Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

013-DU- LỊCH- HỌC

             @ Bác đến chơi nhà
          Thật ngạc nhiên đối với anh chàng Cà phê-Sữa-đang ở nhà một mình- khi thấy ông bác thân yêu xuất hiện trước cửa. Không như mọi bữa bác gọi điện báo trước. Lần này bác đến bất ngờ, chắc có chuyện chi gấp đây ! A, nhớ rùi, hôm về quê bác hứa mai mốt có dịp, sẽ nói về việc ba của bạn lớp trưởng (LT) du học trời Tây. Hôm nay mình sẽ nhắc lại... 
          Bác nói là có ông bạn hứa cho mấy tấm ảnh về bóng bàn, môn thể thao bình dân mà bác chơi từ hồi nhỏ. Đáng lẽ ông ấy mang về quê tặng mà lại bận. Thế là bác có dịp lên lấy ảnh và ghé thăm cha con mấy đứa luôn.
         Với người bác rộng lượng của mình, chàng Cà phê Sữa nhà ta tha hồ phát biểu ý kiến riêng, mà không sợ bác để ý...trù dập. Còn với bố, hichic, ông hay dùng quyền ...làm bố, không cho cu cậu thực hiện theo ý riêng của tuổi teen. Như khi muốn mua cuốn tự điển Bách khoa ở nhà sách hôm nọ. 

Bác của Cà phê Sữa mà nói hay chơi bóng ở đây là bác ấy mắc bịnh ...nổ đó!  
(http://www.quangcaosanpham.com). (hehe, QC không công cho người ta) 
      
          @ Du học trời Tây
         Con muốn bác đề cập việc du học à. Có năm, bảy đường du học nhé: nào học bổng nhà nước cấp, nào do quĩ tư nhân nước ngoài tài trợ hay tự túc,...Vậy ba của bạn LT con đi du học theo kiểu nào thế ? Hình như là do nhà nước cho đi bác ạ. Ông ấy đi trong bao lâu và về nước chưa vậy con ? Dạ chừng chưa tới một tháng và đã về rồi. Có ai du học lâu hơn không hả bác? Tùy con ạ, sao ba của bạn con đi ít ngày nhỉ ?
          Dạ, ít là sao hở bác ? Chả bằng cô Anh, thầy Quân, cô Liên dưới quê mình đi những 3 tháng đó con.  Bạn con nói như vậy là đã lâu hơn và học được nhiều hơn một số người khác đó bác ơi. Lâu gì mà lâu, LT của con nó tự hào quá thể về ba nó đó, chớ như chú Quân sau khi về lại giành được học bổng đi tuốt qua nội địa Hoa Kì ròng rã hơn hai năm. . Bác ở sát nhà, gặp nhau hằng bữa mà có thấy chú ấy nổ nót gì đâu...Điều này lần trước con nghe bác nói rồi : thùng rỗng kêu to, hay là hữu xạ tự nhiên hương... gì gì đó bác !
          À mà bác ơi, mấy thầy cô đi Tây 3 tháng, 6 tháng hay 2 năm, họ học bằng thứ tiếng gì vậy bác ? Và ba của bạn con đi hơn hai, ba tuần có giống như mấy thầy cô đó không?

         @ Học bằng tiếng gì ?
         Đương nhiên những người có chuyên môn tiếng Anh thì học chung với những học viên các nước khác bằng tiếng Anh. Nghe, nói, đọc, viết, sinh hoạt hàng ngày với dân bản địa... bằng tiếng Anh luôn. Chú Quân qua Mĩ cũng thế, mọi sinh hoạt đời thường là tiếng Anh giọng... Mĩ rồi, con ạ.
         Vậy là ba của LT con giỏi thiệt, du học bằng tiếng Anh hay quá xá, hèn chi mà bạn ấy lun tự hào về ba mình ! Nè nhóc con, có lấy miểng ra chưa đó ? Có phải ba của LT con chuyên môn là tiếng Anh không ? Dạ hình như không phải. Vậy là con bị dính miểng tùm lum rồi đó. Những đợt đi ngắn hạn do bạn tài trợ thì học có người phiên dịch ra tiếng Việt đó nhóc ui... 
          @ Du-lịch-học : trách nhiệm nặng nề
           Nghe đến đây, chàng Cà phê Sữa nhà ta cũng nói thêm với bác mình là, dù học bằng thứ tiếng gì đi nữa, Anh, Hoa, Pháp, Nhật,... thì là du học. Còn học bằng tiếng Việt gọi là ...du- lịch- học, cũng hơn chán vạn người, như bố con nhà Cà phê Sữa ru rú cả đời ở xó xỉnh này, làm sao mở mắt ra được. Có văng miểng bi nhiêu cũng...không sao! Cu cậu cho là bạn LT có quyền tự hào về cha mình : du lịch mà chả tốn tiền ...nhà.  
             Không gặp được ông anh quí hóa, vì chiều ông ấy đã về quê, bạn tôi nghe Cà phê Sữa kể lại chuyện du-lịch-học nói trên. Và nói thầm : mấy người du học bằng tiếng Anh chẳng hạn, chỉ phát huy tác dụng trong những người dạy, học tiếng Anh mà thui, tầm ảnh hưởng đâu có bi nhiêu. Còn du- lịch -học bằng tiếng Việt, sẽ phát huy tác dụng nhiều lần, mà trách nhiệm lại ở tầm rất cao nữa. Vì sao bạn bít không ? Vì VN có hơn 86 triệu người nói tiếng Việt lận... Bạn có đồng ý không nào ? Hihiiiiii

