Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

005-CÓ TIẾNG NÓI NÀO LÀ TIẾNG MĨ LATINH KHÔNG ?

        @ Đang lang thang trên mạng, bỗng thằng Cà phê Sữa kêu to lên với bạn tôi để hỏi về một ý trên tờ báo điện tử này :

Tựa bài " Nước Mỹ ...." của tờ Tuần Vietnam.net số ra ngày 27-8-2010

         Trong bài Nước Mỹ trong "mắt" truyền hình Nga có nói tới truyền hình Nga "phát sóng chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha, Mỹ latinh và A-rập". Ý thằng nhỏ muốn hỏi vậy tiếng Mĩ latinh là thứ tiếng gì ba biết không...

Đoạn cần phải bàn vì người dịch cho rằng trên đời có thứ tiếng gọi là tiếng Mỹ latinh
      Làm sao mà có thứ tiếng đó được con. Tây Ban Nha (TBN) và Bồ Đào Nha (BĐN) là hai thứ tiếng thông dụng ở Mĩ latinh, chớ làm gì có thứ tiếng gọi là Mĩ latinh. Brazil là nước nói tiếng BĐN, các nước còn lại đa số nói tiếng TBN, đương nhiên những thuộc địa cũ của nước nào ở châu Âu thì nói thứ tiếng của nước-mẹ. Chúng thuộc ngữ hệ latinh, nên ta thường gọi các nước từ Mexico trở xuống tận cuối trời Nam Mĩ là Mĩ latinh, kể cả quốc gia ở vùng biển Caribê.
        Thế sao trong đây lại nói vậy hở ba, Cà phê Sữa vẫn còn thắc mắc. Để ba xem có gì trục trặc không nào... Bạn tôi bèn tìm bài báo gốc trong tờ báo gốc của  ANDREW E. KRAMER  với tờ THE NEW YORK TIMES thì thấy có những dòng như sau:

 .....
Đoạn nguyên văn của tờ The New York Times (Xin để ý đến 3 từ " in "ở dòng đầu tiên)
         À, thì ra có tí ti lầm lẫn đây mừ. Ý  của xừ ANDREW E. KRAMER là kênh (truyền hình cáp) Nga cũng phát hình bằng tiếng TBN ở Mĩ latinh và (phát hình bằng tiếng) Á  rập ở Trung Đông...Chắc chắn không có ý gì là tiếng Mĩ latinh cả, nghe không Cà phê Sữa, con ui. 
        Tội nghiệp con tui, tí tuổi đầu mà phải chống chọi với hầm-bà-lằng rác thải...Mà khổ thay, nó nằm chà-bá tới hai nơi trong bài báo nói trên. Thêm một chú thích ảnh lặp lại "tiếng Mỹ latinh" đã nêu:

      Đây là ảnh gốc, kèm chú thích của The NYTimes :
         @ Bạn thân mến của tôi ui, bạn nghĩ gì về chuyện liên quan nhau giữa các môn học ở trường phổ thông ? Có những người bạn cùng học mà tới bi giờ vẫn không thể quên được : người giỏi Văn và các môn xã hội, người vượt trội ở Toán (lun đạt điểm 10) và các môn tự nhiên khác, đồng thời không kém cạnh ai ở Sử, Địa, Ngoại ngữ,...Hichic, bạn có đồng ý là môn này giúp ích không nhỏ cho môn kia sau thời gian rời khỏi mái trường không ?  

          @ Phụ chú: Mĩ latinh là vùng này nè, chịu khó vô Google gõ vài từ là ra ngay  thôi (có phần các  thứ tiếng  thông dụng ở đây nữa), thằng Cà phê Sữa nhà bạn tôi nó làm cũng được đó, kể cả con em gái nó là Sữa-Cà phê. Tạm thời ta tin thằng WIKI một tí đi há.
Bản đồ Mĩ latinh

