Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

029-TÀU LỬA ĐẾN GA KHÔNG DỪNG LẠI ! (Sông Lũy - II)

---------

                 (Entry trước đã nói về lí do vì sao có trường cấp III ở Sông Lũy (thuộc tỉnh Thuận Hải cũ) và chuyện dạy - học - ăn ở đó, xin bấm vào đây để xem . Giờ tới những phần  khác...)

         @ Việc ở
         -Nhà tranh : Mái tranh thấp lè tè, leo lên dễ dàng, đôi khi có chỗ ngắm sao để làm thơ. Có lần một hiệu phó trên đường đi dạy về ngang lán trại nữ, gặp nữ học viên mắc bệnh lạ, đang ở trên mái nhà và bảo là, tao đợi ông Th.(thầy hiệu phó) về để dọa chơi... Bình thường chị T. hiền lành, tốt bụng, rất có trách nhiệm. Mắc bệnh này nữ học viên bị giật như động kinh, dễ lây lan ra cho những người sống chung. Nếu có người nam chăm sóc dường như mau bình phục hơn (!), nghe nói thế. 
         -Mùa mưa : "Miền Trung mùa mưa, anh có về miền Trung mùa mưa..." (*) Cũng là lúc cả trường ăn uống kham khổ, nếu không biết trồng rau cải,...để tăng dinh dưỡng. Nước dâng cao nên xe của trường không thể đi chợ mua thức ăn. Sẽ chỉ có canh toàn quốc với vài lát mỡ, cùng nước muối [được cho là pha cùng nước trà để lấy màu (!)]. Do đó ai tranh thủ ngày nghỉ về nhà, đều mang thêm thức ăn tươi hay có thể để lâu được (cà chua, cá khô, tôm khô, ..) vào dự trữ cho những ngày khổ vì mưa lũ.
         Đương nhiên vào mùa mưa, đường đến lớp lun lầy lội. Phải đi bộ qua bao nhiêu đoạn đường ướt sũng nước, đầy bùn để lên lớp... 

         @ Ngủ
         -Dột đêm mưa : Cả nhà tập thể giáo viên nam, đều thức dậy, có  người vỗ nắp soong hòa cùng tiếng mưa rơi. Trong lòng ai nấy đều cảm thấy vào đây -Sông Lũy- là ...tận- cùng- bằng- số, không còn trường nào trong tỉnh khổ hơn được nữa.  
         -Mùa lạnh : Nếu so với các vùng khác, hơn về độ cao hay độ vĩ chắc là chả nhằm nhò gì. Nhưng so với Phan Rang thì Sông Lũy quả là lạnh hơn rất nhiều. Có đêm phải đốt lửa sưởi ngay trong phòng thường là 2 hay 3 người ở chung. Không sợ ngộp thán khí vì phòng trống trải lắm. Cái lạnh chắc theo vào cùng lối đi với trăng sao !  