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

012-MUỐN XIN -CHIẾC -LÁ -VÀNG

  ---------       
         @ Bạn nghe ai ca bài này chưa :" Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng vàng, quét cả mùa thu..." (bài Góp lá mùa xuân -Trịnh Công Sơn)
         Bây giờ cũng đang trong mùa lá rụng. Và những công nhân vệ sinh (CNVS) ấy đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố sạch trơn, nhưng có làm cho mùa nào cũng như mùa nấy không? Thay vì thu thì phải thấy lá vàng rụng rơi, bay bay từ trên không xuống đất. Rồi tung tẩy uốn lượn theo từng cơn gió trên đường nhựa, trên bờ cỏ...  ...góp phần làm tăng hình ảnh mùa lá vàng bay ! Vậy thì phải chọn một trong hai: Thấy thu lá rơi, lá bay nhảy thì đường phải vương lá. (Xin bấm vào đây để nghe/tải bài Góp lá mùa xuân- TCS)

Quét lá bên đường, quét cả nắng vàng,..
          @Còn đây nữa, có sự góp phần của người làm đẹp phố phường:  " Em đến thăm anh đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em..."(bài Em đến thăm anh đêm ba mươi - Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn). (Bấm chỗ này để nghe/tải bài nhạc nói trên). Gặp người phu quét đường, cũng là một bằng chứng sống, để xin một bằng chứng khác nữa là chiếc lá vàng, về cất đâu đó, trong tập nhật kí chẳng hạn, mà nhớ hoài là em đã đến thăm anh, là TA đã gặp nhau, đã có nhau trong đời.  Đêm 30 Tết. Đêm của sum họp, quây quần bên nhau của từng gia đình lớn, gia đình nhỏ, của những yêu thương. 
Lá vàng mùa thu Sài Gòn (đường Trần Hưng Đạo, Q1, tp HCM)

           Đó là những lời thơ mộng, đẹp đẽ trong văn chương,  âm nhạc. Còn người phu quét đường ngoài đời thường thì sao? Vẫn còn quét rác cho sạch đường phố lúc nhà nhà chuẩn bị đón Tết...
          Trong đời thực thì, nếu bạn đến gần những xe rác của CNVS, bạn sẽ thấy rõ sự thật hơn, ngột ngạt, lúc nào cũng âm ĩ mùi nồng nồng, chua chua lên men của các thức ăn thừa, của đầu tôm, xương cá. Vâng, những người che khẩu trang đi bên xe rác, đi sau xe rác, xoay quanh xe rác, phải lầm lũi chịu cực nhọc, chịu đựng độc hại quanh năm suốt tháng là thế. 
Mỗi lần thu gom có thể từ 3-4 xe
            Trong xóm nhà Cà phê- Sữa- Cà phê có vài hộ nằm cùng chung một vòng rào -không đến đổi vất vả, nếu không muốn nói là khá nhất  nhì xóm- không chịu đóng tiền rác theo từng hộ gia đình, mà chỉ đóng như có mỗi một khuôn viên, một đơn vị. Mà túi rác nào cũng to to, lớn lớn gấp đôi, gấp ba của nhà người bình thường khác !
            Còn có những người- đã làm cha, mẹ- luôn vứt xuống  những thứ còn lại : cùi bắp, vỏ túi snack, vỏ kẹo chewing-gum,..khi vừa ăn xong, trước mắt con cái ngay trên đường trong hẻm. Thói quen tốt nên tập từ đâu, gia đình, nhà trường hay xã hội? Chắc chắn phải là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp của cả ba.
            Vậy thì, những ai phải chịu đủ thứ mùi của rác thải hàng ngày ? Công nhân vệ sinh ! Có địa phương thu 12.000 VNĐ/tháng/hộ phí vệ sinh (đổ rác), phát lại cho CNVS 3.500 VNĐ/tháng/hộ. Tổng cộng CNVS lãnh 1.700.000VNĐ/tháng cho 15 ngày thu gom rác, vì ngày đi ngày nghỉ, mỗi lần gom 3-4 xe.. Và họ được gì nữa ? Tiêu chuẩn bảo hiểm y tế (để đi khám bệnh), bảo hiểm tai nạn, có nơi được thêm đồ bảo hộ phản quang, đèn đêm.
Tập trung  lại chờ về nơi xa
            Có người bảo thu nhập như thế là đúng với mặt bằng chung của dân VN. Lương giáo viên cấp III ra trường 2-3 năm: chừng 1,7 đến 2,1 triệu VNĐ/tháng trong thẻ ATM. Đàn anh, đàn chị dạy 8 đến 9 năm ư ? Được những 2,6 triệu đấy ! Còn bạn, có nên hỏi bạn thu nhập bao nhiêu/tháng không nhỉ ? Đùa vậy thui, chứ hỏi thăm thu nhập của người khác là một việc cấm kị trong thời buổi này, nhất là đối với người nước ngoài, người làm trong các công ti có vốn nước ngoài, hoặc làm cho các công ti có thu nhập nhiều thứ ngoài lương..., phải không bạn ? Mà đó lại là thói quen lâu nay của người Việt, khó một sớm một chiều bỏ đi cho được. Hỏi là để quan tâm mừ!
             Bây giờ khi nghe một trong hai bài hát trên, không bít có ai nhớ đến các CNVS đang lầm lũi, cần cù đâu đó gom rác, đẩy rác để cho nhà  nhà sạch sẽ, tươm tất, để có người thoải mái ngồi...nghe nhạc, viết và đọc blog ?!
--------- 

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

011-AI CÀ PHÊ XUYÊN VIỆT KHÔNG ?

