Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

054- QUA THIÊN TAI, NÓI VỀ NHẬT BẢN

--------
          Cậu nhóc Cà phê Sữa đọc tin trên báo thấy chuyện cảm động về một em bé 9 tuổi người Nhật. Cha mẹ đã chết trong thiên tai vừa qua, em đang sắp hàng chờ lãnh lương thực cứu đói. Được một bác Cảnh sát Nhật -gốc Việt- choàng áo khoác, cho khẩu phần lương khô. Sau khi cảm ơn, em lặng lẽ mang phần được tặng riêng lên để chung vào nơi người ta sẽ phân phát cho mọi người ; rồi trở lại chỗ cũ xếp hàng tiếp tục (1).   
         Nước Nhật với em bé như thế, cũng đáng để bác cháu nhóc Cà phê Sữa kể chuyện lắm chứ ! 

         @Vòng lửa Thái Bình Dương 

Bản đồ : Vòng lửa Thái Bình Dương . (wikipedia.org)
        Đây là vòng cung thuộc Thái Bình Dương kéo dài từ New Zealand dọc theo cạnh đông của châu Á, lên phía bắc ngang quần đảo Aleutian của Alaska, vòng xuống phía nam chạy dài theo bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mĩ. Vòng lửa này gồm hơn 75% núi lửa đang hoạt động và tạm ngưng hoạt động của thế giới.
         Đất nước Nhật Bản nằm trọn trong vòng lửa này như trên bản đồ cho thấy (gần chữ RING). Hay nói cách khác, nước Nhật nằm trên ngã tư, nơi gặp nhau của 4 mảng kiến tạo : Thái Bình Dương, Philippin, Âu Á và Bắc Mĩ.

         @Nhật Bản : sống chung với động đất, núi lửa, sóng thần
         Có đất nước nào ghi nhận tới 1500 lần động đất lớn nhỏ hàng năm như Nhật ? Lớn như 1923, xảy ra ở vùng Kanto làm khoảng 130.000 đến 140.000 người chết. Hay gần đây năm 1995, ở Kôbê chết 6.425 người. Nay thì đến Sendai ở đảo Honshu.

Chịu ảnh hưởng nặng nhất của trận động đất 3-2011: Sendai (đỏ), kế đến : cam  -> vàng...Nơi chịu ảnh hưởng sóng thần : xanh lá cây (www.japan-guide.com)


Vùng chịu ảnh hưởng của động đất vừa qua.(newsnews.org)

Đường giao thông hư hại vì động đất ở Niigata- (www.notre-planete.ino)

         Riêng núi lửa hoạt động ở đất nước nay đã chiếm 10% tổng số núi lửa trên Trái đất. Nhiều nhất ở đảo Honshu : 46 - Hokkaido : 23,...



Núi lửa đang hoạt động ở Nhật (solidorne-lescigales.org)
          Ngoài ra đất nước Nhật Bản còn liên quan đến một thiên tai khác : sóng thần -tsunami. Đây chính là một từ Anh gốc Nhật, cho ta thấy ở đây sóng thần thường xuyên và dữ dội như thế nào.

Tsunami khi vào gần bờ nước cạn sẽ đi chậm lại và gia tăng chiều cao. (wikipedia.org)
Sóng thần tràn vào bờ biển (static.onemansblog.com)
         
          Bài học từ nước Nhật trong thiên tai vừa qua, báo chí nói đến nhiều. Thái độ bình tĩnh, trật tự, tử tế, hi sinh bản thân thật sự vì cộng đồng,... Có phóng viên Trung Quốc khâm phục nói là, phải 50 năm sau TQ mới theo kịp (1).

Cảnh tang thương trong một lớp học sau thảm họa. (in.news.yahoo.com)
         @ Nhớ về hai bạn Nhật: Konishi và Okamura
         -Konishi Tsukasa : 
         Có lần bác kể cho Cà phê Sữa về anh bạn Konishi, làm việc ở VN trong chương trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hợp Quốc từ 1993-1997. Khi họp với ông Phó Chủ tịch (CT) huyện nọ, bàn việc sửa sang lại 1 cơ sở cũ thành trường dạy nghề cho thanh niên VN tại địa phương, Konishi-lúc này 29 tuổi-đang nói đến cách thức sửa các cửa sổ phía trước dãy nhà. Ông Phó CT hỏi, còn các cửa sổ phía sau thì sao ? Chàng thanh niên Nhật bảo, xin lỗi ông, ta đang bàn cửa phía trước, khi nào xong mới nói đến cửa phía sau ! Không rõ vị Phó CT nọ nghĩ gì, chớ với bác, đó là một bài học nhớ đời :  không thể lan man, mà phải giải quyết theo trình tự nhất định, không được  chuyện nọ xọ chuyện kia !