         @ Chơi
Lan rừng Ngọc Điểm ( http://vnexpress.net)
         -Lan rừng : Có những chủ nhật, thầy trò cùng vào rừng tìm phong lan. Dân tại chỗ, thường là người dân tộc Nùng, nói không biết mấy ông này mang về để làm gì, mà cưa, vác chi cho khổ thế ! Vùng này thường gặp lan Ngọc Điểm : lá trên cành khô khô héo héo, thế mà chồi hoa lại nhú ra ở nách lá, mới dễ thương làm sao ! Trong khó khăn gian khổ, mầm hi vọng vẫn tồn tại đấy chứ ! Một điều rất hay của loại lan này là vừa có sắc vừa có hương nữa, thơm mùi kem UE thoa mặt cho giới nữ ngày nào !  
         -Mai rừng : Tết âm lịch sắp tới, một số anh em (Phạm Đăng Hải, Bùi Anh Tú, bác nhà Cà Phê) chịu khó đi vào rừng tìm mai và chặt cành nhiều nụ mang về. Bây giờ gọi là...phá hoại môi trường hay là Lâm (Văn) Tặc đây. Qua nhiều suối sâu có, cạn có. Để bảo toàn quần áo cho khô, có lúc cả bọn phải tạm đóng vai người tiền sử khi qua suối. Hihi, mắc cỡ chi lạ... Mang những cành mai này về tới Phan Rang, dù đã bọc lót kĩ càng, nụ hoa vẫn bị rụng gần phân nửa. Tiếc hoa thì...ít, tiếc công thì nhiều.
         -Bóng bàn : Có được một bàn bóng nên cả bọn xem giao đấu bóng bàn nội bộ và ai thua sẽ chung độ mít hay đu đủ,...mà một số chủ vườn người dân tộc Nùng hay chở xe đạp ngang qua lúc xế chiều. Rất nhiều người từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam chơi bóng bàn giỏi ở đây : Phan Đình Lành, Bùi Anh Tú, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Văn Hưng, Võ Hải, anh Châu dạy Lí, Lưu Vân Trang..v.v..., còn Lê Hữu Hàng -đã mất- nữa.... (Thời này sao có nhiều GV chơi bóng bàn trình độ cao thủ vậy không bít !).  
         Có phải bác chơi bóng bàn giỏi nhất trong nhóm không ? Cà phê Sữa chen vào. Không đâu nhóc, người đứng đầu danh sách hồi nãy là người chơi hay nhất đó, bác ấy còn giỏi cả âm nhạc : chơi ghita điêu luyện, giọng hát hay, tập hợp xướng lun cho anh em nữa kia... 
         -Âm nhạc: Vang vọng trong các buổi nghỉ là tiếng ghita thùng bập bùng. Cũng như bóng bàn, đa số đều có thể chơi đàn. Có người mang thêm harmonica ra thổi. Nhạc Liên Xô thịnh hành một số bài : Cây thùy dương, Chiều Matxcơva, Trời chiều, Aliôsa,... Còn nhạc Việt, đang bắt đầu phong trào sáng tác ca khúc chính trị với : Đi qua vùng cỏ non, Cô nuôi dạy trẻ, Em còn nhớ hay em đã quên,...nên chúng cũng lan ra tới tận đây. Nếu bỏ qua đi chuyện kham khổ thì ở Sông Lũy, sinh hoạt...dzui hơn khi trở lại Phan Rang, mạnh ai về nhà nấy !

         -Báo tường : Các lớp thi đua làm báo tường cuối năm dương lịch, vào đúng mùa lạnh Noel. Có hai ông thầy làm báo cho cánh giáo viên, cũng vừa làm báo vừa nghe nhạc từ radio (Jingle Bells, Silent Night,...). (Pin phải tự chế vì hiếm : ngâm viên pin trong keo nước muối sau khi nối các cực của chúng lại với nhau và chuyền ra 2 cực của radio...). Và nghe với âm lượng khiến muỗi phải ganh tị lun !
         Tối bùn bùn hai ông bèn đi xuống các lớp nghía-lén thử mấy tờ croquis đang viết dang dở. Sáng mai lên lớp nói là đêm qua mơ thấy có bài báo như thế, như thế...Mấy tác giả học sinh ngẩn ngơ, sao mơ hay đến vậy... !