               Buổi sáng hay bất cứ buổi nào khác, tin nhắn đến rủ rê, cà phê nhé...Có thể các tình huống thông thường này sẽ xảy ra với bạn tôi:

         @ Đến quán rất quen thuộc, nơi thường ngồi bù khú hàng giờ với bạn bè vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Không hẳn rủ đến quán cà phê là chỉ uống cà phê(dù đã bít tỏng- tòng- tong là cà phê đa số đã bị thêm hằng hà sa số phụ gia rùi, hichic), mà còn là hầm- bà- lằng các thức uống thông dụng khác. Thế nhưng vẫn mời, vẫn rủ là đi -uống- cà- phê!
         @ Không đến quán nào cả. Vì là lời mời ảo của một ai đó thân thiết từ nơi xa lắc lơ. Mời cũng có nghĩa là nhắc nhở, ngưng công việc lại, nghỉ ngơi tí đi nào, còn cả cuộc đời dài dài trước mặt...
         Những khi đi xa khỏi nơi quen thuộc, vẫn có lời nhắn tin, mà không thể thực hiện được với bạn bè, bèn lẩm nhẩm trong đầu sáng- nay- cà- phê- một- mình... 
         @ Cà phê một mình trên tàu lửa
         Nếu đi tàu lửa cùng với nhà Cà phê -Sữa -Cà phê thì bọn nhóc lại thích nằm nghỉ xem sách báo, cuộn- mình- trong- chăn ấm ngủ, hay đứng ngắm cảnh xem tàu- chạy- tới- hay- cây- cối- chạy- lui hơn là phải rong ruổi cùng bố. Vì phải vượt qua đoạn đường như thế này-có thể 5 đến 7, 8 toa tùy theo vị trí của toa-nhà, mới tới toa  căntin có cà phê hay các thức uống khác bạn nhé (dành cho các bạn chưa hoặc sắp đi tàu lửa Việt Nam):
Hành lang liên thông giữa các toa trên tàu lửa. Khoảng trống bên trái là cửa buồng của toa nằm. Bên phải là cửa  sổ nhìn ra ngoài, có kính chắn
         Nếu bạn đang ở toa nằm thì phải qua hành lang hẹp như vừa thấy ở ảnh trên hay ảnh dưới, nhưng dù sao cũng rất riêng, tương đối vắng. Chỉ thỉnh thoảng có người ngắm cảnh, gọi điện thoại,..còn đa số khách đã ở trong buồng của mình.
Tàu lửa đang chạy tới hay là cây bên ngoài di chuyển lui? Hehe
          @ Thích ...phê mấy núi cũng trèo
         Tuy nhiên khi đến các toa ngồi cứng hay ngồi mềm, ta phải đi xuyên qua lối đi nhỏ với lớp lớp hành khách nằm, ngồi trong đó. Chuyện này là bình thường. Bạn sẽ gặp nhiều tình huống mà chỉ khi đi tàu lửa mới có (dĩ nhiên rùi !).
       
         Một toa ngồi cứng (chỉ là ghế gỗ, không nệm). Ta phải đi qua lối đi giữa hai  dãy ghế để đến căn tin, thường ở cuối đoàn tàu  
         Toa ngồi cứng giá vé sẽ rẻ hơn so với toa ngồi mềm. Nếu có điều kiện đi, ta sẽ mua vé tàu lửa theo thứ tự ưu tiên như sau: nằm mềm, nằm cứng, ngồi mềm, ngồi cứng. Giá vé dĩ nhiên là có chênh lệch, và tiền cao thì sẽ tỉ lệ thuận với mức độ thoải mái hơn khi đi tàu. Chỉ e là ta chậm chân hơn thì khó có vé nằm, dù nằm mềm-4 giường- hay cứng -6 giường- vẫn cảm thấy có được một khoảng không gian riêng chỉ với 4 hoặc 6 người, cửa có thể cài chốt lại tùy thích.
          Rất may mắn cho nhà Cà phê-Sữa-Cà phê là bọn nhóc có bà cô lúc nào cũng chu đáo, mua trước vé nằm, kể cả khứ hồi cho cả nhà. Lại thêm ông chú thường đón ở nhà ga, cũng không kể nắng mưa, đêm ngày...
           
               Một toa ngồi mềm (có lót nệm êm êm, tránh được tình trạng ngồi -lâu- "tăng- kể"   khi đi hàng trăm hay hàng ngàn cây số).