Konishi tại 1 Trung tâm dạy nghề VN.
Konishi rất bình dân nhưng làm ra làm.
         Lần khác, bàn chuyện trang bị đồ đạc cho văn phòng Trung tâm dạy nghề địa phương, có sự tranh luận giữa chàng Konishi với Giám đốc nơi ấy. Konishi không đồng ý để TV trong văn phòng, vì là nơi làm việc, không phải nơi giải trí. Còn phía đối tác VN thì ngược lại, vì đa số văn phòng ở địa phương lúc ấy đều có TV...
          ...Buổi trưa cả bọn kéo nhau đi ăn. Trong khi chờ thức ăn, nhóm người Việt tán chuyện trên trời dưới đất, lúc ấy chàng Ko lẵng lặng rút sổ tay ghi ghi chép chép, kiểm tra công việc của mình. Hihi, có thể vì nghe mà không hiểu gì chăng ? 

         Konishi nguyên tắc trong khi làm việc, nhưng dễ thương lúc tâm tình. Anh nói người Nhật thường chỉ "nhậu" sau buổi chiều, vì hết giờ làm việc. Lúc ấy anh sẵn sàng uống và chồng lon bia không này lên lon không nọ, cho đến khi nào rớt xuống mới ngưng. Bác cũng không rõ chàng ta nói đùa hay nói thật vì tửu lượng chàng Ko rất khá, hay cứu..."bồ" lúc bác bị ép phải uống nhiều rượu hay bia.
         -Okamura :
        Rất điềm đạm, nói tiếng Anh nghe lưu loát dễ hiểu, Okamura hút thuốc hầu như liên tục, trừ khi có mặt vợ (cũng qua VN với chồng và sinh đứa con thứ 2 ở VN, đặt tên là AN). Anh cũng bắt chước người Việt là mời mọi người thuốc lá, nhưng vẫn bảo, người Nhật quan niệm thuốc lá độc hại không mời người khác như ở VN.

Từ trái sang phải : Okamura và bà xã (thứ 1, thứ 2), một Thứ trưởng VN (thứ 3), người thứ 4 là chị em ruột với Vương phi Nhật Masako, trong một lần gặp đối tác VN.  
          Sau khi bạn rời VN, bác không nhận được tin tức gì của họ. Không biết hiện nay Konishi và Okamura đã và đang làm gì, ở đâu ? Dù sao đi nữa, bác bỏ được thói quen hút thuốc lá sau nhiều năm nhả khói cũng có sự đóng góp gián tiếp của Konishi. Chàng Kô không hút thuốc bao giờ, bác làm việc trực tiếp với Konishi nhiều hơn. Dần dà bác cũng không cầm đến điếu thuốc nữa, cho đến bi giờ lun.
          Đúng là gần đèn có khác...Nhóc Cà phê Sữa nhà ta lâu nay mới bít rằng bác mình đã từng hút thuốc những 15 năm mà nay đã từ bỏ. Hihi, hay nhỉ ! Bố cũng không hút thuốc, thế thì vì...truyền thống, anh em nhà Sữa (!) cũng vậy thui, phải không nào!
         @ Món dọn thêm   

Konishi Tsukasa (bên phải) thời gian mới đến Việt Nam công tác (1993). Hihi, vừa mới mắc mưa ở xứ nhiệt đới ẩm gió mùa...
Konishi (giữa) - cùng các bạn VN - trong những ngày sắp về Nhật Bản (1997).

-------  
@Xin mời tham khảo bài viết sau đây về nước Nhật, người Nhật trong thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân vừa qua : 
@ Và mới hơn nữa, đạo diễn Việt Linh giới thiệu lá thư của một người bạn Nhật liên quan đến Thủ đô Tokyo và điện nguyên tử tại Thời báo kinh tế SG, đăng vào 1 ngày đặc biệt, Thứ Sáu,  13/4/2012.


5 nhận xét:

  1. Cậu bé đặt phần lương thực ít oi và duy nhât lên bàn một cách dứt khoát với niềm tin chắc chắn nó sẽ được chia sẻ,phân phát công bằng.Một cậu bé 9 tuỗi.
    Tôi,khi trích ra một phần nhỏ túi tiền của mình để tham gia từ thiện đã phải đằn đo,cân nhắc "chọn mặt gởi vàng".Vậy mà nỗi hoài nghi về món tiền ấy sẽ thất thoát hay hoàn toàn mất dấu trước khi đến đúng địa chỉ cần vẫn luôn ám ảnh.Tôi đã bạc đầu.

    Một là niềm tin chắc chắn,hiển nhiên.
    Một là nỗi hoài nghi khó lòng thay đổi
    Hai trạng thái đối lập hoàn toàn.Vì sao?

    Câu trả lời xin dành cho những chính trị gia,cho ngành giáo dục học,xã hội học...

    Chỉ biết rằng tôi thấy thẹn,rất thẹn thùng!
    Chỉ biết rằng tôi ngưỡng mộ,vô cùng!
    Thêm một lần nghiêng mình nể trọng,ước ao!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi tâm đắc ý kiến của Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG rằng SỰ SỢ HÃI SẼ HÌNH THÀNH DỐI TRÁ.

    Tôi đã từng như thế nhưng rất may nó không định hình nên bản chất bởi tôi sớm được thoát ra khỏi áp lực đó.