004-TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA

       @ Từ một nơi xa...
      Một người đàn ông trông như dân lao động vất vả,đi xe đạp ở một xứ tương đối giàu so với xứ rừng vàng (đang cho mướn), biển bạc (đang bị lấn). Người ta cho  rằng họ có đến 18 triệu xe hơi du lịch/26 triệu dân. Trên tay ông cầm một vỏ chai PET. Vài giây sau vỏ chai không đó được bỏ vào thùng rác. Một việc rất bình thường như chuyện hàng ngày ở ...gần khu phố Tàu tại Kuala Lumpur, Malaysia. Không ngờ có người theo dõi để chộp cho được tấm hình, ông ta thản nhiên lên xe đạp, có lẽ về nhà sau một ngày lao động.
         Người ta gieo lúc nào mà gặt lúc này ? 
 Hai xe đạp giữa Thủ đô Kuala Lumpur. Chú ý  vỏ chai PET xanh trên tay người dắt xe
                                                                                                             
Vỏ chai PET đã được bỏ vào thùng rác. Đoạn đường phía trước là Khu phố Tàu ở  Kuala Lumpur, Malaysia
   
         @ ...đến chỗ gần:
         Những học sinh có tâm hồn...ăn uống, và hơi bị...lười rất sẵn sàng vứt bỏ những gì có trong tay sau khi sử dụng đồ ăn, thức uống (đừng nói vắt -chanh- bỏ -vỏ à nghen): bao nilông, vỏ hủ yaourt, túi đựng bánh mì ngọt, hộp sữa không,...trăm thứ, từ trong lớp học bay ra theo khuôn bông thông gió một cách...bao la


      Tại sao lại thế này ? Vì trong lớp cũng chẳng kém gì bên ngoài cả, bỏ ở đâu cũng vậy, tiện đâu bỏ đấy cho...gần (!)

          Thôi thì ăn- trong- giờ- học hay vào giờ ra chơi, xong cứ vứt bao bì, vỏ hộp ra ngoài cho khỏi đi xa tới giỏ rác. Không cần biết ai sẽ dọn dẹp, hay ai sẽ xây dựng nhà trường xanh sạch đẹp gì sất. 
          Chúng ta đang gieo những gì đây? Lúc nào sẽ gặt ?

         @ Có lẽ nên nói với trẻ em những gì là là sát mặt đất, dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Không nên nói với chúng những gì mà ngay cả người lớn chưa chắc đã hiểu thấu đáo. Có khi ngay chính người rao giảng cũng mù mờ, chưa chắc đã biết rõ, chưa chắc đã tin. 
         Hi...hi...! 



      

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

003-VÀI CHUYỆN NHỎ QUANH CHIẾC PHÀ LỚN

         @ Một thời đã xa...
         Ngày xửa ngày xưa, thời gạo ăn đong theo kí, bạn tôi kể có lần dẫn bạn của bạn tôi về vùng có hai cù lao lớn: Bảo và Minh. Là sinh viên, có phần... tiết kiệm tiền hớt tóc, nên để tóc dài phủ ót, phủ tai. Vài tháng mới về quê một lần, đâu biết rằng xứ Dừa lúc ấy trong một số cơ quan có treo gần cổng những câu đại loại như: Nơi đây không tiếp thanh niên tóc dài, ăn mặc lố lăng... Và cũng lúc ấy còn nghe đồn rằng dọc đường người ta hay đón những nam thanh niên để tóc dài -để cắt tóc, hay những người mặc quần tây ống túm- để rạch ống...Hai người bạn vừa qua bên này phà Rạch Miễu, đã phải tìm cách trốn chạy, vì thấy có những nam thanh niên tóc dài bị chận lại...

         
       Lạc nhau, bạn tôi đón xe về quê vùng biển thuộc cù lao Bảo. Còn anh bạn không rành đường, đi tuốt qua cù lao Minh, đến tối mịt mới tìm về được nhà bạn mình. Cũng nghe nói ở thời điểm ấy, nhạc sĩ NVT, người viết một ca khúc về xứ Dừa, cũng bị ...hỏi thăm sức khỏe vì mái tóc dài nghệ sĩ, không rõ có thật không?
Trên phà là những phút thư giản



Tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức . (Phà thời nay)

     Qua thời kì Đổi mới, chuyện tóc tai, áo quần...chỉ còn là nhỏ như con thỏ. Chú ý tới bữa ăn của bà con được bi nhiêu thịt, cá, rau, đậu,...đủ dinh dưỡng chưa ; bà con đầu tư bi nhiêu cây vàng để mở ra bi nhiêu xí nghiệp sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập lậu... mới là chuyện chính. Chớ trong xu thế toàn cầu hóa, các bạn Thái, Hàn, Nhật, Tây,...sang ta làm ăn, du lịch nhiều và ngược lại cũng không kém. Thế thì ôi thôi, nào là tóc dài, tóc trọc, quần lửng, áo dài quá gối hay hở rún, hở vai, thậm chí áo ngắn không che nổi nội y ló lên trên dây thắt lưng...phổ biến, tạm gọi là ra ngõ gặp...tùm lum. Thế thì hơi sức đâu mà đi làm những chuyện ...như thời quân quản, hén bà con !