          @ Nào cùng thưởng thức cà phê xuyên Việt
         Nãy giờ đi quá lâu mà chưa tới toa căntin để thưởng thức cà phê đường xa xuyên Việt. (Bạn có nhớ cuốn " Một ngày của IVAN DENISOVICH" do Lão tiền bối ALEKSANDR SOLZENISYN viết không ? 24 giờ nằm trong 1 cuốn sách: thủ pháp cao siêu). Thì ta cũng loanh- quanh- cho- đời- mỏi- mệt tí mừ !  
         Có một qui định là khách chỉ được ngồi không quá 30 phút cho một cử cà phê hay giải khát gì gì đó-có thể là bia,...ở đây. Nhưng không sao, đó là khi khách chờ đợi nhiều, đông, chớ ít khách, bàn trống còn thì ngồi tán chuyện có sao đâu nào ! Ngoài thức uống vẫn có thức ăn phục vụ cho khách trên tàu nữa đó. 
Ta, Tây đều được thưởng thức... cà phê xuyên Việt ở toa căntin
Là cà phê (sữa) tan liền thêm vài viên đá - Giá : 10.000 VNĐ (tháng 02-2010)


Toa căntin đón Tết âm lịch [ treo chữ dành cho đám cưới-Song Hỉ (!) ]
         Nào, xong cử cà phê xuyên Việt rùi phải không bạn ? Không hẳn mục đích cuối cùng chỉ là uống li cà phê, mà là trải nghiệm trên đường đi đến nơi chốn đó. Qua hàng hàng lớp lớp toa tàu, hành khách nằm, ngồi la liệt...mới thấy thương dân Việt Nam trong giao thông. Bạn hãy xem, không mua được vé, cần lắm một chỗ ngồi dọc theo hành lang, nơi ông đi qua, bà đi lại :

Ở nhà có mẹ có cha- Nơi đây chỉ có...gối là thân thương..
         @ Thêm: Trở lại việc uống cà phê của buổi đầu, mời bạn thử "nếm" cà phê ở nước bạn. (Chân thành cảm ơn bạn BOUPHA-Như Hoa, Phnôm Pênh, Campuchia đã gởi 2 ảnh dưới đây) .
Cà phê ở Phnôm Pênh. Giá 01 USD (tháng 7-2010)
Phía ngoài quán cà phê này là một phố, không nhộn nhip lắm, của Phnôm Pênh, CPC.
    
        

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

010-SGK : HÃY TRẢ LẠI TÊN CHO NỮ THẦN ISIS

         @ Từ một giấc mơ 
        Không biết do xem nhiều chuyện có công chúa, nữ thần hay sao mà trong lúc cả nhà ăn sáng, Sữa-Cà phê thỏ thẻ là đêm qua mơ màng thấy một chuyến đi xa, tận châu Phi. Có nhiều bạn cùng bị lạc vào một ngôi đền, trong đó gặp một nữ thần với y phục khác hẳn các bà tiên phương Đông hay trang phục trong tuồng cải lương. 
         Buổi trưa nó nhờ anh Cà phê Sữa lục  tung tài liệu, từ sách trên kệ tới kho net toàn cầu. Ah, tìm thấy rùi : Khung cảnh giông giống như mô hình  bên dưới: 

         @ Ngôi đền lạ lùng
            Thì ra hình trên được mô phỏng lại đảo PHILAE, nơi mà người Ai Cập cổ đại đã xây một ngôi đền đẹp, hoành tráng để thờ Nữ thần ISIS. Nhưng đền đã bị chìm dưới nước sau khi đập ASWAN đầu tiên được xây dựng năm 1906. Đến những năm 1970, nhiều quốc gia nỗ lực cứu ngôi đền. Cùng với UNESCO, các quốc gia này đã chọn một chỗ thích hợp, nhưng phải chờ đến khi hoàn thành Đập Cao (ASWAN High Dam- còn gọi là Đập ASWAN Thượng) vào năm 1971, mới ổn định mực nước cho đảo đã chọn để xây dựng lại đền thờ.
Vị trí của 2 Đập ASWAN,  2 đảo  AGILKIA, PHILAE 
         Đảo mới được gọi là AGILKIA và đã được thực hiện cho càng giống đảo PHILAE càng tốt. Đền thờ mới xây lại do vật liệu mang đến từ ngôi đền cũ và cả hai cũng nằm gần nhau (xem sơ đồ trên).
Hàng cột phía Tây ở Đền thờ Nữ Thần ISIS (fundingwaybrandon.blogspot.com/)

         @Nữ thần ISIS là ai ?
Nữ thần ISIS (http://lotuspharia.freeyellow.com/thecircleofisis)


 Một số Thần của Ai Cập cổ đại  (http://www.unmuseum.org/mcase.)