    Tâm đắc-ý thức-không bước chồng lên vết xe đổ.Ngỡ dễ mà không...

    Trả lờiXóa
  3. NHO GIÁO luôn bất tử trong Đạo làm người.
    VẮNG là KHUYẾT!

    Trả lờiXóa
  4. "Rời bỏ TOKYO"-
    Thư từ Nhật( Trích trang 43-Kinh tế SAIGON ngày 12/4/2012)

    Đạo diễn VIỆT LINH giới thiệu:

    Ako Akiba là phiên dịch tiếng Việt kỳ cưu,đặc biệt cho giới điện ảnh...Tôi thật ngỡ ngàng khi nghe Akiba rời bỏ Tokyo,nơi gia đình cô sinh sống bình yên...Và đây là lá thư bằng tiếng Việt mà Akiba cho phép tôi công bố.

    "Chị Linh thương mến,
    ...Chuyện gia đình em chuyển nhà thì lý do lớn nhất là nhiễm xạ.Năm ngoái,sau khi động đất xảy ra truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo cách Fukushima xa,không ảnh hưởng,nhưng thực ra hồi đó không khí nhiễm xạ đã trôi vào bầu trời Tokyo,mọi người đã hít thở nó rồi.Tuy nhiên chính phủ cũng như Công ty Điện lực Tokyo(gọi tắt là Toden) không công khai công bố,vì"nói sự thật làm người dân hỗn loạn,sợ hãi.Cứ như vậy,truyền thông Nhật không đưa tin rõ sự thật,trong khi báo chí thế giới cảnh báo rất nhiều,Nhưng đa số người Nhật không biết,hoặc biết mà không quan tâm,hay cố tình không quan tâm vì...sợ quá!
    Bọn em ở Tokyo thì có những lo ngại: ở các trường học cung cấp đồ ăn trưa nhưng không biết thực phẩm xuất xứ từ đâu,khi các công ty lớn có thể lấy nguyên liệu từ các tỉnh bị ảnh hưởng phóng xạ.Ở lớp thể thao ngoài sân trường không phải chỉ không khí nhiễm xạ, mà trong bui5i đất cũng bị để lại phóng xạ,các em hít vào cơ thể.Thực phẩm lấy từ miền Nam hoặc miền Tây ở siêu thị rất đắt nhưng vì sức khoẻ,sức khoẻ của gia đình nên em chịu khó đi mua...Nhưng vấn đề không khí hoặc đất bụi thì khó có thể giải quyết.
    ...
    Chắc chị còn nhớ vụ nhà máy Hạt nhân Chernobyl? Nhiễm xạ"ngoại bộ" (không khí) ở Nhật lần này ít hơn Chernobyl nhưng nguy cơ nhiễm xạ"nội bộ" (thực phẩm) thì nhiều...
    Chị biết không,sau khi động đât ở Nhật có khẩu hiệu kêu gọi ủng hộ các khu bị thiệt hại ba82bg cách tiếp tục sử dụng thực phẩm,bởi nếu không ai mua thì nông dân ở một số vùng nhiễm xạ sẽ chết đói.Thế nhưng người phải đền bù cho nông dân phải là chính phủ hoặc Toden chứ dâu phải bọn em!
    Em cũng muốn bày tỏ niềm tiếc về việc Nhà máy Hạt nhân Fukushima đã đổ chất phóng xạ vào biển khi sự cố xảy ra sau động đất.Hành vi này làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho môi trường quả đất chúng ta.Là người Nhật Bản,em thật áy náy khi đất nước mình lấy phương pháp này...
    ...
    Chị hoàn toàn có thể công bố thư em nếu chị thấy cần thiết...
    Qua thông tin em biết VN đang tiến hành dự án nhà máy hạt nhân ở Ninh Thuận,em rất e ngại cho VN nhưng không biết phải làm sao...
    Nhật Bản sử dụng điện hạt nhân lâu rồi,thế hệ bọn em không nghi ngờ về nguồn năng lượng này,nhưng sau vụ động đất vừa rồi,bọn em biết được nhiều cái "lừa dối của Toden và quan liêu ăn bám họ.Họ nói rằng phải có nhà máy hạt nhân mới có thể cung cấp đượd điện đấy đủ cho người dân Nhật nhưng đó không phải là sự thật.
    Xây dựng nhà máy hạt nhân rõ ràng có nguy cơ về môi trường và sức khoẻ con người(thậm chí chưa có giải pháp xử lý chất thải).Cho nên công ty điện lực lựa chọn địa điểm nài ít tài nguyên công nghiệp,ít công việc để xây dựng nhà máy,nói với người dân vùng đó sẽ có việc làm,nhiều tiền...Thật ra,người dân cũng có việc làm nhưng họ phải trả giá quá đáng,sức khoẻ luôn luôn bị đe doạ,và khi có gì xảy ra thì bị đánh mất quê hương vĩnh viễn..."

    Bạn nghĩ gì sau khi đọc hết nội dung này?DUE

    Trả lờiXóa