế nên nhóm cựu học sinh lớp A do thầy Hoàng Văn Sửu- giáo viên môn Văn- chủ nhiệm cả 3 năm : 10, 11, 12 cùng tập hợp lại vào ngày 04-9-2011 để ôn chuyện cũ, nói chuyện mới !
Khoảng 20 học sinh tốt nghiệp PTTH năm 1979, đã mời thầy chủ nhiệm từ Bình Phước xa xôi trở về từ vài ngày trước, cùng với thầy Ngô Ngọc Xuân dạy tiếng Pháp, thầy Phạm Ký Hiêng dạy Hóa (và cũng là Hiệu trưởng lúc ấy) đến dự họp mặt.
Là giáo viên môn Văn, không còn đứng lớp nữa, nhưng nghệ sĩ tính vẫn tràn đầy, thầy Hoàng Văn Sửu đọc một chùm thơ 3 bài do mình viết. Qua đó, cho thấy đây không phải là một người thợ-dạy, mà là một người thầy vẫn còn đầy tâm huyết với môn Văn...
@ LẠ
(Mới giải phóng 30-4-1975)
Đường miền Nam rất lạ
Có những chiếc xe lôi
Kéo cuộc đời tàn tạ
Đi về đâu chân trời ?
@ĐÂU PHẢI LÀ QUÊ
(Tặng Ba Tri năm 1975)
Chiều chiều ra đứng cửa Ty
Nhìn xe đò xuống Ba Tri muốn về
Nơi đây đâu phải là quê ?
Mà sao cứ nhớ bộn bề ruột gan !
@CÁI NHẦM VÔ DUYÊN
(Về họp lớp chủ nhiệm HS trường PTTH Giồng Trôm xưa)
Đã lâu về lại Bến Tre
Nhầm đường, mắc cỡ chính quê hương mình :
Đổi thay đến nỗi giật mình
Đường quen thành lạ chắc tình phôi phai
Đường vô thành phố đâu dài ?
Mà xe đi mãi đi hoài...đến chưa ?
Hỏi thăm Giồng Trôm quê dừa
Tưởng đùa nên chỉ dây dưa thêm phiền
Thiệt tình nhớ nhớ quên quên
Nhầm đường lại hóa vô duyên nực cười !
Nhầm đường như thế thì thôi
Cứ mong nhầm mãi chốn nơi đi về.
@Một số hình ảnh cố nhân gặp nhau
Thầy chủ nhiệm Hoàng Văn Sửu , Lớp trưởng Võ Thành Hạo . |
Từ trái sang : Thầy Hoàng Văn Sửu đang đọc thơ, Lớp trưởng Võ Thành Hạo, Thầy Phạm Ký Hiêng (có nhắc ở bài số 084), Thầy Ngô Ngọc Xuân (năm nay 81 tuổi). |
Cô Hà Thị Yến (đã gặp ở bài số 084) và cô Giang, 2 HS của lớp. |
Khói đốt đồng, nhìn từ Lộ 885 ở Đồng Gò, sáng 04-9-2011. |
Từ Lộ 885, Đồng Gò nhìn sang phía Phong Mĩ. |
-------
*Mời bạn xem entry số 084-ĐƯA HỌC SINH ĐI THI ĐẠI HỌC:...
*Hay entry số 073- NHẠC SĨ CHÂU KÌ ĐÃ VIẾT BÀI HÁT ''NHỚ TRÚC GIANG'' ?
-------
Đường về tim không lạ,
Trả lờiXóaVành vạnh một đường cong,
Chân trời trông rõ quá.
Tay nối những vòng tay,
Ăm ắp những nhịp đầy!
Nắng vàng như mật nghệ
Xuyên suốt giọt chiều rơi.
Quê là nơi tim ở,
Nên gan ruột tìm về!
Đường quen hoá lạ
Không phải tình phai,
Mà bởi tim đầy
Nuôi hoài ký ức!
Mong nhầm hoài nơi đến,
Thầm lạc mãi chốn về...
Là ấp ủ bộn bề
Khúc du ca...tuyệt tác???CCK
Tui hít thật sâu, nghe rõ mùi khói ngàn ngạt, thơm thơm, ngai ngái... Không thể tả nổi để đủ hình dung, mường tượng vì có cả cái âm ẩm của đất, cái dìu dịu sương chiều...
Trả lờiXóaChỉ biết là tui nhớ NHÀ quá đỗi!
Nhớ bờ ruông ngày mới tập xe tui cắm đầu lộn ngược, ê ẩm, lấm lem. Gốc rơm xưa tập làm nông dân tui cứa ngọt tay mình, tay tui chảy máu mà tay Mẹ lẩy bẩy run. Có bao nhiêu con còng còn trốn trong gốc rạ không kịp thoát thân khi ngon lửa liếm vào? Ừ, khói đốt đồng sẽ nồng cả mùi con còng bị hoá thành tro.
Còn nữa nghe, xưa tui còn phát hiện ra con bà chằn, hiền như cục đất bò thì dài, chạm phải thì tròn hệt cái nón cối, không cắn nổi ai, không thốt thanh âm nào mà cái tên nghe đủ doạ mất hồn.
Ngộ chừng đủ để se thành muôn dấu hỏi trong cái bờ đất ngỡ là hữu hạn nơi ở quê tui...
Nhớ quá trời !!!
Cảm ơn những tấm ảnh khói-đồng-quê !!! COMAT
Là cái để phân biệt người này và người khác,nhờ nó mà ta không lẩn khuất dẫu ngay giữa đám đông.Ta không bị lãng quên dù đã rất lâu,rất sâu trong lòng đất lạnh,hihihi!
Trả lờiXóaCái tôi vì vậy dễ thương lắm,ghét sao được,hen!!!DUE
cái từ "thợ dạy" của tác giả nghe hay mà đau xót gì đâu!
Trả lờiXóa