        Đây là lí lịch trích ngang của Nữ thần ISIS mà anh chàng Cà phê Sữa đã... "google"  được:
         +Nữ thần của Sắc đẹp, Tình yêu, Âm nhạc, Phép thuật, Phụ nữ,...
         +Con gái của thần NUT(Trời) và thần GEB(Đất).
       +Em gái mà cũng là vợ của thần OSIRIS, con của hai vị thần này là HORUS (mình người đầu chim ưng)
         +Em của SET và là chị em sinh đôi với NEPHTHYS.     
      +Bà còn có rất nhiều tên khác : Abd-isis,  Amat -isis, Ament, Asdoulos, Eyonanueve Yokpovo Dam, Iahu, Isa, Isidoulos, Tamesis, Ziza,... theo dân từng địa phương.  
         Chuyện về Nữ thần ISIS còn dài dài, thằng anh Cà phê Sữa hứa sẽ kể thêm cho em gái mình vào một dịp sau.
Nữ thần ISIS (http://www.pantheon.org/areas/gallery/mythology/africa/egyptian/isis)

         @ Đến Thần cũng tức !
        Các em gặp Nữ thần và bà ấy có phán truyền gì không? Có, bọn em không hiểu sao lại nghe toàn tiếng Việt không hè ! 
          Bà bảo cách nay hơn bốn năm, ở nước các con, khi quí vị tiến sĩ (TS), thạc sĩ (ThS) viết sách cho các con học, nhà in có nhận được bản thảo cuốn sách giáo khoa (SGK) Địa Lí 11 nâng cao. Mấy người thợ sắp chữ trong nhà in vì vô tình, hay vì... gì đó không biết, đã không in đúng tên của bà. 
         Đau lòng lắm các con ui! Phải chi sách của người...thường, bản thân ta không nói chi đâu. Đây lại là tim, là óc của mấy vị TS, ThS, tinh hoa của nhân loại không hè, TA mới tức anh ách mấy người thợ đó. (Đến Thần mà cũng tức nữa kìa!)
Trang 180, SGK Địa lí 11 nâng cao, NXB Giáo dục, HN, 2006 : dòng chú thích hình in sai tên (Ihis) của Nữ thần ISIS-theo tiếng Anh.
          @ Hãy trả lại đúng tên cho Nữ thần ISIS
          Từ đó đến nay, do trăm công ngàn chuyện...trên Trời châu Phi, TA quên khuấy đi mất. Nay  nhân khi nhìn xuống trần gian thấy bên nước Nam các con ùm sùm chuyện TS 17.000 đô la Mĩ, TS không biết tiếng Anh,... TA nghĩ đã đến lúc lên tiếng dùm châu Á nước Nam, mới đưa các con tới đây mà cho biết đó. 
          Sao Thần không vời mấy ông TS, ThS tác giả và luôn cả mấy anh thợ in đến, mà lại là...tụi con ? Các con còn nhỏ, ngây thơ trong trắng, chữ nghĩa ít, nhẹ vía, TA đưa đi nhanh. Mấy vị kia à, chữ nghĩa đầy bụng, TA sẽ phải tốn quá nhiều công sức để đưa ra khỏi tháp ngà;  còn mấy người thợ mắc tội bất kính với TA, thèm mà đưa đi du lịch như thế này ! Khó lắm thay, biết đâu chừng khi muốn sửa lại đúng tên, TA lại phải tốn vài tờ giấy... Khó lắm thay... 
          Vậy phải chăng Thần muốn tụi con nhắn nhe lại cho quí vị tác giả TS, ThS hay mấy anh thợ nhà in về việc sửa tên cho đúng chớ gì ? Ừ, các con nghĩ sao, ai đã làm sai ? Theo trí óc non nớt của tụi con thì trách nhiệm chính là ở mấy anh thợ in, chớ quí vị kia chữ nghĩa đầy bồ, làm sao mà sai được. Thế thì về nước Nam nhớ mà nói lại nghe không! 
          @Ai chịu trách nhiệm ?
           Tới đây thì em thức giấc anh ạ! Mà này, làm sao tìm cho ra người chịu trách nhiệm chính, mấy anh thợ in, trong chuyện này để trả lại đúng tên cho Nữ thần ISIS -chứ hổng phải IHIS đâu à nghe, hả anh ? 
           Còn riêng bạn, bạn nghĩ sao? Bạn tôi nói thêm, bao nhiêu lớp học sinh đã học qua SGK này thì thế nào đây, ah? Thôi nào, chỉ có một mẫu tự bé xìu xiu mà làm gì ầm ĩ thế không bít ! Cuộc đời còn khối việc đáng lo lắng hơn nhiều... Phải không bạn hỡi !
-------
     

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

009-HÒN RƠM: PHẨN CHÌM KHI NÀO SẼ NỔI ?

             @ Du lịch miền biển
          Nhà Cà phê- Sữa- Cà phê được đi đến miền biển Phan Thiết với nhiều nắng, mưa, gió, cát...trong một kì nghỉ hè.

Hòn Rơm- Phan Thiết- Những ngày hè
Hòn Rơm :Ta chụp ảnh Tây, Tây chụp ảnh Ta. Nào, ai nhanh hơn!