       @ Thời đã xa...
     Một ông thầy dạy bạn tôi lúc còn học trung học phổ thông, đã gọi những người nam hay đứng gần sát gốc cây nhằm giải quyết viêc xả lũ, không thể nín nhịn được, là NGƯỜI VIỆT GỐC...CÂY. Nhìn vào hình ảnh này thật không hay tí nào cho một quê hương cần xanh sạch đẹp, văn minh...để đón du khách hay nhà đầu tư. Nhưng ngẫm lại, còn vấn đề gì chưa giải quyết ở đây ? Và ...gốc cây, gốc cỏ như thế thì được, mất những gì ?
     Đó chỉ vì ta chưa có nơi thích hợp, xây dựng thành hệ thống để cho người qua đường có chỗ đi vệ sinh- các toalet. Ven đường chưa có nhiều quán, nhiều nơi để khách hàng, thậm chí chỉ người qua đường có thể giải quyết chuyện tế nhị một cách vui vẻ (*). Thôi thì để tránh chuyện bể bọng đái hay phải nín nhịn nhiều lần, ngày lại ngày có thể ...sinh ra sạn thận, ... cánh mày râu dạn dĩ, hoăc say xỉn, sẽ thành... Người Việt Gốc Cây. Ngày nay phổ biến việc che khẩu trang tránh bụi, nên có ai biết ai đâu mà ngại ! Thà-rằng-như- thế, còn hơn phải vô bệnh viện. Ai tốn tiền, ai chăm sóc ? Hehe. 

    Chuyện kể về một đám cưới rước dâu từ một tỉnh vùng đồng bằng sông nước về cao nguyên thông reo. Dọc đường sau khi đến các cây xăng hay chỗ dừng nghỉ để giải quyết các bầu tâm sự, mọi người đều nhẹ nhõm. Chỉ trừ cô dâu, có thể do bộ áo cưới lùm xùm, có thể do mắc cỡ, cũng có thể do chú rể chưa quen quan tâm chăm sóc cục cưng, nên khi về đến nhà trai thì cô dâu phải vào bệnh viện để cấp cứu. Và câu chuyện kết thúc không có hậu chút nào, ngày vui thành ngày buồn.
     Còn đây là NGƯỜI VIỆT GỐC... GÌ ? Thà- rằng- như- thế (!).
Còn phà, còn nước, còn non. Còn cô bán rượu anh còn xả lu (lũ)
    
         @ Đã xa...
     Quê hương, không hẵn ai đi xa cũng nhớ nhiều, bạn nhỉ ? Một bạn của bạn tôi ở xa quê, có thể do quá bận rộn đối phó với đời, nói rằng ít khi nhớ về quê nhà, về bạn bè dưới miệt vườn. Chỉ khi nào bước chân xuống phà, có thời gian nghỉ ngơi chừng trên dưới 30 phút, lúc ấy cuốn phim dĩ vãng mới kịp quay lại. Nào bạn thời đi học cấp một, cấp hai, cấp ba, bạn thời gian khổ đi đào kênh, đắp lộ, bạn thời đói kém chia nhau mớ rau, trái bắp...     
     Nay phà đã không còn qua lại nối hai bờ Tiền Giang- Bến Tre, không còn những phút nghỉ ngơi tìm về dĩ vãng. Thế bạn hỡi, bây giờ nhớ gì khi ngồi trên chuyến xe êm như ru qua cây cầu dây văng, mà ngày xưa muốn qua sông đã phải ...lụy phà ?