         @ Ghi thêm sinh hoạt đời thường 
        -Nhảy tàu : Với những bạn chưa đi tàu lửa thì từ nhảy tàu sẽ hơi bị khó hiểu. Mua vé, vào ga rùi đi lên tàu hay đến ga đi xuống khỏi tàu lửa là chuyện bình thường. Không mua vé, hay không mua được vé, mà đi tàu lửa (đi không vé -lậu vé) có lẽ gọi là nhảy tàu, kể cả nhảy lên- sau khi tàu rời ga, hay nhảy xuống, trước khi tàu vào đến ga. 
         Cao thủ trong chuyện này là một bác-dạy Văn, chuyên ra ga Sông Lũy để nhảy lên tàu lửa đến Tuy Hòa thăm người yêu. Trong số các bác hay du hành kiểu này có bác-dạy Sinh- về quê trở vào đã nhảy từ tàu xuống mất cả dép. Bác cũng về nhà -Phan Rang- bằng cách này vài lần. May là trong trường chưa có ai bị thương vì nhảy tàu cả. Giờ suy nghĩ lại thấy quá nguy hiểm.
Chỗ nối toa là khoảng trống giữa 2 toa tàu
        -Không có vé thì phải nhảy (lên) tàu : Thật ra không ai cố ý đi lậu vé. Vì tàu lửa khi đến ga Sông Lũy, một ga nhỏ thì đi luôn không dừng lại. Và dĩ nhiên là không tổ chức bán vé tàu ở đó. Làm sao về được Phan Rang, hay đi xa hơn ra phía Bắc, vào phía Nam ? Trong trường có nhiều giáo viên quê Phan Rang, Nha Trang, Huế,... Sao không đi đường ô tô ? Việc đón xe khách hay xe tải chạy tuyến đường dài trên QL1 ở một nơi giữa chừng như Sông Lũy là điều không tưởng !
        Thế nên mới phải nhờ những nhân viên điều độ ở ga này phất cờ ra hiệu để tàu đi chậm lại. Người đi mang ba lô chạy dọc theo tàu-đang-chạy, bám được tay vịn  nhảy lên, ngay chỗ nối toa. Cứ thế mà đeo bám gần trăm cây số về tới ga Tháp Chàm (Phan Rang) và phải tìm chỗ ra khỏi ga mà không phải bị phạt vì không có vé. Nỗi nhớ nhà làm cho người ta vượt qua những nỗi lo sợ khác (phạt lậu vé nếu nhảy lên được tàu chợ, té xuống đường tàu không mất mạng cũng mất ...tứ chi,...). Ga Sông Lũy được lập ra có lẽ để công nhân chăm sóc cung đường địa phương, cho tàu lửa qua lại an toàn hơn chăng ? Hihi và cũng để cho một số người thực hành làm catcađơ-kẻ đóng thế vai những đoạn phim nguy hiểm !  
         -Có vé vẫn phải nhảy (xuống) tàu : Lúc trở lại trường thì mua vé từ ga Tháp Chàm đến Mương Mán (Phan Thiết), nhưng không đi hết đoạn nói trên. Gần đến ga Sông Lũy, tức còn chừng 50 km nữa mới tới Mương Mán, bắt buộc phải xuống bằng cách...nhảy khỏi tàu lửa. Quăng balô xuống trước, rồi lựa chỗ cỏ êm để người nhảy ra sau và phải chạy một chút theo tàu nữa, rất ư là hồi hộp. Ban ngày có thể thấy đường, ban đêm thì...hên xui. Tàu nói ở đây là tàu chợ, thường mỗi ga mỗi ghé. Tuy nhiên đến ga Sông Lũy thì lại không dừng như đã nói trên.  
         Bây giờ nhà tàu đã đóng kín cửa, không có nơi để bám mà nhảy lên. Vận tốc đã được tăng, nhưng vẫn không quá 60km/giờ. Và cũng không còn nơi để đứng giữa chỗ nối toa như ngày ấy, có khi phải đứng suốt 100km ở chỗ mà thường vẫn nghe nhà tàu cảnh báo là nơi nguy hiểm không được đứng...[Hiện nay vẫn còn người bán hàng rong nhảy tàu, không đứng chỗ nối toa mà ngồi trên nóc toa (**), nguy hiểm hơn nhiều !]
Chỗ nối toa nhìn từ bên trong tàu ( khoảng trống giữa mấy cánh cửa sơn xanh)

         -Y tế : Tuy không bệnh gì, mỗi tuần thầy trò đều được phát thuốc uống để ngừa sốt rét. Nếu có bệnh thông thường, được y sĩ cho thuốc trị. Bệnh nặng hơn, phải cõng hay khiêng võng ra QL1. Ở đây phải dùng súng của tự vệ trường mà đón đường, xe hơi mới chịu ngừng để chở người bệnh đi đến Phan Thiết. (Do đó, không ngạc nhiên khi thấy giáo viên, học viên muốn về Phan Rang,... phải nhảy tàu lửa !). Gian nan đấy chứ bạn nhỉ ! 
        Riêng bệnh lạ đã nhắc phần trên thì cách tốt nhất là, cho người bệnh về nhà nghỉ dưỡng một thời gian sẽ khỏi.
         -Cà phê : Sáng chủ nhật muốn uống cà phê quán, phải mất chừng 30 phút lội bộ từ trường ra tận chợ Sông Lũy, gần QL1. Muốn ăn phải lăn vô bếp đó mà. Chỉ đi đông anh em buôn chuyện, mới đỡ ngán ngại đường xa.