         Những ngày này, cả nhà đã vài lần qua lại sông Cà Ti, cầu Trần Hưng Đạo. Một trong những địa điểm gây ấn tượng ở thành phố Phan Thiết là biểu tượng của nơi này: Tháp nước. Khi còn là kiến trúc sư khu Công chánh Nha Trang, Hoàng thân Souphanouvong của Lào,  đã thiết kế Tháp nước.
Tháp nước bên sông Cà Ti (khởi công 1928-hoàn thành 1934)
Theo- ai- xuống- phố- trưa- nay- Phố Phan Thiết 
  
          Mỗi thành phố đều có nét riêng. Ngày xưa khi đi ngang  tỉnh lị Phan Thiết, trước khi qua cầu Trần Hưng Đạo, mùi đặc trưng của nơi này đã xông thẳng vào mũi hành khách trên xe: nước mắm- món không thể thiếu trong bữa ăn người Việt.
         Bây giờ đã có đường vành đai tránh phố,  chỉ thấy vườn thanh long xanh um chạy dài theo tuyến xe Bắc- Nam.
 
          @ Hòn Rơm
          Cách Phan Thiết  chừng 26 km là khu du lịch Hòn Rơm với những đồi cát vàng, cát trắng nối tiếp nhau. Hoang sơ, vắng vẻ đến nỗi muốn ăn những món ăn dân gian cũng hiếm. Chỉ có rất ít sạp bên đường bán bánh mì, bánh căn.
Sạp bán bánh căn -hơi giống bánh khọt Nam Bộ- nhưng không để nước cốt dừa,
không pha màu và khi đổ bánh không tráng mỡ

          Sáng nọ, sau khi bơi lội đã đời ngoài bãi tắm, anh em Cà phê Sữa khi đi, khi chạy dọc theo bãi cát tìm ốc và dã tràng. Gặp một nhóm ngư dân đang kéo lưới, anh em nhà Cà phê với vài người tò mò đứng lại xem. Có bạn nào thấy hai nhóc đâu không ?
Ngư dân kéo lưới ở Hòn Rơm

          Mải mê quan sát không chú ý đến em, bỗng thằng anh nghe tiếng la quen quen. Thì ra là Sữa -Cà phê vấp vào một đường nước chảy từ trong một quán ăn hay khách sạn nào gần đó và té nằm trên cát.
Nước thải từ từ ra biển 
Rác và nước thải sẽ  hòa- cùng- đại- dương ?
Dòng nước nào- đưa du khách đi- biền- biệt ?
          Ah, một trong những tử huyệt của Hòn Rơm là đây.  Muốn du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi mà chỉ chăm lo phần nổi thì e chưa đủ. Một trong những phần chìm của tảng băng đã bắt đầu ló dạng : ô nhiễm môi trường nước thải, rác thải... 
          Lo chuyện lâu dài có lẽ từ những việc nhỏ như thế này chăng ?
            
           
          

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

008-Hơn - Thua

            @ Chuyện con nít            
         Hôm về chơi dưới quê, không những Cà phê Sữa được chạy nhảy thỏa thích, mang một số sách về mà nhóc còn được bác gỡ rối tơ lòng... thòng nữa. Nhân lúc bác vui, nó mang chuyện lớp ra nhờ tư vấn. Đó là anh chàng lớp trưởng (LT), con một đại gia, một hôm cao hứng nói là LT giỏi vi tính hơn hẳn Cà phê Sữa, với lại môn tiếng Anh cũng không thua chàng Cà phê nhà ta bao nhiêu...! Và bồi thêm một quả bom nổ lùng bùng lỗ tai là phụ thân LT được du học trời Tây nữa cơ.
         Rồi con trả lời bạn sao nào ? Dạ con chỉ biết cười trừ... Sao lại thế ? Không kể công nghệ thông tin rộng lớn quá, vi tính là một phần nhỏ thôi mà còn có biết bao nhiêu phần mềm để xài, con ứng dụng cả đời cũng không  hết, và chắc chắn là con...thua bạn rồi. Riêng tiếng mẹ đẻ, học bao la cả đời cũng không thể nào rành, viết chính tả sai tới sai lui, con nói trước đám đông đôi khi còn ú ớ, không biết đối tượng trước mặt là ai để xưng hô, nói gì đến tiếng nước ngoài, hả bác ! Vả lại, ngoại ngữ của bạn là chứng chỉ C, còn của con chỉ là B thôi. Chuyện du học nữa bác ơi, con hơi mắc cỡ vì cả hai bố con chưa hề biết mặt mũi sân bay nào hết... Bộ mặt tiu nghỉu hôm nào ở nhà sách của Cà phê lại được trưng ra. 
        Bác trầm ngâm một lúc rồi đáp là nên tội nghiệp chàng LT của con. Nếu so sánh hơn thua với bạn, với người chung quanh như thế này hoài, thì thế nào sự đau khổ vì đố kị, ganh tài sẽ dày vò, đeo đẳng suốt đời. Lúc đầu có thể là động lực để vươn lên chẳng khác nào học sinh tiểu học ganh đua điểm trong lớp với nhau. Nhưng nếu lên lớp lớn như ở cấp III mà còn tranh hơn thua nhau về điểm số thì, quả thật là chưa trưởng thành. 
         Bác ơi, sao lại có thi đua đợt này tới đợt khác vậy ? À, thật sự ra, điều quan trọng hơn hết trong các đợt thi đua là chính mình tự thắng mình, chính mình thi đua với mình. Sao lại ta thi đua với...ta, như Lão ngoan đồng Châu Bá Thông phân công hai tay đánh nhau hả bác ?
         @ Chuyện cốt lõi 
         Không phải thế đâu. Hôm nay chưa biết phần mềm vi tính này giúp ích gì cho con trong công việc. Ngày mai có thể ứng dụng nó, thế là con đã hơn con ngày hôm qua rồi. Hoặc con được cô dạy cho điểm ngữ pháp ngoại ngữ thú vị trong bài học bữa nay mà hôm trước con chưa rành. Đó là con thi đua với chính con, hơn chính con ngày hôm qua. Thật sự khó khăn là đây: mình tự thắng chính mình, TA thi đua với chính TA. Điều cốt yếu là ở chỗ đó, nhóc ạ.
          A, con hiểu ra tí đỉnh rồi. Người này triệu phú thì có ông khác tỉ phú. Rồi lại có bà tỉ tỉ phú nữa phải không bác. Nếu con cứ nhìn lên, nhìn lên,.. so sánh hơn thua hoài thì con sẽ gảy cổ vì...đau khổ hén bác. Con hơn người này thì có hàng trăm, hàng vạn người khác hơn lại con. Vậy bác ơi, làm sao cho không ganh ghét, đố kị  người ta ?
         Dễ ụi, bác nói rồi. Đừng vì một mặc cảm nào đó của mình mà bày trò ganh ghét người khác. Sống phải quảng tâm. Điều chính yếu là con tự thi đua với chính con. Con xem, người giỏi thật sự như GS Ngô Bảo Châu có khi nào tự khoe mình hơn thiên hạ không ? Không cần thiết. Quên là thùng rỗng kêu to sao ! Con mà giỏi một thì có người khác giỏi mười. Mà nên mừng vì mình đã giải được bài toán hôm qua bị bí. Nên vui vì hôm nọ con chưa biết tính từ "modest" mà hôm nay con biết...Cà phê Sữa nhà ta ngắt lời, à mà bác ơi, từ đó nghĩa là gì vậy ?
         "Khiêm tốn".
         Nói tới đây, có mấy ông bạn của bác, già có trẻ có tới rủ bác đi chơi bóng bàn. Bác hẹn Cà phê Sữa lần sau có về nhắc bác nói đến chuyện du học của đại gia, cha bạn LT, để Cà phê Sữa nhà ta khỏi mắc cỡ.
          Tội nghiệp trẻ con, ngựa non...! 
         