    
         @ Xa...
     Làm gì còn những phút giây ngắm mưa trên sông nước như thế này, bạn nhỉ ! Tất cả thật sự đã xa thật rồi.
Phà về Bến Tre trong mưa

(*) Xin xem chỗ đi vệ sinh -toalet, WC-có thu phí 2.000 VNĐ/lượt trong nhà dân ở bến phà Neak Loeung, Campuchia (7-2010). (Chú ý đến tấm bảng đa ngữ Khmer-Anh-Việt)
Một nơi giải quyết chuyện... tế nhị cho khách đường xa ( ở bến phà NEAK LOEUNG, CPC) 


   ---------  
    
     

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

002-Con sâu trong nồi canh

 ---------
          Nhà xuất bản DK (Dorling Kindersley) có những cuốn sách cực hay. Các bạn tôi ai nấy đều mê tít. Nào là về kiến thức phổ thông, Lịch sử, Địa lí,...Thậm chí cả Atlas Địa lí cũng có xuất bản. Đó là chưa kể những đĩa Multimedia đủ thể loại.
Một trong những sách Địa lí của nhà  DK
     Có hôm bạn tôi dẫn con trai vào một nhà sách vào loại lớn ở xứ ta. Thằng nhỏ thích sách, nhất là loại vui vui, có hình ảnh, chắc giống mẹ nó. Cu cậu ở nhà thường say mê đọc sách đến nỗi vào giờ ăn mẹ kêu cũng không màng. Lần này thằng con đòi mua quyển Bách khoa bằng hình của nhà xuất bản nói trên được Việt Nam hóa, là cuốn này:


     Hai cha con đều muốn mau mau rinh cuốn sách về nhà. Nhưng với kinh nghiệm  nhiều năm mua sách, bạn tôi bảo thằng Cà phê Sữa -nickname của thằng con- đừng nên nóng vội, hãy xem mặt cô dâu trước khi rước nàng về dinh. Ông bố bèn lật xem vài trang. Trời không muốn bạn tôi mất tiền vào bữa đó nên xui cho bàn tay hắn tìm mục Địa lí (hihi, sao lại Địa lí !). Thế là có chuyện xảy ra. Đây là trang có tên "Địa lý" (lẽ ra là GEOGRAPHY), mà phần tiếng Anh lại in là "GEOLOGY" (Địa chất):
Địa chất - Địa lí : bà con. Nhưng không ruột thịt như là một đâu !

      Coi bộ hơi cực đoan, bạn tôi nhất quyết dùng quyền làm bố, không chịu mua cuốn Bách khoa có con sâu nằm chình ình trong đó như thế. Biết đâu còn hàng hàng lớp lớp sâu mai phục nữa thì sao ? Chao ôi, dù là cùng dòng họ nhà Địa (GEO) nhưng đâu thể lẫn lộn như thế được !
       Chắc lỗi này thuộc về anh đánh máy hay anh thợ sắp chữ chăng ? Hơhơ, huhu ! May quá chưa mất tiền ! Nhưng bạn tôi buồn cười và cười buồn cho nhà DK mà muốn rớt cả hàng tiền đạo ngoại binh luôn đó bà con ui. Còn thằng Cà phê Sữa thì tiu nghỉu.

         @ Thêm món nữa (quảng cáo không công cho nhà DK)

Cà phê Sữa thấy cuốn này cũng thích !


 ---------    

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

001-SGK : Nước Mĩ hiện nay có bao nhiêu bang ?

---------        
          @ Chuyện xưa
         Câu hỏi xưa như Trái đất í.Thật ra trong thời đại nối mạng toàn cầu như hiện nay, tìm ý trả lời cho câu hỏi vừa nêu thì không khó, nhất là đối với những người có thể sử dụng ngoại ngữ. 
         Trong sách giáo khoa (SGK) Địa lí lớp 11 chương trình cũ của nhà xuất bản (NXB) Giáo dục in năm 2002, bài Hoa Kì, trang 44 ghi nhận là Hoa Kì có "48 bang nằm ở phần trung tâm lục địa Bắc Mĩ  và 2 bang sau này mới sáp nhập là Alaxca...và Haoai..". Tất cả là 50 bang.