Sông Lũy bây giờ ( http://maps.google.com)

          Con thấy bác nói về việc ăn, chơi nhiều hơn việc học à nghen...! Mún bắt giò phải không chú nhóc ? Con thuộc thế hệ sau, nghe đừng tự ái nhé. Người học thì ngày ấy siêng hơn bây giờ, chịu đựng gian khổ để vươn lên giỏi hơn chăng ? Người dạy thì được trang bị hay tự trang bị nhiều thứ, mang hoài bão cho đời nhiều hơn chăng ?
         Hiện tại có lẽ vì đời sống khấm khá hơn rõ rệt so với thuở đó nên cách sống cũng có khác. Nhưng dường như người ta lo chạy mệt nghỉ theo cái gì đó không có tính lâu bền, đại loại như là những con số phần trăm. Con người chớ đâu phải đôi giày, cái áo,...đâu mà  đóng đinh với những con số bất biến ? Hùng hục như một đoàn đua rượt đuổi theo nó. Một số người -mà ngày càng đông hơn- lại uống thuốc tăng lực, trợ cơ,...hay nói chung những thứ vận động viên không được phép làm. Đương nhiên có doping thì không  thắng mới là chuyện lạ trên đường đua không công bằng ấy. Và người trung thực lại bị cười chê, vì không theo kịp...thời- đại- của- những- % ! Nhưng AI bị thiệt hại lâu dài đây nè ? 
         Mong sao sớm loại trừ nhóm doping ra khỏi cuộc chơi, virus phần- trăm- loại- xấu bị diệt sớm, trả lại cho đời godautre (***) cái tâm trong sáng, chỉ lo việc dạy chữ, dạy người thật sự, mà cũng đừng nên phong thánh cho họ...   
 
         Nhớ lại dĩ vãng là cuốn phim ghi những gì sâu sắc, ấn tượng nhất đọng lại trong đầu. Những thứ nhạt nhòa đã trôi theo dòng thời gian rùi còn đâu nữa, hở nhóc con ! Hơn ba mươi năm -từ ngày ở Sông Lũy- chớ ít đâu nào ! 

         (Cà phê Sữa ghi lại dùm ông bác thương yêu của hắn. Có nhiều khi, bác nói say sưa mà nó cũng chưa thấu hiểu dù lun lun lắng nghe ! Người lớn rắc rối thật đấy !) 

--------- 
(*)  : bài "Mưa miền Trung"- NS Phan Huỳnh Điểu 
(**):http://www.tin247.com/nhung_bong_hong_tren_noc_tau 
(***): có thời người ta gọi thầy cô giáo là những người gõ đầu trẻ (chắc được...cấp giấy phép để thực hiện !)

12 nhận xét:

  1. Bạn và khối di vãng đẹp như thơ của bạn khiến tôi nao nao và không khỏi ganh ty.Quả thật nhịp sông hiện nay đã tướt đi nhiều quá những phút thư giãn thong dong và vô tư...Mãi hối hà như con tàu kia đến ga cũng chẳng kịp dừng,mà tôi cũng cuốn theo,không khác.Vì cái gì???
    Hỏi dể rồi đáp.
    Rồi ý thức một phương cách đổi thay.
    Tự hoàn thiện là thiên bẩm của muôn loài,hà tất cứ quẩn quanh...
    Lối đi ngay dưới chân mình.
    Sông Luỹ cũng đâu ngừng thay da đổi thịt thì hãy cùng nâng nhau lên từ những hồi ức đẹp như một món quà,ta nhé ta!

    Trả lờiXóa
  2. NGÀY ẤY...BÂY GIỜ.

    Sự phân chia đẳng cấp luôn tồn tại tuy quan điểm phân chia mỗi thời có những khác biệt rõ rệt.

    Ngày ấy người ta nể trọng và xếp cái "chiếu trên" dành cho những người nhiều chữ nghĩa,có kiến thức thật sự: Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn...là một vinh hiển bậc nhất;thậm chí hai tiếng Ông đồ cũng mang lai sự nể trọng nhất định mà ngôi thứ xã hội riêng dành như một tất yêu,hiển nhiên không cần bàn cãi.