          

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

007-CÂY RƠM NÀO Ở QUÊ NHÀ...

         
 ---------
         Bạn đã bao giờ đi ngang qua gốc rơm sau mưa chưa ? Mùi ngai ngái nhẹ nhàng lan tỏa. Cho đến ngày nào đó rất lâu về sau, có dịp rảo bước trên đường làng vào tảng sáng hay vừa qua một cơn mưa, thoang thoảng mùi dĩ vãng xa xưa...Chắc chắn có một cây rơm nào quanh quẩn đây thôi.
Bờ dừa, bụi lác (?), cây rơm quá quen thuộc ở Đồng bằng sông Cửu Long

                                   (Chơi trốn -kiếm quanh mấy gốc rơm này quá tuyệt vời bạn nhỉ!)
       Mê mải với cuộc chơi trốn-kiếm, làm nhà chòi trong gốc rơm,... thì không có cảm giác gì, đang quá vui mà. Đến khi tàn cuộc thì ôi thôi, khắp mình mẩy đều thấy ngứa ngáy, khó chịu. Bạn đoán được cây rơm nào là nơi anh em nhà Cà phê Sữa chạy nhảy trong ngày nghỉ vừa qua không ?
Mái tôn, vách lá, nền đất có liên quan gì đến cây rơm nho nhỏ phía trước nhà không ?

Hai cây rơm phía trước nhà ngói ba gian, nền gạch tàu, sân phơi lúa : điển hình cho nông thôn mới 
      Vào những ngày giáp Tết âm lịch, thông thường các gia đình ở nông thôn đều có bánh phồng nếp, tự làm hoặc mua để chuẩn bị đón Xuân. Nướng loại bánh phồng này không có gì bằng lửa rơm. Và còn phải biết cách nhóm lửa bùng lên, tay trở hai mặt bánh qua lại, lên xuống cho đều. Ăn thơm ngon, giòn tan trong miệng là khi bánh nở hết cỡ. 
         Ngược lại, nếu lửa rơm chưa tới, bánh bị teo sượng, không phồng ra, sẽ thấy dai thiệt là dai, nhai mỏi cả răng. Bạn có dịp ăn bánh phồng nếp nướng với lửa rơm như ở nông thôn mấy nhánh sông Tiền ?
Nông thôn hiện đại : nhà xây mới, rơm nhiều, lúa đầy bồ...
Bạn có để ý ngôi mộ xi măng tròn phía hậu cảnh không? Là điểm nhấn của vùng này đấy.               Nơi sản xuất một loại rượu nổi tiếng : Phú Lễ, Ba Tri, Bến Tre.
          
         Nãy giờ bạn có thấy ngứa ngáy chưa ? Hay mải mê tưởng tượng miếng bánh phồng quê cũ ? Mai đây không biết có còn nước ngọt từ sông Cửu Long cho những cây rơm như thế này tồn tại ? Hay chỉ còn trông cậy vào nước trời sau mưa, để mỗi năm chỉ còn một vụ lúa mùa ? Mấy cây rơm quê nhà ngai ngái mùi thơm sẽ teo tóp đi, thấp dần xuống... Nào bánh phồng nếp nướng lửa rơm, nào sân chơi cho bọn trẻ !
         Bạn có thể giải đáp thắc mắc này cho thế hệ con cháu nhà Cà phê-Sữa-Cà phê được không ?