         @Chuyện nay  
         Trong chương trình cải cách, SGK Địa lí 11 cơ bản cũng của NXB Giáo dục in năm 2010, bài Hợp Chúng Quốc Hoa Kì, suốt từ trang 36 đến hết trang 46 không thấy nói đến số tiểu bang của nước Mĩ.
         Bạn tôi lấy làm lạ. Vì cờ Mĩ hiện nay có 50 ngôi sao tượng trưng cho 50 tiểu bang, mà SGK Địa lí Việt Nam không đề cập đến ý này. Bạn- của- bạn- tôi trả lời, đại khái là cái gì ở cấp II có dạy rồi, lên cấp III không cần đề cập lại. Nhưng khi xem chương trình Địa lí cấp II, chỉ nói đến các châu lục, không đề cập đến quốc gia nào cụ thể như ở lớp 11 cả. Xem ra, bạn không được thành thật rùi, chỉ lấp liếm cho lấy có mà thui ! Buồn !
        Thế là SGK Địa lí Việt Nam cải cách đã bỏ qua sự tương quan về "Sao (và Sọc) với các tiểu bang" trên quốc kì Mĩ rồi. 

         @ Một cách làm việc  
         Do đó, bạn có ngạc nhiên không khi thấy nơi trang 29, cuốn "Em tìm hiểu Quốc kỳ và vị trí các nước trên thế giới", của NXB Thanh Niên, in năm 2006 viết :"...cứ mỗi tiểu bang mới gia nhập vào Hiệp Chủng Quốc thì trên lá cờ sẽ tăng thêm một ngôi sao. Nước Mỹ hiện nay có 52 tiểu bang nên trên quốc kỳ Mỹ chúng ta thấy có tổng cộng 52 ngôi sao" (!). Ở đây ta chỉ bàn đến các con số thôi, các bạn của bạn tôi ơi, thấy kinh khủng chưa nào ?
         Mời bạn vui lòng đếm số ngôi sao trên quốc kì Mĩ có trên trang 29 của cuốn sách vừa nêu và xem kĩ 3 dòng cuối trang 29 dưới đây: 

(Em tìm hiểu Quốc kỳ và vị trí các nước trên thế giới, NXB TN, HN, 2006, trang 29)
 Xin chú ý 3 dòng cuối cùng và số ngôi sao đang có trên cờ Mĩ bên trên     
         Cuốn sách trên xuất bản vào tháng 8 năm 2006, đến năm 2007, SGK Địa lí 11 cải cách mới ra lò. Có nghĩa ảnh hưởng của SGK cũ vẫn còn, mà chữ-đã-trả-cho-thầy... huống hồ SGK mới không hề đề cập tới sự thật rành rành là hiện nay Mĩ có 50 bang tương ứng với 50 ngôi sao trên quốc kì. Thế là lớp học sinh về sau đâu có chữ để trả ! Hihi... Ở đây không biết ai phải tìm hiểu nữa..? 

         @ SGK : in rõ Hoa Kì có 50 tiểu bang. Tại sao không ? 
         SGK mới ơi, hà tiện gì mà sao không in vài dòng về vấn đề nước Mĩ có bi nhiêu tiểu bang? Hay không cần biết người biết ta, cứ mặc cái chưa được đúng...tung hoành ! Hay để EM mua cuốn này xem mà rèn được kĩ năng tìm tài liệu trên ...mạng ! Ý tốt quá đấy nhé !

         @" Mày đây hả Bưởi"
         Hình thức rất bắt mắt, thân thiện, mà ai ngờ sâu cũng nằm trong đó, trang 29 !

Nếu không sửa chữa khi tái bản, bạn có nên mua để "...tìm hiểu quốc kỳ và..."không?
       @Món dọn thêm (bổ sung : 26-11-2011)
       Các bạn có thể xem ở đây về bản đồ Hoa Kì với 50 bang/tiểu bang. Hay theo đường dẫn này để có thể xem thêm.
       @@ Thêm món đắng cay : (bổ sung 18-8-2014). 
       Bài gốc đăng cách đây 4 năm chỉ bàn đến mấy con số. Giờ thêm món vừa đắng vừa cay :  Hic hic, chưa nói đến cách viết : dư từ ''vào'' trong nhóm''gia nhập vào''. Đã có nhập rồi mà còn vào nữa là sao ! Viết vậy chẳng khác nào nói -dư như này: sông Cửu Long giang / nhà khoa học gia/  tái diễn lại/...
Mời các bạn xem lại đoạn trích được tô xanh bên trên của cuốn sách nhé. Và đây cũng là lỗi của SGK Địa lí lớp 11, bài Hoa Kì, trang 36, in vào tháng 5-2010, ở dòng thứ 3 từ dưới đếm lên, khi nói về vị trí địa lí của Hoa Kì " -Nằm giữa hai đại dương lớn ..". Bó tay luôn cho sách giáo khoa !!!
---------