    Bây giờ,người ta "đo" nhau bằng hai tiếng "Đại gia".Bàn tròn của các đại gia được tính bằng tài sản có được,chưa có nhà ở Phú Mỹ Hưng,chiếc xe vuông chưa phải hàng "top"...chỗ ngồi bỏ trống.

    Cái thước dùng đo nhau bằng chữ nghĩa bị soán ngôi bởi lẽ nhan nhản những tấm bằng giả hiệu,có sắc hình nhưng không hồn vía chóng vánh ra đời sau những đổi chác trong xập xình,hoan hỷ nhũng bán-mua...Nó rỗng hoàn toàn nhưng lại đủ sức giảm giá những cái đầy và thật bởi khó phân biệt giả - chơn.


    Chữ nghĩa tạo nên một phong thái đặc trưng thì kim tiền cũng làm ra thứ ngôn phong riêng biệt.Người ta có thể kể tên vanh vách và thuần thục khui nhoay nhoáy những chai rượu ngoại, thuộc lòng những hương vị đặc trưng của chúng nhưng không tài nào pha nổi một ấm trà mang đúng phong vị của Ông Cha

    Con người hối hà sống,hùng hục làm việc,tất bật chạy sô...để kiếm tiền.Bạn không thể thoát ra ngoài cái guồng máy đó bởi hàng trăm nhu cầu cần được thực thi mà không thể thiếu tiếng loạt soạt của những tờ giấy bạc.Mỉa mai là đôi khi bạn cũng phải đỏ mặt thực hiện việc chung-chi nếu không muốn người thân gặp hoạ...

    Thở dài đi rồi nâng niu hy vọng rằng ngày mai sẽ khác,bởi một khi truyền thống Tôn sư trọng đạo vẫn hiện hữu và luôn được tôn vinh thì hiển nhiên cái thước đo chữ nghĩa vẫn mãi tồn tại trong niềm tự hào về CHÂN-THIỆN-MỸ.

    Ta cùng vui với ý nghĩa của ngày 20 tháng 11 vậy,xin chúc mừng với tấm lòng trân trọng!

    Trả lờiXóa
  3. Những con số bất biến là một căn bệnh trầm kha,bởi người ta lại căn cứ vào no mà định đoạt chế độ hương thụ,những danh tiếng,nhũng tấm bằng,những huân-huy chương...Vậy mới ra đời những cái ảo,mụ mị đánh lừa hòng nhận lấy cái hư-ảo-hơn-thế.Cười buồn ra...

    Một trường tư thục danh tiếng bởi những tỷ lệ đậu tuyệt đối ngày một làm nên danh tiếng chứa một bất ngờ lớn mà tôi tin cũng sẽ tạo thành tiếng vang không-hề-nhỏ.Trò không cần học những môn "phụ",tức là những môn không cần thi,nhưng sổ điểm vẫn đầy đủ những con số cần,Thầy thản nhiên "cho",trò vui lòng "nhận",không học càng...mừng.Người ta dạy cả cách giả dối lân cách bắt tay với sự giả dối như lẽ đương nhiên ngay ở học đường,ngay những người T_H_Ầ_Y.

    Phụ huynh cố cày bừa mong đủ tiền gởi con-tương lai của mình-vào với trường danh tiếng.Không còn tin vào trường học thì bạn biết tin ai?
    Biết làm sao đây???

    Trả lờiXóa
  4. @ Alô- Nhắc tới lần đi tìm mai rừng ngày ấy, nhớ bác Phạm Đăng H.-chú Bùi Anh T. Và :
    -Xin chia buồn cùng bác PĐH, về nỗi buồn gần đây nhất.
    -Vẫn nhớ lúc cùng bác PĐH trong 1 lần đi ăn tối mà suýt lạc đường về.
    -Mong chú BAT mau bình phục, để rồi sẽ cùng-ít nhất 1 lần- trở lại SL chứ !

    Trả lờiXóa
  5. @ Alô- Cần tìm địa chỉ chính xác của bác Ng Văn H., dân Bắc Bình, Bình Thuận, từng dạy môn Vật lí, thấp- như- tre, trắng- như- than, đã đọc bài thơ Ra- khỏi- quán- cà- phê của Lê Thị Kim trong rừng SL.