          @ Thêm món : không bít có lạc quẻ không, chớ thấy ảnh dưới đây cũng hợp ý trong...còm của một bạn 
Mây- trôi- lang- thang- cho- hạ- buồn...coi -khói- đốt- đồng (Lời : Bắc Sơn)
----------------

        @ Vài món dọn thêm : rơm vùng sông nước Cửu Long


--

-

-
        @ Rơm dọc QL 1A, Ninh Thuận, Bình Thuận



-

-
-

-

-------
*Ghi chú : Tất cả các ảnh trong bài đều chụp khi xe đang chạy, hichic, nên có khi xem không rõ lém
------- 
  

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

006-SGK : VẤN ĐỀ NHỎ NHƯNG KHÔNG NÊN BỎ

       
--------- 
         Hôm Chủ nhật, hai anh em Cà phê Sữa được về quê chơi. Tha hồ tung tăng chạy nhảy, hái trái cây khắp các bờ vườn. Có lúc chơi trò trốn-kiếm quanh gốc rơm.  
        Tuy nhiên thằng anh cũng không bỏ tật lục lạo kho sách nhà bác. Hắn còn bắt gặp mấy cuốn sách in màu với nhiều bản đồ, biểu đồ nữa chứ. Bác nói đó là sách giáo khoa (SGK) Địa lí của học sinh học chương trình Pháp thời xưa. Bác vẫn sẵn lòng cho Cà phê Sữa đem về mấy cuốn như những lần trước. Vì mấy anh chị lớn cả rồi, lại ở xa nữa, đâu có ai coi. Chỉ có bác là -Nhớ sách không biết để đâu- Để trong tủ kiếng lâu lâu ra nhìn. Hihi.
         Còn đây là kết quả việc tò mò của thằng Cà phê Sữa:
          1. Cuốn GÉOGRAPHIE lớp 5e (ĐỊA LÍ,tương đương lớp 7 của ta), in năm 1962, nhà xuất bản (NXB) HACHETTE, Paris, trang 33, có nói về 13 sọc và 50 sao trên lá cờ Mĩ, mà bác đã nói đại ý cho Cà phê Sữa hiểu: 13 sọc tượng trưng cho 13 bang bên bờ Đại Tây Dương, thuộc địa cũ (của Anh), giành được độc lập vào năm 1783. 50 sao tượng trưng cho 50 bang hiện nay (48 bang nội địa, 2 bang được thêm vào là Alaska, năm 1958 và quần đảo Hawai, năm 1960). 
 

        2. Cuốn GÉOGRAPHIE lớp 5e, in năm 1970, NXB ARMAND COLIN, Paris, trang 33 cũng viết về sọc và sao trên quốc kì Mĩ.  Bác nói đại ý như trên, nên Cà phê Sữa không để ý lắm:

          3. Ngoài ra còn 1 cuốn thuộc hàng đàn anh hơn 2 cuốn đã nêu, cũng là GÉOGRAPHIE, lớp 5e, NXB  A.HATIER, Paris, in năm 1959, trang 45 cũng nhắc đến 50 bang của Hoa Kì:
        4. Riêng tiếng Việt, có 1 cuốn, không biết bác mang về từ hàng đồng nát  hay hàng sách cũ, đã muốn rã rời : SỬ ĐỊA 12ab, NXB TRƯỜNG THI, Saigon 1974, trang 192, viết 2 dòng nói về 50 bang này:

         Cà phê Sữa mang về mấy cuốn sách có nhiều hình nữa, nhưng ba nó chỉ để ý vài cuốn như trên, nhường phần còn lại cho mẹ con Sữa Cà phê. Và bạn tôi tự hỏi, ngày xưa Tây và cả Ta nữa, viết tương đối rõ ràng cho học trò học về một vấn đề nhỏ nhưng không nên bỏ (50 bang của Mĩ, liên quan đến 50 sao trên quốc kì nước này). Tại sao ngày nay, sách giáo khoa Địa lí 11 lại bỏ qua ? 
         Hay trong thời đại toàn cầu hóa này, học sinh nào muốn biết chỉ cần gõ vài từ ở các trang tìm kiếm- để rèn thêm kĩ năng sống (!)- như Google chẳng hạn, là ra ngay thui!
(Bạn thử tìm đi, vẫn có sạn đó: kết quả thứ 2 trong ảnh trên). À, nếu bạn nào có nhìn qua SGK mới của Tây liên quan đến vấn đề này, xin  thông tin cho ba của Cà phê Sữa biết nhé. Còn dưới đây lại lọt lưới hạt sạt bể răng lun:
Muc rao vặt với hạt sạn to tổ bố  ở dòng 2 từ trên xuống "...54 TIỂU BANG...'' (!)
         Chắc là mỗi thời mỗi khác vậy...Vấn vương làm gì cho thêm nặng bụng, phải không bạn nhỉ !
---------