    Người từng đeo cặp kính cỡ đít chai, rớt kính là quờ quạng tìm. Hehe, có lần bị 1 đại ca đi xe ô-tô-hí ở PR qua mặt rùi quay lại phán rằng, đêm tối mà còn bày đặt đeo kính ...! (Quả thật, có 2 ông đang đi chung 1 xe đạp và đều đeo kính cận).

    Người từng ẵm em bé 3 tuổi đi khám bệnh dùm, để 3me nó đi dạy. Em bé đó nay đã 31 tuổi, cả 2 bác cháu đều ở cùng 1 thành phố đó nghe. (Có lúc bác ở gần Xa cảng miền Đông).

    Hichic, giờ này bác ở đâu ? Bà con ai biết, vui lòng thông tin cho MF. Xin hậu tạ...

    Trả lờiXóa
  6. Một tái ngộ như-chưa-hề-có-cuộc-chia-ly chắc các thành viên của MF sẽ đủ mặt,thật vui!

    Trả lờiXóa
  7. Tiếc hoa hơn...
    Đôi khi chỉ còn trơ những cành mà hoa lại nở bừng nơi...khác:công đâu có mất!

    Chỉ chờ đúng một người để "doạ" e không là bệnh-lạ.

    Nỗi nhớ...gì gi đó giúp phát hiện rằng ta tài hơn ta tưởng,hihi! Nhảy tàu tìm nhau...lãng mạn dữ à nha!

    Thong dong bên bè bạn,là cái thú không dễ tìm,hén!

    Trả lờiXóa
  8. Nhớ Sông Lũy quá! Những kỹ niệm không phai!

    Trả lờiXóa
  9. @ Alô. Ai cùng nhớ SL đó ? Có phải Người từng kiếm mai rừng, lan rừng, nghía báo tường, nghe nhạc Giáng Sinh,...trong SL vô vàn kỉ niệm ?
    Và có phải Người đã từng dạy Toán hấp dẫn đến độ có con bò ghé mắt qua cửa sổ dự giờ không ? (BAT-?) nên kể thêm về SL (dự tiệc sinh nhật, dấu ổ khóa, gánh nước suối về xài,...) để bổ sung kí ức của một-thời-để-nhớ , hén !

    Trả lờiXóa
  10. Tui thường mơ thấy ngày xưa đi học,chắc vì tui học chưa đã thèm...Tui ước được lần nữa ngồi nghe-nhìn-ngắm...hay ung dung như chú bò của bạn thôi cũng đủ tỉ tê rồi...Hihi!!!

    Trả lờiXóa
  11. Nhìn hình lan Ngọc Điểm tui cũng nhớ lan Tai Trâu ngày xưa của thằng tui. Học trò cho một dò lan NĐ (tui thích gọi TTrâu hơn) mang về treo ở nhà tập thể. Khi hoa nở, buối sáng sớm ngồi soạn bài cách hơn 1m đã thấy thơm ngan ngát rồi.

    Một bác đến xin lan bị từ chối (ai nỡ cắt đi 1 phần thân thể của mình là KỈ NIỆM ?) bèn bảo 1 câu xanh dờn : Ở nhà tập thể cũng bày đặt chơi lan !

    Kính thưa nhà bác, em ở nhà tập thể nhà nước 18 năm kể từ ngày ra trường ĐHSP nè. Vậy em không được ...chơi lan sao ? kekeke.

    Trả lờiXóa
  12. Tai trâu giờ còn không?
    Ở đâu Lan cũng chọn sự trong lành để hít thở,để sống và ngát hương.
    Nơi ở của b-á-c kia hoàn toàn nhiễm-độc,hơi hướng tuôn ra cũng đ-ộ-c nên nếu là tui,tui cũng chối từ bởi tui e Tai trâu sẽ mạng vong!
    Nơi lý tưởng Lan chọn là rừng xanh và nhà tập thể ngày xa ấy e cũng rất gần rừng vì lồng lộng gió lùa,trông sắc...Vậy là nở hoa,hihi!

    Trả lờiXóa